Bánh Canh Buổi Xế

Thứ Hai, 14/06/2010 04:53

1,641 xem

0 Bình luận

(0)

3402

Bánh canh ghẹ thường được bán vào buổi xế chiều, khi mà giờ cơm trưa đã qua rất lâu, khi mà bụng dạ người đi đường đã lưng lửng đói. Tô bánh canh nghi ngút khói gợi lên một mùi thơm phưng phức như lời mời khách đi đường ghé lại thưởng thức

Bánh canh là món ăn dân dã xuất hiện ở Sài Gòn từ rất lâu với nhiều hương vị như: bánh canh cua, bánh canh giò heo, bánh canh chả cá… rồi dần dần xuất hiện thêm một món bánh canh mới là bánh canh ghẹ. Nghe cái tên nhiều người sẽ hình dung ra được trong tô bánh canh ấy, thế nào cũng có… ghẹ. Quả đúng như thế, ngoài thưởng thức tô bánh canh ngon ngọt, thêm ít thịt ghẹ xé nhuyễn, thực khách còn có cơ hội ăn luôn cả con ghẹ to đùng, chấm kèm muối tiêu chanh khoái khẩu!


“Hai trong một”


Nhiều khách hàng thường đùa, bánh canh ghẹ là món ăn “hai trong một” vì khách hàng có thể vừa ăn bánh canh, húp tô nước dùng xì xụp, vừa có thể nhâm nhi cái càng ghẹ mềm ngọt. Vậy là vừa ăn bánh canh, vừa thưởng thức hải sản đúng nghĩa rồi còn gì?!. Bánh canh ghẹ vì thế mang trong mình hương vị của biển, của gió và tấm lòng của người đầu bếp đã dày công làm món ăn. Món này được bày bán khá nhiều nơi ở đường phố Sài Gòn nhưng “rộ” nhất là vào tầm bốn giờ chiều cho đến khuya. Đây là khoảng thời gian mà nói như nhiều người, Sài Gòn vào đợt “ăn khuya”. Món này vừa có thể là món ăn chơi cho những kẻ bụng đã lưng lửng, cũng có thể là món “cứu đói” cho mấy ai lỡ bữa.


Bánh canh ghẹ tuy phổ biến nhưng không vì thế mà nơi nào cũng giống nhau. Mùi vị bánh canh ngon hay dở tùy thuộc vào cách nêm nếm và bí quyết riêng của từng quán. Cũng như các món phở, hủ tiếu, bún bò… bánh canh ghẹ ngon là nhờ nước dùng nấu khéo. Và để có được nồi nước dùng thơm ngon, người bán ngay từ sáng sớm đã phải thức dậy đi chợ mua ghẹ và xương hầm. Xương mua về phải hầm thật kĩ để nước dùng thêm ngọt. Nước bánh canh có trong hay không là nhờ quá trình hầm xương. Người nấu cứ phải đứng bên cạnh, canh nồi nước, chờ nước sôi để hớt bọt cho nước thật trong. Đây cũng là bí quyết nấu canh xương của nhiều gia đình được người bán áp dụng tỉ mỉ. Thời gian nấu phải kéo dài ít nhất 4 tiếng, dưới lửa riu riu. Ngoài ra, để nước dùng dậy mùi thơm, người nấu phải cho thêm ít hành củ giã nhuyễn, vừa giúp nước dùng thơm, vừa át đi vị hàn đôi khi hơi khó chịu của ghẹ.


Dù hàng bánh canh chỉ được dọn ra tầm bốn giờ chiều, nhưng người bán phải chuẩn bị từ sớm. Ngoài xương hầm, người nấu phải luộc ghẹ chung để lấy thêm nước ngọt. Tất cả phải được làm lần lượt để “đúng giờ G” là bàn ghế được bày ra phục vụ các vị khách “sành ăn”.



Một tô bánh canh ghẹ ngoài con ghẹ to đùng còn có thêm một miếng chả, một ít tiêu, hành lá xanh xanh điểm trên mặt, màu sắc vì thế mà rất hài hòa. Chả được dùng ở đây không phải là chả làm sẵn, bán ở chợ mà là chả do chính tay chủ quán làm, có hình tròn dẹt, dai giòn, ngọt lịm, đậm đà. Khách đến ăn cứ khen bánh canh nấu khéo vì cái gì cũng kỳ công, tỉ mẩn, quan trọng nhất vẫn là ở khâu chuẩn bị. Nước bánh canh ngon, sợi bánh canh mềm và dẻo, cộng thêm vị ngọt dịu của thịt ghẹ, chẳng trách, thực khách cứ “thòm thèm”, đã ăn rồi cứ muốn ăn thêm tô nữa.

Thêm một tô


mndp92.2 Khá nhiều khách hàng đến quán bánh canh ghẹ đều vô tình bật lên câu “Thêm một tô cô chủ ơi” vì dường như một tô bánh canh chưa đủ với họ. Cảm giác “thèm” sau khi được ăn không bị mất đi, trái lại càng bị “khơi” dậy và làm nhiều người cứ muốn ăn mãi. Ở các gánh hàng, nhất là gánh bán bánh canh ghẹ tại cầu Bông, khách hàng cứ ra vào nườm nượp gọi liên tục khiến bà chủ cứ chốc chốc lại la lên “đợi một tí” khiến bao nhiêu người ngồi đợi cứ nao nao, chẳng biết chừng nào mới tới lượt mình.

Có khá nhiều tiệm bánh canh trên đường Đinh Tiên Hoàng, đường Phan Đăng Lưu, rồi cả bến Vân Đồn… nhưng rất nhiều người vẫn bỏ công đi rất xa để được nếm thử một tô bánh canh ghẹ. Âu cũng là sở thích, hoặc có lẽ người Sài Gòn có một thói quen mà theo lời một người bạn ngồi kế bên nói “Ở Sài Gòn chỉ cần món ăn ngon thì dù xa cách mấy khách cũng tìm đến cho bằng được”. Chẳng thế mà các khách quen của quán cứ lần lượt rủ nhau quay lại.


Người bán bánh canh ghẹ trên Cầu Bông là một cô chủ trẻ nhưng thạo nghề. Nhìn bàn tay thoăn thoắt trụng bánh, chan nước dùng cho vào tô rồi chuyền cho khách mà cứ thấy thích. Bánh canh đến tay khách vẫn còn nóng hổi, nếu không khéo sẽ suýt bỏng. Đó cũng là cách “hâm nóng” lại bàn tay khi ngồi đợi dưới cái gió chiều hanh hao. Ăn bánh canh ngon phải bưng cả tô mà húp. Những âm thanh xì xụp tạo ra từ các hàng ăn cứ khiến người đi đường phải ngoái đầu nhìn lại, người ngạc nhiên, người hứng khởi, đủ cả! Rồi cũng có người vì tò mò mà tạt vào gọi thử và đa phần không ai cảm thấy tiếc vì cái sự “liều” của mình.


Có thể nói, ăn bánh canh chẳng có gì là lạ nhưng bánh canh ghẹ thì hình như chỉ có ở đất Sài Gòn thì phải. Tô bánh canh với giá không phải là xoàng, cũng chẳng lấy gì làm cao cấp này lại có sức hấp dẫn với nhiều đối tượng thực khách khác nhau. Người sang không lấy chuyện ngồi lề đường làm ngại, người bình dân thì cũng không lấy vấn đề giá cả để ngăn cản cái thú thưởng thức bánh canh hơi “lạ đời” này. Chính vì thế, bánh canh ghẹ mặc nhiên trở thành món ngon đường phố đang rộ lên dạo gần đây, góp vào danh sách các loại bánh canh một cái tên mới.





Nguồn: Monngonvietnam.com

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading