Quản lý thực phẩm chức năng ở Việt Nam

Thứ Năm, 03/11/2011 04:15

2,759 xem

0 Bình luận

(0)

4045

Sau đây amthuc365 xin phép được giới thiệu tổng quan cơ chế và một số văn bản quản lý thực phẩm chức năng ở Việt Nam

Quan điểm chung:

Có một số nhà kinh doanh cơ hội đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng nên đã quảng cáo quá đáng chức năng của thực phẩm chức năng. Bởi vậy, Hội nghị quốc tế về thực phẩm chức năng đã khuyến cáo: Cần có một hệ thống luật pháp để kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Những quan điểm thống nhất chung là:

Thực phẩm chức năng phải là thực phẩm, nghĩa là cần phân biệt rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, nhất là các thực phẩm chức năng nhóm bổ sung vitamin, khoáng chất và hoạt chất sinh học.

Phải an toàn, các thực phẩm chức năng sử dụng lâu dài, có tính truyền thống được đúc kết là hoàn toàn không độc hại. Đối với thực phẩm chức năng mới, có thành phần mới, độ an toàn phải được chứng minh trên cơ sở khoa học.

Không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của thực phẩm chức năng, mặc dù một số nước công nhận khả năng đó.

Mọi công bố về thực phẩm chức năng phải trung thực, rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Các công bố về tác dụng của các chức năng của thực phẩm chức năng và các thành phần của nó đã được xác nhận và công nhận rộng rãi, phải được cơ quan quản lý thừa nhận và được xác nhận trên nhãn.

Quản lý thực phẩm chức năng ở Việt Nam:

Do vấn đề “Thực phẩm chức năng” ở Việt Nam còn rất mới, mới cả về tên gọi, hình thức, phương thức, mới cả về quản lý. Vì vậy, mới từ năm 2000 đến 2004 đã có 3 văn bản thay thế nhau của Bộ Y tế để quản lý thực phẩm chức năng:

Thông tư số 17/2000/TT-BYT ngày 27/9/2000 về việc “Hướng dẫn đăng ký các sản phẩm dưới dạng thuốc – thực phẩm”.

Thông tư số 20/2001/TT-BYT ngày 11/9/2001 “Hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc – thực phẩm”

Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng”.

Nội dung chủ yếu của Thông tư số 08 như sau:

Điều kiện để xác định là thực phẩm chức năng:

Những sản phẩm thực phẩm có bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin, muối khoáng và các chất có hoạt tính sinh học nếu được Nhà sản xuất công bố sản phẩm đó là thực phẩm chức năng; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành chứng nhận phù hợp với pháp luật về thực phẩm và có đủ các điều kiện sau thì được coi là thực phẩm chức năng:

1) Đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng: Nếu lượng vi chất đưa vào cơ thể hằng ngày theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn của sản phẩm có ít nhất 1 vitamin hoặc muối khoáng cao hơn 3 lần giá trị của Bảng khuyến nghị nhu cầu dinh dưỡng RNI 2002 (Recommended Nutrient Intakes), ban hành kèm theo Thông tư này, thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành xác nhận tính an toàn của sản phẩm và phải ghi rõ trên nhãn hoặc nhãn phụ sản phẩm (đối với sản phẩm nhập khẩu) mức đáp ứng RNI của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung;

2) Đối với thực phẩm chức năng có chứa hoạt chất sinh học: Nếu công bố sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng trong cơ thể người, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần của sản phẩm có chức năng đó hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn.

3) Nội dung ghi nhãn của thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về nhãn và các điều kiện sau:

a/ Nội dung hướng dẫn sử dụng cho những sản phẩm có mục đích sử dụng đặc biệt cần phải ghi: Tên của nhóm sản phẩm (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm dinh dưỡng y học), đối tượng sử dụng, công dụng sản phẩm, liều lượng, chống chỉ định, các lưu ý đặc biệt hoặc tác dụng phụ của sản phẩm (nếu có);

b/ Đối với thực phẩm chứa hoạt chất sinh học, trên nhãn hoặc nhãn phụ bắt buộc phải ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”;

c/ Trên nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

4) Đối với những sản phẩm có chứa vitamin và muối khoáng chưa được đề cập trong Bảng khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng quy định tại Khoản 1 của Mục này, sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng chưa rõ là thực phẩm hay thuốc, sản phẩm có chứa các chất có hoạt tính sinh học chưa đủ tài liệu chứng minh tính an toàn và tác dụng của hoạt chất đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Cục quản lý Dược Việt Nam và Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế xem xét để phân loại và thống nhất quản lý.

Quản lý đối với thực phẩm chức năng

1) Thực phẩm chức năng có đủ các điều kiện quy định tại Mục II của Thông tư này sẽ được quản lý và thực hiện theo các quy định của pháp luật về thực phẩm. Các sản phẩm này phải được công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế theo đúng qui định của pháp luật về thực phẩm trước khi lưu hành trên thị trường.

2) Việc thông tin, quảng cáo, ghi nhãn sản phẩm được coi là thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo qui định của pháp luật về thông tin, quảng cáo, ghi nhãn và phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Tổ chức thực hiện

 

1) Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong quá trình thực hiện các qui định của Thông tư này.

3) Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thực hiện các qui định của Thông tư này.

Danh mục bài viết Thực phẩm chức năng

Đang tải dữ liệu loading