Sài Gòn: Đa hương vị lẩu

Thứ Năm, 03/09/2009 09:11

1,049 xem

0 Bình luận

(0)

4141

Không ai biết chính xác lẩu du nhập vào Sài Gòn từ bao giờ, nhưng giờ đây lẩu đã trở thành một văn hóa không thể thiếu của người Sài thành. Từ các khách sạn 5 sao, các nhà hàng, đến các quán ăn nhỏ và những bữa ăn trong gia đình, lẩu luôn hiện diện và nằm trong thực đơn không thể thiếu. Từ một số loại lẩu ban đầu như lẩu mắm, lẩu thập cẩm… giờ đây người Sài Gòn đã có thể tự hào về một bộ sưu tập phong phú – đa dạng của các món lẩu như lẩu bò, lẩu hải sản, lẩu nấm… và người ta khó có thể nào biết được hiện nay có bao nhiêu loại lẩu. Và trong mỗi loại lẩu ấy, mỗi nhà hàng, quán ăn lại có cách “biến hóa” để món lẩu của họ trở thành lạ miệng và có vị đặc biệt hơn, thu hút thực khách.

Có thể nói rằng món lẩu là sự “biến tấu” từ món canh vốn đã quen thuộc trong đời sống ẩm thực của người Nam bộ. Từ những món canh bình dân ấy, họ đã khéo léo vận dụng cách chế biến để trở thành món lẩu ngày nay. Để làm một món lẩu, điều đầu tiên là không thể thiếu các nguyên liệu tươi sống và những món rau tươi ngon. Với ý nghĩa vừa thưởng thức vừa tự phục vụ, nồi lẩu thường được đặt trên bếp rực lửa, có thể là loại bếp ga mini du lịch, hoặc loại bếp sử dụng cồn. Các nguyên liệu tươi sống thường được bày ra một chiếc dĩa, đợi khi nồi lẩu sôi sùng sục, người ta bỏ các nguyên liệu tươi sống, nhúng vừa chín tới, sau đó tiếp tục cho các loại rau vào và thưởng thức. Cứ như vậy, khi ăn tới đâu thực khách lại bỏ các nguyên liệu tới đó. Vì thế mà câu chuyện cũng theo nồi lẩu càng thú vị dần và kéo dài mãi!

Mỗi loại lẩu lại cho thực khách một hương vị riêng, có lẽ vì thế mà công thức chế biến các loại lẩu không hề giống nhau. Nếu chế biến lẩu mắm, thì nước dùng không thể thiếu vị của mắm, mà người ta hay sử dụng là mắm cá linh, cá sặc. Thêm vào đó, là các loại rau đồng quê chính là “hồn” của món lẩu này như: bông súng, lá tai tượng, rau má, rau dừa, bông bí, bông so đũa, lục bình, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, rau đắng đất, kèo nèo, cải xanh, đậu rồng, bắp chuối, giá, cà tím… Kết hợp với các nguyên liệu như: thịt heo quay, mực, tôm… nồi lẩu sẽ luôn kích thích vị giác của người thưởng thức. 

Đối với lẩu thập cẩm thì lại khác, nước dùng được chế biến từ xương heo, bò, gà và ăn kèm là các nguyên liệu không thể thiếu như: tim, bầu dục, thịt bò, chả cá, giò sống, cần tây, hành tây… Lẩu hải sản thì lại cho hương vị của nước dùng có vị ngọt từ xương cá, đầu và đuôi tôm, ăn kèm là mực, tôm, cá, cà chua, rau cần rau cải…

Trong những năm trở lại đây, lẩu Thái và lẩu nấm có lẽ là 2 loại lẩu được thực khách ưa chuộng hơn cả. Lạ miệng, lại bổ dưỡng, 2 món lẩu này đã chiếm được “tình cảm” bất cứ ai khi lần đầu tiên thưởng thức. Và nhắc đến lẩu nấm, người ta không thể nào bỏ qua nhà hàng Ashimar – nhà hàng đã tạo nên thương hiệu cho mình với món lẩu nấm theo công thực “độc quyền” sử dụng các loại nấm thiên nhiên như nấm vị cua, nấm mỡ gà, nấm bò ngũ vị… khiến cho thực khách không thể bỏ qua.

Bên cạnh lẩu nấm, người ta cũng dễ dàng tìm thấy món lẩu Thái tại các nhà hàng Thái Lan và ngay tại các quán ăn Việt Nam thuần túy. Sử dụng các hương vị như sả, gừng, lá chanh kết hợp với vị cay của người Thái, món lẩu Thái cũng rất được thực khách thích thú với hương vị chua chua ngọt ngọt đã góp phần làm bữa tiệc ẩm thực của mọi người thêm phần tinh túy hơn.

Không thể kể hết những hương vị của từng loại lẩu hiện diện ở Sài Gòn, tuy thế mỗi loại lẩu lại mang một nét đặc trưng, một nét rất riêng, để thực khách không nhàm chán với sự lựa chọn của chính mình. Có lẽ cũng vì thế mà lẩu là món ăn dễ đi sâu vào lòng người nhất!

Khánh Nhật

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading