Nguồn gốc của Hộp cơm Bento, Nhật Bản

Thứ Hai, 28/05/2012 01:37

8,259 xem

0 Bình luận

(0)

2068

Khi bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, tôi rất ấn tượng với nét văn hóa ẩm thực của xứ sở này: Nét tinh tế thể hiện ở sự khéo léo, cầu kỳ. Dù là thức ăn đơn giản, chỉ là món sử dụng hằng ngày thì người Nhật vẫn luôn cẩn thận trong cách thể hiện hình thức đẹp đẽ. Trong đó tiêu biểu là món cơm hộp.

Chỉ là một món ăn hằng ngày, nhưng cơm hộp Bento - thức ăn do người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị cho chồng, con đi làm hoặc đi học - thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu thương mà người phụ nữ Nhật Bản muốn gửi gắm.

Chữ Bento trong tiếng Nhật có nghĩa đơn giản là cơm hộp. Đây là món ăn truyền thống của người Nhật Bản. 

Cơm hộp Bento có nguồn gốc từ thói quen sử dụng cơm rang đựng trong một chiếc hộp nhỏ của người Nhật Bản bắt đầu từ thời Kamakura (1185-1333) khi mà nghệ thuật chiên gạo – hoshi-ii – rất phát triển. Hoshi-ii có thể ăn không hoặc có thể luộc lên để nấu thành cơm và nó thường được đựng trong một cái túi nhỏ. Đến thời Azuchi Momoyama (1568-1600), những hộp sơn mài bằng gỗ tương tự như hộp đựng cơm hộp ngày nay đã được sản xuất. Và thế là Bento ra đời và trở nên phổ biến, nhất là trong lễ hội Hanami (lễ hội ngắm hoa anh đào).

Theo truyền thống, thành phần chủ yếu của một Bento, nói như trong truyện “Tottochan” là bao gồm cả “thức ăn trên rừng và dưới biển”, tức là gồm có gạo, cá và thịt, rau xào hoặc nấu để ăn dặm và món tráng miệng (có thể là hoa quả) được sắp xếp theo tỉ lệ 4:3:2:1 (4 phần cơm, 3 phần thịt cá, 2 phần rau và 1 phần tráng miệng). Hộp đựng cơm của người Nhật cũng được sản xuất khá đẹp và tinh xảo. Hộp thường làm bằng sơn mài. Cơm hộp thường do các bà nội trợ trong gia đình chuẩn bị vào mỗi buổi sáng để chồng và các con mang đến công sở, đến trường học dùng vào buổi trưa. Bento thường được chuẩn bị rất tỉ mỉ và công phu; thông thường, thức ăn sẽ được sắp xếp theo hình dạng rất cầu kỳ, màu sắc hài hoà, đặc trưng cho từng mùa khiến cho mỗi lần mở nắp cơm hộp ra là một lần ngạc nhiên, thích thú.

Vào thời Taisho (1912-1926), những hộp cơm Bento làm bằng nhôm đã bắt đầu xuất hiện với những phụ kiện xa hoa. Hộp Bento bằng nhôm khá được ưa thích vì nó dễ rửa. Trong suốt Thế chiến thứ nhất cùng với mất mùa và khó khăn, Bento thường phản ánh bối cảnh của gia đình dùng nó. Sau khi Thế chiến kết thúc, việc mang theo Bento đến trường và công sở bị lụi tàn dần dần. Bento trở lại vào những năm 1980, khi lò vi sóng bắt đầu phổ biến. Những hộp cơm bằng gỗ đắt tiền và những hộp kim loại được thay thế và hầu hết những cửa hàng bán Bento trong những hộp bằng chất liệu nhựa polystyrene. Bento.

Sự khéo léo, cầu kì của người phụ nữ Nhật Bản đã tạo lên những tác phẩm nghệ thuật gửi gắm tình yêu thương

Gia đình nào ở Nhật cũng đều có sẵn một vài chiếc hộp Bento trong nhà với nhiều hình dáng (hình chữ nhật, hình tròn hay hình trứng) và bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, kim loại hoặc nhựa). Vừa đủ chứa thức ăn cho bữa trưa của một người, hộp Bento có nhiều ngăn to bé khác nhau để đựng mỗi loại thức ăn tách biệt và được thiết kế sao để giữ nóng thức ăn tốt nhất.

Người phụ nữ Nhật từ xưa vốn “có tiếng” khéo léo, tỉ mỉ. Bento là thế hiện rõ cho nhận định ấy. Món ăn này không chỉ có hình thức đẹp mà thành phần thức ăn được gói gém cũng rất đa dạng và đủ chất. Một hộp Bento luôn có cơm, rau và hoa quả. Ngoài ra, tùy sở thích và thói quen mà dùng kèm một hoặc nhiều loại thức ăn, có thể là thịt, trứng hoặc cá…

Cơm và thức ăn được nấu riêng từ sớm và đến khi người nhà chuẩn bị đi làm (đi học) người nội trợ mới đem bày biện vào hộp. Cũng giống như nhiều công việc khác, người Nhật luôn đòi hỏi sự chu đáo và hoàn hảo. Do vậy, không chỉ là đủ chất và ngon miệng, cơm hộp Bento còn được người phụ nữ cầu kỳ trong khâu trình bày.

Đồ ăn được sắp xếp khéo léo trong từng ô nhỏ với nhiều hình dáng hoa văn đẹp đẽ, bắt mắt. Đôi khi họ xếp những họa tiết theo hình ảnh, con chữ… để nhắn gửi tình cảm của mình, cũng có khi chỉ đơn giản là sắp xếp đẹp đẽ khiến món thêm ngon miệng hơn.

Ngày nay, ở nước Nhật có nhiều nhà hàng, siêu thị bày bán cơm hộp Bento. Nhưng người nội trợ trong gia đình truyền thống Nhật Bản luôn dành thời gian để chuẩn bị món cơm hộp này mỗi sáng. Đó không đơn thuần là món ăn mà là nét văn hóa cũng như tình cảm của người phụ nữ Nhật Bản dành cho gia đình mình.

Quả thực, Bento là một món đặc biệt gửi gắm hình ảnh và tình yêu thương của những người mẹ, người vợ xứ sở hoa anh đào.

Bảo Thanh tổng hợp
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading