Ngọt bùi bánh gai

Thứ Hai, 23/03/2009 04:44

1,076 xem

0 Bình luận

(0)

4518

Bánh gai là món quà quê đặc sản truyền thống của nhiều vùng như Ninh Giang (Hải Dương) hay làng Giá (Yên Sở, Hà Tây), Cầu Ốc (Nam Định),  Tứ Trụ (hay còn gọi bánh gai làng Mía, Thanh Hóa)…

Mỗi miền có cách làm bánh gai khác nhau nhưng đều phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu. Đầu tiên phải chọn gạo làm bánh: Gạo để làm bánh phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ,  bánh mới mềm và dai. Gạo nếp được ngâm khoảng một buổi, sau đó xay trong cối đá để tạo thành bột đặc sánh.

Lá gai phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt cho khô nước, cho vào cối giã thật nhuyễn, trộn với bột và đường kết tinh để làm vỏ bánh. Khi trộn bột phải vắt nhiều lần cho thật dẻo. Đường phên (một loại đường thẻ) đun cho sôi chảy rồi trộn với lá gai thành một thứ mật sền sệt. Người ta nhào mật này với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn. Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh.

Nhân bánh cũng phải chọn nguyên liệu và gia công rất cầu kỳ: Đậu xanh, đậu phộng, dừa, mứt bí, vừng, mỡ heo, hạt sen, hương liệu thơm như dầu chuối… Mỡ heo đem thái miếng vừa rồi luộc chín, sau đó thái chỉ, trộn đường rồi đem ủ vào chum cho đến khi những miếng mỡ trắng, trong, giòn mới đem dùng. Đậu xanh cũng phải chọn loại ngon, hạt nhỏ, sau đó ngâm đãi sạch vỏ, nấu chín rồi giã nhuyễn. Người ta trộn tất cả các nguyên liệu trên làm nhân.

 

Khi ăn bánh gai, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng  mà phải từ từ tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra có màu đen nhánh, mịn màng. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu.

 

Y VÂN tổng hợp

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading