Người giữ hồn Xí mà 60 năm qua

Thứ Hai, 14/05/2012 09:51

2,268 xem

0 Bình luận

(0)

3757

Xíu Mà (xí mà) là món ăn có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), du nhập vào Hội An (Quảng Nam) trong những năm đầu của thế kỷ trước, khi những người Hoa đến buôn bán kinh doanh. Đây là món ăn ngoài tác dụng điểm tâm thanh cảnh, còn là một bài thuốc chữa các bệnh về tiêu hóa, giải nhiệt, chống cảm nắng, suy nhược cơ thể…

Với tôi, ông luôn luôn bí ẩn như những mái ngói rêu phong của phố cổ Hội An, lặng lẽ chảy cùng sông Hoài ngót 500 năm nay. Người thì nói ông tên Ngô Hiển, kẻ thì bảo tên ông là Ngô Thiệu, còn những ai mỗi sáng phải mất một ngàn để mua quà dụ trẻ thì gọi ông là “ông lão xí mà”.

Chúng tôi ăn đến chén chè thứ 30, lại móc túi “bo” cho ông thêm hai chục ngàn nữa, hy vọng sẽ được nghe từ chính ông nói ra tên mình, nhưng cũng đành thua cuộc. Chỉ biết rằng ông cổ như phố cổ và gánh chè của ông đã trở nên quen thuộc với người Hội An 60 năm nay.

Ông già bán Xíu mà Hội An - cái biệt danh quen thuộc mọi người đặt cho ông lão

“Nhưng mà cậu hỏi tuổi của tôi để làm chi chứ? Nhiều người cứ nói Hội An 500 tuổi, rồi 400 tuổi, sai hết. Di sản làm gì có tuổi? Tôi cũng cổ như Hội An đây. Có điều tôi chưa được công nhận là di sản thôi!”.

Múc xong chén chè cho một người mẹ trẻ, ông ngước nhìn tôi, thật hóm: ” Còn hỏi chi nữa không?”. “Dạ thưa, có người gọi bác là “ông lão xí mà”. Sao lại là xí mà hả bác?”. Ông cười. Còn đúng hai chiếc răng. “Riêng cái tên nớ thì đúng. Xí mà là thứ mà nãy giờ cậu ăn đấy. Chỉ nên biết rứa thôi. Đi giải cho được cái chữ “xí mà” ấy, khác nào đi tìm lời giải cho câu hỏi “sông Hoài có từ hồi mô?”.

Thấy tôi lớ ngớ trước cái kiểu trả lời úp úp mở mở ấy, ông lão dấn tới luôn: “Còn trẻ mà chậm hiểu hè?”. Hai từ “còn trẻ” được ông kéo ra thật dài. Tôi thật bối rối trước sự đáo để của ông lão. Bụng bảo dạ: “Gặp đúng thứ thiệt Quảng Nam rồi đây”.

Mỗi ngày một gánh

Những ai từng sống ở Hội An 5-10 năm trước, chắc sẽ không quên hình ảnh này: Đúng 6 giờ sáng mỗi ngày, bất luận trời mưa hay nắng, trên các con đường của khu phố cổ, có một cụ già, gánh trên vai đôi thùng thiếc đen xỉn vì ám khói, bước những bước thật chậm rãi, không một tiếng rao, chốc chốc dừng lại để bán hàng cho khách. Đó là “ông lão xí mà”.

Đôi thùng thiếc ấy, một đầu dùng để đựng chè xí mà, đầu kia đựng chén và nước rửa, treo toòng teng nơi mút đòn gánh là chiếc bi đông đựng nước uống. Cứ hết phố này, ông sang phố khác, chậm rãi bước, lặng lẽ bán, mỗi ngày một gánh chè, đúng 60 năm. Người dân Hội An hình như đã quá quen ông lão, trẻ con cũng đã thuộc lòng giờ giấc của những bước chân chậm rãi nơi ông nên chẳng cần nghe tiếng rao, chúng cũng biết là sắp nhận được món quà độc đáo từ ông, giá đúng một ngàn.

Mỗi ngày một gánh, 60 năm là bao nhiêu gánh chè? Mỗi ngày đi qua 20 con phố, dài 10 ngàn mét, 60 năm qua, ông đã đi bộ bằng chiều dài của mấy vòng trái đất này? “Làm răng mà tôi tính cho được? Cậu nhìn vào chiếc đòn gánh kia thì biết!”. Tôi nhìn vào nơi ông chỉ. Đó không còn là chiếc đòn gánh đơn thuần nữa. Thời gian và mồ hôi của chủ nhân đã kịp dát lên đoạn tre già vô tri kia những nhọc nhằn đen bóng. Hai năm qua, khi đã sang tuổi 90, sức khỏe đã không cho phép bước chân ông lão gõ những nhịp guốc mộc quen thuộc trên các con phố cổ nữa, ông lại chọn cho mình một chỗ ngồi khá yên tĩnh trên đường Nguyễn Trường Tộ.

Vẫn mỗi ngày một gánh và bán hết trong một buổi sáng. Nếu như ngày trước, ông tìm đến khách hàng bằng những bước chân chậm rãi ấy, thì bây giờ, người Hội An lại tìm đến ông. Chốc chốc, một chiếc xe đạp dừng lại trước gánh chè. Chủ cũng không màng hỏi khách là mua bao nhiêu mà chỉ nhìn mặt rồi… múc chè cho vào túi nilon!

Tôi hỏi: “Làm sao bác biết chị ấy mua bao nhiêu mà bán những hai túi?”. Ông lại đưa chiếc quạt nan lên phe phẩy: “Ba năm trước, cô nớ chỉ mua một túi. Chừ mua hai túi. Biết răng không?”. Tôi lắc đầu. Ông lão nhìn về phía người mua chè: “Đứa nhỏ một tuổi rồi phải không?”. Người đàn bà gật đầu thân thiện.

Ông lão nhìn sang tôi: “Cô ấy có đứa con thứ hai. Hai đứa phải mua hai túi. Một túi để nó đánh nhau à?”. Chị Thư – người mua chè, xác nhận: “Ông thuộc lòng từng khách một ấy mà. Hội An ni, ai ông chả biết”.

Tôi hỏi chị Thư: “Có khi nào chị mua chè chỗ khác?”. Chị nhìn tôi ngạc nhiên: “Biết mua loại chè ni chỗ mô nữa? Ở Hội An, hồi mô đến chừ, tui chỉ thấy có mỗi ông lão này là bán chè xí mà thôi. Một gánh duy nhứt, không có gánh thứ hai. Đứa trẻ mô được ăn chè của ông một lần, lần sau chớ có đổi món. Ngày mô tui cũng phải mua cho mỗi đứa con một túi”.

xí mà 

Nồi xíu mà nghi ngút khói

Cổ như phố cổ

Cứ xong một lượt khách, ông lại ngồi bất động như một thiền sư. Nếu không trò chuyện cùng ông từ trước, nhìn cái dáng ngồi ấy, chắc là tôi chẳng dám đến gần. Khuôn mặt ông phảng phất một vẻ liêu trai khó tả. Cái sương khói huyền hồ như lẫn vào đôi quang gánh, như nhập vào bộ xiêm y nơi ông. Nhìn kỹ hơn một chút nữa, tôi chợt nhận ra rằng ông đã “nhập” vào Hội An tự bao giờ không biết.

Ông “lạ” từ bộ quần áo nâu sồng may theo kiểu Tàu, đến đôi quang gánh, cả cái thứ nước chè ông mời khách cũng quá đỗi cổ xưa. Ông cẩn thận cho chè vào túi nilon, lần bàn tay nhăn nheo xuống dưới đáy chiếc thúng cũ rồi lấy ra một sợi dây lác, buộc thật chặt miệng túi, trước khi trao cho khách. Những ai ăn chè tại chỗ, ông múc ra một chiếc bát nhỏ, cẩn thận đến mức không rơi một giọt. Xong, ông lão rửa bát bằng một thứ nước rất lạ, có mùi thơm hăng hắc, mà theo cách giải thích của ông là “đừng có hỏi!”.

Khi khách mua chè đã vãn, ông bắt đầu mang tiền ra sắp xếp theo mệnh giá. Tuổi ngoài 90 rồi mà mắt còn tinh lắm. Ông tỉ mẩn cho những đồng có mệnh giá lớn hơn (cao nhất là tờ 10 nghìn) vào túi áo trên, dùng kim băng ghim lại thật chặt; còn số tiền lẻ, ông cho vào túi dưới. Ông bảo: “Để thối lại cho dễ”. Tôi ước chừng khoảng một trăm nghìn. Thế là ông lão đã thắng, ít nhất cũng kiếm được năm chục. Gần “bách niên” rồi mà ngày kiếm năm chục từ sức lao động của mình, trai tráng như tôi cũng xin bái phục.

Tôi vờ thử tài ông: “Cụ nhầm tờ 500 cho lẫn với tờ 10 nghìn kìa!”. Ông nghiêm mặt: “Đừng giỡn với lão nghe! Hơn 60 năm bán chè, lão chưa nhầm một cắc!”. Tôi tái mặt!

Người “giải mã” những bí ẩn

Định tiếp tục cuộc trò chuyện đến khi nào “moi” cho được tên ông thì thôi nhưng tôi biết, có ngồi tàn đêm đi nữa thì người thua cuộc cũng vẫn là tôi. Vừa giận, lại vừa nể ông lão.

Đang lúc bí, một người bạn ở Hội An mách cho đường đến nhà ông. Luồn sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, tôi tiếp cận được ngôi nhà. Ra mở cổng đón khách là một cụ bà nhỏ nhắn và xởi lởi. Khác với cái cách úp úp mở mở của cụ ông, cụ bà đi thẳng vào cái mà tôi cần: “Ông tên là Ngô Thiểu, người gốc Hội An. Còn tôi quê Điện Bàn. Tôi với ông ấy gặp nhau trên 60 năm nay, mười lần sinh nhưng còn có 4 người. Tất cả đều thành đạt. Tất cả đều nhờ vào… gánh chè của ông ấy để lớn lên và học hành. Và, cũng tất cả đều không theo “nghề” của cha mẹ. Ba giờ sáng đã thức dậy rồi, thanh niên bây chừ, chịu không nổi mô!”.

Ngừng một lát, bà cụ tiếp: “Xí mà là tên gọi của người Tàu dùng để chỉ loại chè lấy mè (vừng) đen làm nguyên liệu. Cậu hỏi lai lịch của gánh chè ấy à? Chuyện dài lắm. Ngày mới lấy ông, cha mẹ hai bên đều nghèo nên chẳng giúp được gì. Con cái thì cứ sòn sòn hai năm đôi. Tôi phải gánh cá chuồn tên tận thượng nguồn Thu Bồn đổi gạo nhưng vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Một đêm, đang giữa khuya, ông bùng dậy và nói như người mộng du: “Tui nhớ ra rồi, mẹ nó ơi!”. Gặng hỏi mãi ông chẳng nói gì, chỉ thấy sáng sớm hôm sau, ông xăm xúi ra chợ mua mè đen, rau má, bồ ngót, đường bát và một cái xoong thật to rồi nhóm bếp. Gánh chè ra đời từ đó. Chẳng phải ông tự nghĩ ra đâu mà lúc nhỏ, ông ấy có đi làm công cho một gia đình người Hoa ở Hội An này và học được nghề nấu chè xí mà từ gia đình người Hoa nọ”.

Cũng theo bà cụ, sở dĩ món “xí mà” đã mê hoặc nhiều người không chỉ vì mùi vị của rau ngót, rau má hay mè đen, đường bát mà còn có một thứ khác. Bà bảo: “Ba giờ sáng đã dậy để đãi mè, lặt rau, giã thật nhuyễn rồi lấy nước cốt cho vào nồi chè. Có một điều bí mật nơi ông mà tôi không được biết. Đó là khi gánh chè chuẩn bị “lên đường”, ông móc trong túi ra cho vào nồi chè một loại thuốc bắc nào đó mà chỉ có ông mới biết mà thôi”.

Nghe cụ bà nói thế, tôi lại nghĩ vẩn vơ: Ông này cũng giống Hội An đây, vừa cụ thể, gần gũi nhưng cũng hết sức bí ẩn. Một người bạn của tôi đầy vẻ tự hào khi nói rằng ở Hội An quê anh, mỗi người dân đều giữ một phần di sản. Theo cách nghĩ của anh bạn thì cụ Ngô Thiểu , dù ở tuổi 90 nhưng vẫn gánh cái di-sản-xí-mà trên vai mỗi ngày vậy.


Xíu Mà (xí mà) là món ăn có nguồn gốc từ Phúc Kiến (Trung Quốc), du nhập vào Hội An (Quảng Nam) trong những năm đầu của thế kỷ trước, khi những người Hoa đến buôn bán kinh doanh. Đây là món ăn ngoài tác dụng điểm tâm thanh cảnh, còn là một bài thuốc chữa các bệnh về tiêu hóa, giải nhiệt, chống cảm nắng, suy nhược cơ thể…

Xíu Mà được làm rất công phu từ bột gạo nếp hương, nhân dừa xay nhuyễn, vừng (mè), đậu xanh, đường tinh luyện và thanh địa thuốc bắc. Khi nấu chín, Xíu Mà có màu đen sánh, mùi thơm lan tỏa.

Ở Hội An, bao năm qua cứ vào mỗi buổi sáng tại góc đường Nguyễn Trường Tộ, mọi người đều thấy một ông cụ đầu đội chiếc nón rộng vành ngồi múc từng chén Xíu Mà bán cho người dân và du khách. Đó chính là già Ngô Thiểu nổi tiếng làm Xíu Mà ở Hội An, giờ đây đã trở thành thương hiệu “Xíu Mà Ngô Thiểu”. Ông cho biết, xưa nay ở Hội An cũng có vài nhà làm Xíu Mà nhưng do nhiều lý do mà dần bị mai một thất truyền.

Hơn 75 năm trước, ông đã được chứng kiến cách làm Xíu Mà từ ông nội và cha mẹ của mình. Những năm trước đây, khi còn khỏe và phải lo nhiều cho cuộc sống, già Ngô Thiểu dậy từ rất sớm để làm Xíu Mà rồi gồng gánh 2 nồi lớn đi rao bán quanh Hội An đến quá trưa mới về tới nhà. Mệt lả, nhưng ông rất vui vì đã bán được hết hàng và có những lời khen, lời dặn ngày mai lại đến từ những khách hàng.

Nay đã ngoài 90 tuổi, trông ông vẫn rất khỏe khoắn. Tuy không gánh hàng đi rao bán như xưa, ông chỉ ngồi một chỗ cố định trên đường vào trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam) mà người dân đến ăn và mua về vẫn rất đông đúc.

 

Danh mục bài viết Món ngon Hội An

Đang tải dữ liệu loading