Phụ nữ và bệnh phong thấp

Thứ Năm, 12/06/2008 04:42

1,327 xem

0 Bình luận

(0)

4110



Phong thấp là cụm từ chung chung để chỉ hàng chục bệnh về xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là nữ từ tuổi mãn kinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì phong thấp có nhiều căn nguyên chưa rõ, nên đa số bệnh chỉ giảm chứ không khỏi hẳn. Do đó, quan trọng là việc chủ động dự phòng từ trước, nhất là ở những người có nguy cơ cao như tuổi lớn, nhất là nữ, sống trong những nơi ẩm thấp, thời tiết thay đổi thất thường, lao động nặng, hay béo phì hoặc thiếu các chất dinh dưỡng, nhất là vitamine và khoáng. Theo WHO có thể chia phong thấp thành 6 nhóm bệnh sau:

1) Bệnh thấp khớp (Rheumatoid - Arthritis) - cấp hay mãn, đơn hay đa khớp... thường gây đau nhức, sưng tấy từ những khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, khớp hàm, đốt sống cổ, thắt lưng, rồi tới các khớp lớn hơn như: khủy, gối, vai, hông... Bệnh thường chuyển từ cấp sang mãn tính nếu không phòng chữa sớm và đầy đủ, nhất là chuyển sang đa khớp hay biến chứng vào tim rất nguy hiểm, khó chữa.

2) Bệnh thoái hóa khớp (Osteoarthritis) thường gặp ở đối tượng lao động chân tay và sau tuổi mãn kinh. Bệnh gây thoái hóa xương và sụn, làm nhão các bao khớp và gân cơ, giảm các chất nhầy bôi trơn khớp, khiến cho khe khớp hẹp dần, gây lùn hẳn người so với thời trẻ, kể cả so với lúc chưa mắc bệnh này.

3) Bệnh gút (gouty-arthritis) do chất acid uric không thải hết qua thận mà đọng lại trong các khớp dưới dạng urate trong suốt, làm biến dạng khớp và sinh ra những hạt trên vành tai mà chuyên môn gọi là hạt Tophi. Bệnh gây đau đớn kéo dài và thường xuyên tái phát suốt cuộc đời, dẫn tới cái chết! Bệnh thường tái phát khi ăn nhiều thức ăn giàu đạm, nhất là nguồn động vật như thịt nạc, tim, gan, thận, nên có người thường gọi gút là bệnh của người giàu hay dân nhậu.

Nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam, nhất là ở người quá ký.

4) Bệnh cứng khớp (Ankilosing arthritis) gây tình trạng các khớp dính chặt vào nhau nhất là ở vùng lưng, khiến người bệnh không cúi xuống được, hoặc còng gập xuống (bà còng!) thường gặp ở giới lao động quen gánh vác nặng khi còn trẻ.

5) Bệnh xốp hay loãng xương (Osteoporosis) là bệnh bị mất các tế bào xương hoặc thớ sơ, gây ra các lỗ hổng trong xương tựa như chiếc gậy tre bị mối mọt, nên xương dễ gãy do ngoài việc mất tế bào xương còn kèm theo mất nhiều chất khoáng, nhất là canxi và vitamine D. Bệnh cũng thường gặp ở tuổi sau mãn kinh.

6) Bệnh giòn xương (Osteomalacia) là bệnh xương bị vôi hóa, khiến ta nhìn qua phim chụp thấy trắng xóa toàn bộ thân xương. Do vôi hóa nên xương càng dễ gãy, vỡ, khớp bị lún sụt. Bệnh thường gặp ở người thiếu chất vitamine, đặc biệt nhóm D và nhóm người nghiện rượu, nên ở ta tỷ lệ nam mắc bệnh này cao hơn nữ.

Theo các lời khuyên của giới y học Nhật Bản, có 3 điều tối quan trọng cần thực hiện để hạn chế bệnh phong thấp:

1) Chế độ ăn uống hàng ngày: Người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới, nhất là nữ, cũng có tỷ lệ thấp nhất về bệnh phong thấp. Năm 2000 - bảng chuẩn về dinh dưỡng cho nữ Nhật Bản là: Nhu cầu năng lượng (Energy) từ 3 chất: đạm, béo, đường tính bằng đơn vị Kilocalo: Tuổi trẻ (16-19) cần 2.100 Kcalo. 60 tuổi: 1.700 Kcalo. 70 tuổi: 1.550 Kcalo và 80 tuổi chỉ còn 1.350 Kcalo. Nhưng các vitamine và khoáng cùng lượng nước ăn uống mỗi ngày lại không hề giảm khi về già. Ví dụ mỗi ngày nữ cần 1800 đv vitamine A, 100mg vitamine D, 50mg vitamine C, 12mg sắt, 600mg canxi, 9mg kẽm, 160 microgam iốt thì mọi tuổi đều như nhau. Vì thế tuổi hưu cần ăn ít 5 thứ: ít thịt thay bằng cá; ít mỡ thay bằng dầu thực vật; ít muối để phòng chống suy thận, hại tim; ít đường để ngừa bệnh tiểu đường, hư răng; ít chất cay, chua (tiêu, ớt, giấm...) để ngừa bệnh gan và dạ dày... Nhưng lại cần ăn 3 nhiều: nhiều vitamine, nhiều khoáng và uống nhiều nước.

2) Năng vận động. Có thể nói vận động là giải pháp tối ưu cho việc phòng chống các bệnh phong thấp, nên càng nhiều tuổi, đời sống càng cao, càng cần vận động tích cực và chủ động mọi khớp một cách nhẹ nhàng thoải mái như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, thể dục tay không, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ dưỡng sinh (nhảy đôi và nhảy đơn), tập các bài quyền với gậy, kiếm, quạt... Gắn kết hợp giữa vận động với nghe nhạc sẽ giúp thư giãn.

3) Giảm béo: Béo phì là bạn đồng hành của các bệnh về khớp, tim mạch, tiểu đường, suy hô hấp, suy thận, ung thư các loại. Vì vậy cần biết tiêu chuẩn của béo phì tới đâu để chủ động phòng chống sớm với nguyên lý: giảm nhập vào bằng ăn ít và tăng xuất ra bằng vận động nhiều.

Kết luận:

Phong thấp là nhóm bệnh rất phổ biến ở vùng nhiệt đới, có khí hậu ẩm thấp quanh năm, thời tiết luôn thay đổi. Việc chữa trị thường lâu dài, tốn kém mà hiệu quả lại không cao, nên quan trọng và cơ bản nhất vẫn là chủ động dự phòng từ nhỏ, nhất là các bạn nữ tuổi mãn kinh. Luôn nhớ: Ăn ít nhưng không thiếu vitamine và khoáng, uống nước nhiều và năng vận động, tập luyện.

TS-BS Phạm Năng Cường

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading