Bánh trôi - bánh chay

Thứ Tư, 08/09/2010 09:20

1,651 xem

0 Bình luận

(0)

2169

Từ bao đời, ngày tết mồng ba tháng ba đã được Việt hoá hoàn toàn. Không mấy người Việt Nam, có biết hay có nhớ đến sự tích ông Giới Tử Thôi, nhưng ai ai cũng nhớ đến ngày mồng 3/3 cũng có mâm bánh trôi, bánh chay cúng Trời Phật, thành hoàng và gia tiên. Rồi dân gian gọi luôn đó là ngày tết bánh trôi bánh chay, ngày tết ngọt ngào và thơm tho nhất trong năm, khi đất trời thấm đẫm hương hoa, hương nắng mới và hương gió mới.
 
alt

Từ trước đó hàng tuần, những bà mẹ Hà Nội ra chợ chọn mua gạo nếp, đỗ xanh, cân đường kính, trăm đường phên, đôi lạng vừng hạt, bột đao và không quên một lọ nước hoa bưởi hay dầu chuối. Ngày tết này chỉ cần có thế.

Trong buổi đêm ngày mồng 2/3 âm lịch, hoặc sớm hơn, có thể từ buổi chiều, người trong các nhà đã lo ngâm đỗ, xay gạo. Cối đá xay tay tuy hơi chậm, lại nặng nhọc, nhưng bột xay qua hai lần rất nhỏ và mướt. Nhà nào có nước giếng khơi trong hay nước mưa hứng tàu cau để lắng qua bể lớn, mà đem xay bột thì bột sẽ ngọt và thơm lắm đấy.

Có người đơn giản, vội vàng, không chịu tốn công xay bột nước, thì ra chợ mua sẵn bột khô về nhào nước, ủ qua một vài tiếng cho mềm. Nhưng mà hãn hữu lắm, bởi bột khô to cát, lại để qua hàng tháng trời, có khi hơn thế, thì lấy đâu ra cái mịn mềm, mướt mát, thơm tho của bột nước xay gạo mới. Tuy nhiên, gạo làm bánh trôi, bánh chay dứt khoát phải kén được thứ nếp cái hoa vàng, thứ gạo tròn hạt, đều tay, như các cụ khoe là nếp đếm trăm được. Ngặt lắm mới phải vời tới tang nếp quýt, thế mới có được hương thơm, sắc trắng cũng như độ dẻo mướt cho bánh. Chứ cái giống nếp chiêm hay nếp còi, nếp miền Nam thì vừa cứng mình, vừa sạm sắc, đã thế lại chẳng có một chút hương thơm nào, đừng đem xay cho phí công chầu chực. Song cũng có nhà nghĩ là cứ đầy đặn thực thà, xay thuần một thứ bột nếp cực tốt để làm bánh, thế mà cũng không thực đẹp và ngon. Vậy thì cách pha bột thế nào là chuẩn?

Chị Thắng ở chợ Hàng Bè cho biết thêm: Cứ chín phần nếp, cho một phần tẻ là vừa, cùng lắm là cho đến non hai phần tẻ. Cho ít tẻ thì bánh dính và chảy, không thành hình tròn đẹp, cho nhiều tẻ thì bánh cứng, ăn dai.

Còn đỗ để làm nhân bánh, kén được giống đỗ tiêu hạt nhỏ nhưng thơm, được thứ đỗ lòng hơi xanh xanh là hay nhất. Ðỗ mỡ hạt to, lòng vàng, vo đãi thì nhanh, song kém đậm, kém thơm. Ðỗ được cho lên chõ hấp chín tơi, đem giã mịn, xào với đường kính trắng làm nhân bánh chay. Lạng đường, lạng đỗ thì tha hồ mà ngọt. Còn đường làm nhân bánh trôi phải chọn đường phên Dương Liễu, Cát Quế gói trong những tấm lá chuối khô buộc rơm vàng, đem ra chặt làm sáu, hay làm chín tuỳ theo nếp quen từng nhà. Mỗi viên nhỏ sẽ làm nhân cho một chiếc bánh trôi.

Bột nếp xay sau khi cho vào một chiếc túi vải thôi treo lên qua đêm, ít nhất cũng là qua 3,4 tiếng, bây giờ đã ráo nước. Bột được dỡ ra một chiếc mâm sạch, được nhào lại cho nhuyễn. Bây giờ đã đến giờ nặn bánh và luộc bánh, thời khắc đông vui, náo nhiệt nhất trong mỗi nhà. Nhân những lúc như thế này, bà thường dạy cháu, mẹ thường dạy con cách bẻ bột, vào nhân, luộc bánh sao cho vừa độ.

Nồi nước luộc bánh đã sôi bùng. Nhẹ tay lần lượt thả từng chiếc bánh một chứ không thể tiện tay đổ ào cả mẻ. Vì sẽ làm nước trong nồi lạnh đi đột ngột, dễ làm bở bột, vỡ bánh.Bánh chín vớt ra, được ngâm ngay trong nước lã đun sôi để nguội cho săn mình trở lại. Khi vớt bánh, bày bánh lên bát, lên đĩa, người nội trợ chấm thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm trên mặt bánh, như thể rắc thêm lên bầu trời trong vắt những vì sao lấp lánh. Thế rồi, người ta chan vào bát bánh chay một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Rồi tuỳ theo từng nhà, sẽ rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín mà còn nguyên hình hoa cau. Thế là bát bánh nom tựa như một đoá hoa cánh trắng, nhuỵ vàng được bao bọc trong một làn sương huyền ảo, mơ màng./.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading