Hương gừng

Thứ Tư, 26/11/2008 03:14

1,038 xem

0 Bình luận

(0)

1004

- Chịu khó lấy gừng, xắt lát thật mỏng, chế nước nóng, vắt ít giọt tắc, thêm xíu muối, xíu đường. Ngày uống vài ba lần, công hiệu lắm! 

Tôi nghe lời bạn, làm thử bài thuốc dân gian. Mùi gừng thơm, chưa uống đã thấy dễ chịu. Nhấp ngụm nước nóng, gừng cay nhưng không nồng, ấm áp, dịu hẳn cổ họng. Ngày vài lần vậy mà "linh". Không hiểu do bài thuốc gừng hay do tác dụng của thuốc, hay đã đến lúc cơn bệnh bị đẩy lùi, mà những cơn ho lui dần, rồi dứt hẳn.

Từ đó, tôi lợi dụng tính "thần dược" của gừng để chế biến các món ăn cho mùa trở trời với mục đích "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Mực xào chua ngọt cho thêm ít gừng xắt sợi mỏng, nồi canh rau cải bỏ tí gừng đập dập. Bên ngoài trời mưa lâm thâm, nồi thịt gà kho gừng liu riu trên bếp. Con trai 13 tuổi đi học về, ào vào nhà, thơm quá, đói quá mẹ ơi... Mùi gừng ấm áp, căn phòng rộng bỗng hóa chật bởi những tiếng xuýt xoa bên nồi cơm bốc khói.

Ngày tôi sinh con đầu lòng, mẹ làm cho tôi chai rượu gừng để xoa bóp. Gừng mua về, mẹ nướng lên rồi xắt lát, giã nhuyễn, bỏ vào chai rượu cồn một lít. Qua hai lần sinh nở đều vào mùa nóng, tôi lười xoa bóp, chai rượu gừng không dùng bao nhiêu, hơn hai mươi năm rồi vẫn còn một nửa. Màu cồn trắng chuyển sang màu vàng và bột gừng thì đọng dưới đáy một lớp dày. Thỉnh thoảng mỏi tay chân, chồng tôi lại lấy chai rượu "bà đẻ” ra lắc rồi xoa bóp, lại "chữa thẹn" vài câu tiếu lâm cho vui cửa vui nhà.

Mùi gừng thơm nồng gian bếp, lại nhớ những ngày Tết xưa, mẹ mua về cả rổ gừng, ngâm nước rồi xúm nhau cạo lớp vỏ gừng mỏng dính như lụa. Dùng con dao nhỏ mà sắc, len lách cạo nhẹ nhàng từng ngóc ngách củ gừng, phải thật khéo léo để củ gừng trơn láng, rồi lấy ra xăm. Mấy chị em vừa xăm gừng vừa tán gẫu, sơ ý có khi bị kim châm vào tay đến chảy máu. Miếng gừng sau khi xăm phải mềm, nhưng không được nát hay "quặt quẹo", bỏ vào trong nước vẫn thấy căng phồng như lúc chưa xăm. Mùa Tết, nhà nào cũng xăm gừng, thơm cả xóm. Rồi đến công đoạn xên mứt. Có nhiều đêm học bài xong, tôi đi ngủ, mẹ vẫn ngồi bên thau mứt được đặt trên lò than nhỏ lửa. Mẹ nghĩ gì trong những đêm thanh vắng và bình yên ấy? Tôi nào biết được và càng không có được cảm giác này, bởi hơn 20 năm có gia đình riêng, tôi chưa bao giờ làm mứt tết.

Hết gừng xăm lại đến gừng xắt lát. Cả tháng chạp hầu như chỗ ngồi của mẹ tôi là trong gian bếp nhỏ, lui cui luộc rồi xả, rồi ngâm, lặng lẽ một mình bên lò than từ thau mứt gừng, đến mứt khoai lang, cà chua, mứt dẻo, bánh đậu xanh, bánh thuẫn... Gian bếp lúc nào cũng ấm sực và thơm mùi đường, mùi va ni, bột, trứng...

Những ngày chuẩn bị Tết, mẹ tôi làm mứt gừng nhiều chủ yếu để biếu. Hết biếu trong họ tộc đến biếu bà con làng xóm thân quen và những gia đình ơn nghĩa. Biếu qua, biếu lại. Bánh mứt đưa qua thì nhận lại thứ gì đó. Vậy mà vui, mẹ tôi thường nói: "Cái tình chủ yếu mấy ngày này, con ạ!".

Mấy năm trước xóm tôi cũng có gia đình chuyên làm mứt Tết. Những buổi tối tháng chạp cả xóm ấm áp bởi mùi gừng cùng tiếng chậu thau. Sau này, bà cụ lớn tuổi, mấy cô con gái lấy chồng, ra riêng, bỏ hẳn nghề làm mứt Tết. Thỉnh thoảng, tôi thấy bà cụ ra ngồi trước cửa ngó mông lung rồi nói bâng quơ về những món bánh mứt ngày Tết với hàng xóm. Trong giọng nói của bà cụ, tôi nghe thấy chút tiếc nuối, rất buồn! Có ai níu được thời gian?

Mẹ tôi giờ cũng đã già. Ngày Tết, bánh mứt bán ê hề, mua cho có với người ta vì nhiều khi chẳng ai đụng đến. Tết năm nào tôi cũng mua túm gừng xắt lát nhưng chẳng ai ăn, qua tháng hai, tháng ba, đành bỏ.

Thôi thì, ráng chế biến món ăn có mùi gừng trong mùa đông lạnh để bọn trẻ còn có cái mà nhớ. Bởi ý nghĩ đó, đi chợ lúc nào tôi cũng mua một củ gừng nhỏ xíu giá một ngàn, có khi không dùng đến, khô quắt queo. Những rổ gừng ngày xưa của mẹ tôi, giờ mà kể lại cho bọn trẻ con nghe, biết đâu chúng sẽ cho đó là chuyện huyền thoại!

Đào Thị Thanh Tuyền

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading