Một cuộc tranh cãi về Omega-3

Thứ Tư, 02/11/2011 11:58

3,685 xem

0 Bình luận

(0)

4976

Một tranh cãi Omega-3 là thuốc hay thực phẩm chức năng lại được đưa ra trên bàn tiệc để thảo luận đúng, sai và thách nhau bằng việc phải trả tiền bao uống cà phê vào buổi sáng ngày mai sau khi kiểm chứng thông tin.

Trong một bữa tiệc liên hoan, có người không uống được bia với lý do bị huyết áp cao và đang sử dụng Omega-3 để điều trị. Người khác trong bàn tiệc tham gia ý kiến cho rằng Omega-3 không phải là thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, nó chỉ là một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ cho những người bị huyết áp cao. Có người vẫn xem đây là thuốc điều trị. Một tranh cãi Omega-3 là thuốc hay thực phẩm chức năng lại được đưa ra trên bàn tiệc để thảo luận đúng, sai và thách nhau bằng việc phải trả tiền bao uống cà phê vào buổi sáng ngày mai sau khi kiểm chứng thông tin.

Buổi sáng hôm sau, gần quán cà phê là nhà thuốc tây mới mở cửa. Người bạn đang sử dụng Omega-3 để chữa bệnh cao huyết áp cũng vừa hết “thuốc”, phải sang mua để mở hàng cho cô nhân viên nhà thuốc xinh xắn; đồng thời có ngay “thuốc” sử dụng trong ngày và có cơ sở để quyết định người phải trả tiền cà phê sáng.

Một hộp “thuốc” được mua về mang nhãn hiệu Omega-3 (Alaska Fish Oil) viên 1000mg với hộp giấy bên ngoài và lọ nhựa bên trong đựng 100 viên nang mềm không ghi chữ thực phẩm chức năng (Functional Food) hay thực phẩm hỗ trợ sức khỏe (Health Supplement Food) kể cả giấy hướng dẫn sử dụng. Nhóm người có quan niệm đây là “thuốc” đã mừng thầm vì cho rằng mình đã đúng. Một người trong nhóm không tin vấn đề này, qua nhà thuốc mà bạn mình vừa mua “thuốc”, làm công tác ngoại giao để mượn một hộp Omega-3 của một hãng sản xuất khác. Thế rồi, tờ giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp thuốc này đã được mọi người đều đọc với nội dung tác dụng là hỗ trợ làm giảm lượng triglyceride và cholesterol máu, giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp; bồi dưỡng mô võng mạc mắt, giúp sáng mắt, giảm mỏi mắt khi sử dụng máy vi tính; xem ti vi, đọc sách báo; giúp nâng cao trí lực, chống thoái hóa não; chống suy nhược cơ thể, giúp ăn ngon, ngủ tốt ... Một nội dung mà nhóm người đã mừng thầm trước đó phải bật ngữa vì trong phần chú ý khi dùng sản phẩm đã ghi rõ “Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Như vậy, ai là người phải trả tiền cà phê buổi sáng đã được xác định.

Trong giới thiệu, hướng dẫn sử dụng sản phẩm Omega-3, một số nhà sản xuất đã ghi các chỉ định như hỗ trợ tuần hoàn, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim ... nên người tiêu dùng có thể nhầm lẫn là thuốc điều trị và phòng bệnh vì không được ghi rõ thực phẩm chức năng ở bao bì kể cả giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong. Thực ra sản phẩm này được sản xuất từ dầu các loại cá vùng biển sâu và lạnh (vùng Alaska), chứa Eicosapentaenoic acid (EPA) và Docosahexaenoic acid (DHA) giúp hỗ trợ làm giảm lượng triglyceride và cholesterol máu, đây là cơ sở để giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, trong đó có bệnh cao huyết áp nên người sử dụng nghĩ rằng đây là loại “thuốc” để điều trị và phòng bệnh huyết áp cao. Vì vậy khi mua sản phẩm trong các nhà thuốc, quầy thuốc tây, để xác định rõ “thuốc” hay “thực phẩm chức năng”; người tiêu dùng cần đọc kỹ những chữ ghi trên bao bì và giấy hướng dẫn sử dụng cụ thể ở bên trong. Một số thực phẩm chức năng ngoài bao bì không ghi rõ “thực phẩm chức năng” nhưng khi đọc giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo bên trong mới nhận rõ. Có lẽ đây là một nghệ thuật kinh doanh của các nhà sản xuất trong khi phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu rõ được vấn đề này.

Một loại thực phẩm chức năng khác có hoạt chất chính glucosamin sulfate mang nhãn hiệu Gold-cosamin có bao bì bên ngoài và vỉ thuốc bên trong rất giống với thuốc điều trị. Trên hộp thuốc có ghi chữ điều trị viêm xương khớp bằng tiếng Anh “Treatment for osteoarthritis” nên người tiêu dùng cứ nghĩ đây là thuốc điều trị. Nếu đọc kỹ ở góc bên hông, sẽ thấy chữ thực phẩm hỗ trợ sức khỏe bằng tiếng Anh “Health supplement food”. Mở hộp thuốc để xem giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong, phần chú ý khi dùng sản phẩm có ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm từ các nhà thuốc, quầy thuốc tây, kể cả thuốc đông dược; muốn phân biệt rõ “thuốc” chữa bệnh, phòng bệnh hay “thực phẩm chức năng” cần đọc kỹ những thông tin ghi trên nhãn mác, bao bì và những nội dung trên giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong để tránh nhầm lẫn.

Danh mục bài viết Thực phẩm chức năng

Đang tải dữ liệu loading