Bánh đúc ngày xưa...

Thứ Năm, 09/09/2010 11:04

2,710 xem

0 Bình luận

(0)

3618

Năm ấy sau Tết, tôi than thở với thằng cháu ruột rằng lâu lắm không được ăn bánh đúc. Thỉnh thoảng vào một nhà hàng có dáng dấp kiến trúc Việt, thực đơn thiết kế toàn những món Việt, nhưng gọi bánh đúc bao giờ tôi cũng nhận được một nụ cười hàm ý xin lỗi của cô phục vụ trẻ và xinh.

Giả như không có vợ bên cạnh, cười cười hỏi cô em đã bao giờ làm bánh đúc hay ăn bánh đúc chưa thì mười cô , cô nào cũng lắc đầu. Nhưng bún chả, bún ốc, bún bò Huế, phở Bắc… thì có ngay. Xem thế, bánh đúc chẳng qua chỉ làm dáng cho tờ thực đơn, không mấy người ngó ngàng tới, không ai ăn sáng bằng một đĩa bánh đúc nữa. Thiên hạ bây giờ giàu có, bên cạnh những cuộc chè chén như đốt tiền, thỉnh thoảng quay về các món ăn dân dã, tìm kiếm hương xưa vị xưa, thì bánh đúc tuyệt đối quê mùa, “quê mùa một cục” từ ngay cái hình thức khá là thô của nó. Vậy mà những đôi mắt cố tình ngó lơ, những cái miệng cố tình từ chối nó! Tại sao lại như thế?

alt
Bánh đúc ngày xưa

Cầu được ước thấy - ngay ngày hôm sau thằng cháu mang tới cho tôi một đĩa bánh đúc có ngọn, mua của một bà bán rong hay đi ngang sở làm của nó. Theo lời thằng cháu thì chiều nào cũng vậy, cứ tầm người ta lưng lửng bụng bà già lại ngang qua, cất giọng rao hai tiếng: “Bánh đúc!” cụt lủn như bổ sung cho thành phố một thứ âm thanh chứ chẳng hy vọng có người mua.

Những miếng bánh đúc xắt quân cờ hình chữ nhật, làm bằng gạo lức - thứ gạo còn nguyên cám vẫn được cho là rất tốt cho cơ thể. Thằng cháu dọn chén mắm, đĩa nhân tôm và một vốc đậu phụng rang rồi mời tôi cầm đũa. Mùi mắm nêm sực nức mũi, những hạt đậu phụng rang vàng khô giòn và chén nhân tôm sền sệt khiến tôi ngại ngần. Cái thèm trong tâm tưởng bỗng nhiên tan tành, nhường chỗ cho sự chán chường. Bánh đúc ăn với mắm nêm, với đậu phụng rang, với nhân tôm - tôi thực tình chưa ăn nhưng cũng sẽ nhất quyết không ủng hộ kiểu “se duyên” như vậy!

Ngày còn bé ở Hà Nội tôi vẫn thường xuyên thưởng thức bánh đúc. Những hạt đậu phụng mềm điểm xuyết miếng bánh đúc mềm mại. Một chén tương nếp ngọt và thơm. Chấm ngập miếng bánh đúc trong chén tương rồi đưa vào miệng, từ từ nhai thật kỹ. Hạt đậu phụng chỉ ít mềm hơn miếng bánh một tí, như một chút nhấn nhá vừa đủ cho cảm giác thèm ăn, như rủ rê hãy gắp thêm miếng nữa, hãy chan tương cho ngập miếng bánh. Quà quê đấy! Không gì giản dị đơn sơ chân chất như miếng bánh đúc. Suy cho cùng bánh đúc là món quà thanh cảnh, một khi vị quá đi một chút sẽ không còn miếng bánh đúc đúng nghĩa nữa.

Thoang thoảng hương gạo mới, beo béo hạt đậu căng tròn, ngọt lừ chén tương ủ kỹ. Không phải tương Bần nổi tiếng từ xa xưa giờ vẫn giữ danh tiếng trên các quầy trong siêu thị hay ngổn ngang trong các can nhựa bên đường 5 ngay đoạn qua thị trấn Bần Yên Nhân. Chén tương chấm bánh đúc nếu tôi không nhầm là tương Cự Đà, không cần đường, không cần mì chính, sẵn sàng thách thức những chum tương của mọi miền đất nước.

Cự Đà bây giờ không làm tương nữa, nhường chỗ cho tương Cự Hồng, nhưng chất tương thì vẫn thế, một mực ngon, một mực là chén nước chấm không chỉ hài hòa với miếng bánh đúc mà còn thích hợp với ngọn rau lang, ngọn rau muống luộc. Thử chấm bánh đúc với một chén nước chấm khác - một chén nước mắm nhĩ chẳng hạn, thì thà đừng ăn, đừng làm phí công người khuấy nồi bánh! Nước chấm có vai trò cực kỳ quan trọng trong món ăn Việt, nó thậm chí quyết định món ăn ngon hay dở mà món bánh đúc là một ví dụ!

Mơ màng miếng bánh đúc ngày xưa, lại chợt nhớ tới Nam Cao, nhớ tới thiên truyện ngắn Một truyện sú-vơ-nia của ông. Đã đành “có thực mới vực được đạo”, nhưng nếu bánh đúc chấm tương, bánh đúc chan riêu không ngon đến thế thì cô Tơ chắc gì đã bán chiếc khăn tay của Hàn.
 
Theo Thanh niên

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading