Gỏi khô bò

Thứ Năm, 16/07/2009 08:45

1,263 xem

0 Bình luận

(0)

3543

 Trong những món ăn vặt, ăn chơi ở đất Sài Gòn phải kể đến gỏi đu đủ khô bò. Thời hội nhập, món ăn dân dã được tìm tòi và đưa vào phục vụ cho du lịch. Gỏi khô bò nhờ thế đã nghiễm nhiên có mặt ở bàn tiệc của các nhà hàng, khách sạn có sao. Tuy đã được phong sao nhưng đi ăn gỏi khô bò ở quán cóc vỉa hè hình như người ta vẫn thấy ngon hơn, đúng điệu ăn vặt hơn.

Một trong những hàng bán gỏi khô bò được nhiều người biết tiếng nằm trên đường Hai Bà Trưng, đối diện công viên Lê Văn Tám. Sự nổi tiếng này có lẽ phần nào nhờ nó nằm trên trục giao thông đông đúc và dân ăn vặt có chỗ ngồi bên lề công viên mát mẻ vừa nhâm nhi dĩa gỏi vừa tán dóc ngắm nhìn dòng người nguợc xuôi. Trên đường Nguyễn Văn Thủ còn có xe gỏi khô bò của ông Năm. Ông bán từ năm 1970, ở tiệm nước mía Viễn Đông đường Pasteur, sau năm 1975 ông dời về đây.

Ăn gỏi khô bò thích nhất là không phải chờ đợi. Cứ đặt món, vài ba phút sau dĩa gỏi được chuyển tận tay người ăn. Chỉ cần vài dấu hiệu của phục vụ là bếp trưởng hiểu ngay, tay nhấp kéo liên tục, một loáng là đủ mấy dĩa theo ý khách.

 

Đu đủ thường được ngâm qua nước muối có đá để khử mùi mủ và giúp sợi gỏi giòn hơn. Lẫn trong màu xanh phơn phớt của những sợi đu đủ bào có điểm dăm ba cọng ửng vàng trông thật duyên. Thêm miếng thịt, gan, phổi, lá mía bò được khìa thành thứ khô có màu nâu cánh gián cùng vài cọng rau quế, rau răm và những hạt đậu phộng vàng thơm giòn rụm, dĩa gỏi trông càng bắt mắt...

 

Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Ông Năm thì pha giấm, nước tương và nước xốt ớt theo kiểu cũ, từng thứ được xịt vào dĩa gỏi theo thứ tự lớp lang. Phối nước gỏi theo cách này hơi chậm nhưng bù lại theo sát gu ăn của khách: ưa chua nhiều, hay thích mặn một chút, hay thật cay để vừa ăn vừa hít hà.

 

 

Theo Quang Tâm (SGTT)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading