Các “Lò” Đá Cây: Chưa Cơ Sở Nào Được Cấp Chứng Nhận Vệ Sinh
Báo GĐ&XH đã có loạt bài phản ánh tình trạng nhộn nhạo, mất an toàn vệ sinh thực phẩm của các “lò” sản xuất đá cây tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về vấn đề này.
- Từ 2008, Sở Y tế Hà Nội đã cấm sử dụng đá cây trong pha chế nước giải khát. Tuy nhiên, thực tế nhiều hàng quán vẫn không tuân thủ. Ông nghĩ gì về việc này?
- Sau khi có lệnh cấm, Sở và các cơ quan liên quan đã phối hợp tuyên truyền và đã 60 - 70% nhận thức được, còn lại là chạy theo lợi nhuận. Trong đó, cố tình sử dụng đá cây trong giải khát chủ yếu là những quán cóc, quán nước vỉa hè - đối tượng rất khó xử lý vì địa bàn hoạt động không ổn định. Còn hầu hết những quán giải khát lớn, có địa chỉ rõ ràng đã sử dụng đá viên cho giải khát. Hiện Hà Nội có 42 cơ sở sản xuất đá viên (đá pha lê) được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Song đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở sản xuất đá cây nào được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP. Loại đá này chủ yếu dùng để ướp động vật. Khi đem tiêu thụ, đá cây đều không rõ xuất xứ nên tuyệt đối không an toàn cho việc sử dụng để giải khát.
- Người tiêu dùng thường quan niệm, ở nhiệt độ đông lạnh, vi khuẩn sẽ chết. Như vậy có đúng không, thưa ông?
- Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì trong môi trường đông lạnh cũng không thể giết chết được vi khuẩn. Trong tủ lạnh, vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển. Độc tố của chúng cũng không bị phá hủy. Trong môi trường đông lạnh, chúng “ngủ đông” và sống dậy khi đá tan. Nên sử dụng đá cây đồng nghĩa với việc đưa vi khuẩn gây bệnh vào người.
- Sau khi có lệnh cấm, Sở Y tế đã kiểm tra việc chấp hành như thế nào, thưa ông?
- Hà Nội liên tục duy trì và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm, cao điểm là vào mùa hè. Trên địa bàn hiện có 44 cơ sở đăng ký chất lượng sản phẩm và thuộc quyền quản lý của Sở. Từ đầu năm đến nay, Chi cục ATVSTP đã thanh tra, kiểm tra 12 cơ sở; Thanh tra Sở kiểm tra 2 cơ sở, phát hiện và đình chỉ 1 cơ sở vi phạm. Phần lớn các cơ sở qua thanh, kiểm tra đã có công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Dù trên thực tế vẫn còn một số cơ sở đầu tư chưa thỏa đáng, thiết bị sản xuất thủ công, nhà xưởng chật hẹp, vi phạm chủ yếu về vệ sinh ngoại cảnh như môi trường sản xuất không đảm bảo, không có bảo hộ lao động.
- Theo ông, việc nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống vẫn sử dụng đá cây có phải do chế tài chưa đủ sức răn đe không? Hà Nội sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?
- Không hẳn, vì có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Vì mức xử phạt vẫn thấp. Khung xử phạt cao nhất mới là 10- 15 triệu đồng. Việc kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào ý thức, tính tự giác của cơ sở. Những nhà hàng lớn có uy tín, có địa chỉ rõ ràng đều đã sử dụng đá viên. Hàng rong, quán nước vỉa hè vi phạm nhiều nhưng khó xử lý, khó phạt vì trông thấy từ xa là họ đã bỏ chạy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra sát sao đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và các chủ kinh doanh. Nhận thức của người dân cao, nói “không” với đá cây trong giải khát thì sẽ chặt đứt “cung” của đá cây trong lĩnh vực này.
- Xin cảm ơn ông!
Hiện tại, Hà Nội có 382 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình đã được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Sau hơn 1 tháng kiểm tra, gần đây Sở Y tế đã phát hiện 5 mẫu nước không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP, có chứa coliform gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Cả 5 cơ sở đã bị thanh tra Sở Y tế đình chỉ hoạt động và xử phạt 12,5 triệu đồng. 3 cơ sở khác cũng bị tạm đình chỉ do không bảo đảm các điều kiện về ATVSTP. Trong 382 cơ sở có khoảng 30% cơ sở mới được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra.
Danh mục bài viết
Bình luận