Thế giới của phô mai

Thứ Ba, 28/07/2009 09:50

1,994 xem

0 Bình luận

(0)

1506

 

Với khoảng hơn 500 loại khác nhau, Pháp được coi là quốc gia tiêu thụ phô mai hàng đầu thế giới.

Phô mai xuất hiện trong mọi bữa ăn của người Pháp, và cũng không nơi đâu trên thế giới, người làm phô mai cũng được “vinh danh” như cái tên Affineur - một nghệ nhân phô mai.

 

Nổi tiếng bậc nhất trong các dòng phô mai Pháp là loại phô mai xanh Roquefort, mùi rất nồng, nhưng khi đã quen lại rất dễ ghiền, còn gọi là “sầu riêng của thế giới phô mai”. Phô mai Camembert thì thơm mùi sữa và trái cây, thường được dùng để kết thúc bữa ăn. Lâu đời nhất thì có phô mai Saint-Nectaire, làm từ sữa bò tươi tại vùng Auvergne. Ở đây, người ta phải sản xuất phô mai Saint-Nectaire hai mẻ mỗi ngày mới đáp ứng được nhu cầu thực khách. Kinh điển thì có phô mai sữa dê Chevre chaud, có lớp áo là vụn bánh mì hay miếng thịt muối mằn mặn. Loại phô mai này phải ăn nóng với bánh mì que của Pháp mới đúng điệu. Ngoài ra, không kém phần được ưa chuộng là “hoàng tử” Beaufort, loại phô mai cứng, đến từ vùng Alps, có hình tròn và rất lớn, nặng từ 20 đến 70 kg, được làm từ sữa bò taurine vang danh.

 

 

 

Tuy nhiên, danh hiệu "phô mai đắt nhất thế giới" được trao cho loại phô mai làm từ... sữa nai sừng tấm, được chế biến trong một nông trại của gia đình Johanson ở vùng

Bjursholm, miền Bắc Thụy Điển. Loại phô mai này được bán ở những nhà hàng sang trọng nhất ở nước này với giá khoảng 500 USD/lb (450g).

 

Vùng biên giới Pháp và Thụy Sĩ là nơi cư ngụ của nhiều món ăn trứ danh từ phô mai. Chẳng hạn như món phô mai “cạo” Raclette có hình tròn, làm từ sữa bò của vùng núi Alps, mềm mịn, thơm nhẹ mùi kem sữa. Để dùng món này, người ta cắt khối phô mai làm đôi, hơ gần lửa cho mềm và tan chảy bằng chiếc tách đun đặc biệt rồi quết lên bánh mì, khoai tây hoặc các loại rau củ khác.

 

Hay như món lẩu Fondue, cũng xuất phát từ những ngôi làng nhỏ nằm trên dãy núi Alps. Vào mùa đông lạnh giá, khi thực phẩm tươi khan hiếm, người ta đã nghĩ ra cách phối hợp các thực phẩm khô như bánh mì, phô mai, trái cây, rau củ hoặc thịt ướp muối với phô mai nấu tan chảy thành món fondue. Món ăn ưa thích vào mùa đông này có cách ăn gần giống món lẩu thập cẩm của người Việt nên còn được biết đến với tên “lẩu fondue”.

 

Phô mai được nấu tan chảy trong một chiếc nồi dưới ngọn lửa liu riu. Đôi khi, người đầu bếp còn cho thêm vào đó một ít tỏi, rượu trắng, rượu anh đào, bột bắp hay bột mì để món phô mai có độ sền sệt, hòa quyện vào nhau và dậy hương thơm hơn. Khi nồi “nước dùng” sôi lên sùng sục, người ta ghim các loại thịt, rau củ được cắt thành miếng nhỏ vào cây nĩa dài, chấm ngập vào nước dùng phô mai béo ngậy, nóng sốt, xoay nhẹ cho lớp áo phô mai phủ đều quanh thực phẩm rồi nhấc lên, vừa ăn vừa xuýt xoa.

 

Mỗi quốc gia có một loại fondue riêng, mà điểm khác nhau cơ bản là ở loại phô mai được sử dụng. Chẳng hạn, fondue Savoyarde của Pháp làm từ ba loại phô mai Comte Savoyard, Beaufort và Emmental, fondue kiểu Ý thì dùng phô mai Fontina thêm sữa, trứng và nấm truffle.

 

 

Khó có thể kể hết sự đa dạng của các loại bánh làm từ phô mai. Người châu Âu thích dùng chocolate phủ bên ngoài miếng phô mai để ăn, đơn giản mà ngon. Cầu kỳ hơn là các loại bánh ngọt với phô mai được biến tấu vô số kiểu, khi thì phô mai cà nhuyễn thành bột, phủ bên ngoài bánh gateaux, khi thì phô mai quết thành một thứ nhân đặc biệt, mềm, mịn và  thơm tho.

 

Phô mai làm bánh phải đảm bảo độ tươi mới thì bánh mới mềm mại, béo bùi. Tùy theo độ mặn và chua của phô mai mà người ta chọn các loại quả đi kèm. Thường đó là các loại trái có vị chua ngọt như dâu, xoài, phúc bồn tử, chanh dây… Với những sự kết hợp độc đáo tổng hòa hương vị ấy, các món bánh phô mai thường rất thơm ngon và lạ miệng. 

 

Cát Tường

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading