Hãy chăm sóc người chăm sóc!

Thứ Năm, 21/08/2008 09:18

1,031 xem

0 Bình luận

(0)

4449

Xin bác sĩ vui lòng tư vấn về việc chăm sóc và giao tiếp với các cụ quá già sao cho tốt. Tôi sống với mẹ chồng đã gần 90 tuổi, nghễnh ngãng, nói trước quên sau, khó tính, đổ oan cho mình, lại không được sự hỗ trợ của chồng tôi, oải quá, tôi chịu hết siết...!
(Tran thi...@....)

Không oải mới lạ! Nhiều người bảo già thì giống như em bé, nhưng không phải vậy! Chăm sóc một em bé thì mỗi ngày ta như được trông thấy... tương lai. Hôm trước mới còn đỏ hỏn, oe oe, hôm sau đã biết lật, biết bò, rồi biết đứng chựng, biết đi, rồi chạy nhảy, leo trèo... Còn người già thì mới hôm trước còn leo trèo, chạy nhảy, hôm sau đã... đứng chựng, rồi bò, rồi lật... Tai kém, mắt mờ, nhớ trước quên sau, rất đáng thương.

Một chị bạn nói mỗi lần đi thăm một người già về, chị bị suy sụp cả tuần lễ, nghĩ đến lúc nào đó tới phiên mình. Chăm sóc cho một người già - quá già - do vậy rất cần sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ của người thân. Giao tiếp với người quá già quả là không dễ. Có một “nghệ thuật” nào chăng? Có đó.

Đừng bao giờ xuất hiện đột ngột dễ gây giật mình, gắt gỏng. Phải tạo sự chú ý trước khi nói điều gì. Đừng hấp tấp. Nên dành thời gian để các cụ tập trung cái đã rồi mới khởi sự trình bày, vì trí não bây giờ không còn khởi động nhanh nhạy như hồi trẻ. Khi nói thì ngồi hoặc đứng đối diện, gần vừa đủ, ngang tầm mắt. Như vậy vừa dễ nghe, vừa có thể nhìn vào mắt, vào môi mà đoán. Ánh sáng vừa đủ để có thể nhìn nhưng cũng đừng chói quá. Dù có chuyện gì bực mình cũng ráng giấu đi, đừng có đăm đăm, dễ bị suy diễn, hờn trách.


Khi trao đổi, tránh sự mất tập trung vì tiếng động chung quanh, vì nhiều người hiện diện lăng xăng cùng lúc. Tránh nói to như hét vào tai! Nếu có mang máy nghe, phải đảm bảo máy... còn pin. Nên nói chậm rãi và rõ ràng. Dùng từ ngữ đơn giản, câu cú ngắn gọn. Lặp lại đôi ba lần nếu cần. Đôi khi phải “phiên dịch” thành cử chỉ hay nhờ người giúp. Mỗi lần chỉ nên nói một ý, một việc, vì không thể cùng lúc nhớ nhiều thông tin quá.

Đặc biệt về thuốc men, khi cần căn dặn gì nên viết ra giấy, dễ đọc, ghi rõ màu thuốc, dạng thuốc, vì sẽ dễ quên, dễ nhầm lẫn liều lượng nguy hiểm! Mỗi lần cần hỏi thì cũng chỉ hỏi một thứ thôi, hỏi hai ba thứ sẽ lẫn lộn. Hỏi xong, chịu khó chờ một chút để có thì giờ ngẫm nghĩ và tìm từ diễn đạt. Sẵn sàng chấp nhận sự nhầm lẫn, những cơn nóng giận vô cớ, nói rồi quên, dặn rồi không nhớ, làm sai, đổ thừa v.v...

Người chăm sóc cho người già rất cần có sự... chăm sóc đặc biệt của người thân. An ủi tinh thần, giúp đỡ vật chất, tạo điều kiện để được “xả hơi”, lấy lại tinh thần. Ở các nước tiên tiến có các tổ chức hỗ trợ, tham vấn cho người chăm sóc. Ở ta vẫn chỉ là người nhà chăm sóc lẫn nhau, thiếu kỹ năng, thiếu phương pháp, phương tiện. Nếu ông xã mà không chia sẻ, hỗ trợ cho một tay, hôm nào thử... bệnh vài bữa để ổng có dịp trổ tài xem sao! Lúc đó thì ổng mới thực sự thấu cảm.


(Tran thi...@....)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading