Gìn giữ và phát triển nền văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc

Thứ Hai, 02/07/2012 03:25

4,108 xem

0 Bình luận

(0)

3712

Chỉ qua vài đời, nếu không được truyền lại hoặc qua các mô tả trong sách vở, các truyền tụng trong dân gian, nhiều kiểu lối và tục lệ ăn uống từ đơn giản trong dân gian cho đến các yến tiệc chốn cung đình sẽ bị mai một và thất truyền. Phục dựng - bảo tồn - phổ biến văn hoá ẩm thực Việt Nam phải chăng nên là một nhiệm vụ mới mẻ và độc quyền của ngành bảo tàng nước nhà?

Văn hoá ăn uống là một trong những loại hình văn hoá ra đời sớm nhất của văn minh nhân loại, thường do cha mẹ truyền cho con cái và trong quan hệ giao tiếp xã hội, mỗi người lại tiếp nhận được nhiều lối ăn cách uống mà mình được tham dự. Cứ thế, văn hoá ăn uống, nghệ thuật ăn uống được bảo lưu, giao lưu giữa các dân tộc xa gần và mỗi dân tộc, mỗi thời đại lại có những kiểu cách ăn uống nhất định.

Xương cá sấu tại khu bếp cổ của các vua thời Nguyễn

Nhưng do vô vàn lý do mà văn hoá ăn uống cũng như các loại hình văn hoá khác bị "đứt gãy". Chẳng hạn, cách đây mấy năm, tôi vào khu Thành Nội cố đô Huế cùng các nhà khảo cổ học khai quật khu nhà bếp cổ (Ngự thiện đường) của các vua đời Nguyễn. Chúng tôi đã tìm thấy ở đây hàng loạt xương tê giác, cá sấu (ảnh), rùa biển cho đến các giống hươu, nai, trâu, lợn... phục vụ cho các yến tiệc tế lễ linh đình. Biết vậy nhưng thực sự các món ăn được nấu nướng như thế nào, người xưa ăn uống ra sao thì chẳng thể biết rõ.

Nước ta có 54 dân tộc, sống trong nhiều vùng miền khác nhau có những đặc sản và những kiểu ăn uống độc đáo riêng. Phục dựng, bảo tồn những kiểu lối, tục lệ ăn uống ấy đã đến lúc cần thiết phải đặt ra và phải làm như đối với việc phục dựng, bảo tồn các loại hình văn hoá khác. Công việc quan trọng ấy, không lẽ phó thác cho các cửa hàng ăn uống kể cả trong các "phố ẩm thực" tại các đô thị lớn vốn đang làm việc này một cách tự phát, phiến diện và phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường; cũng không thể chỉ trông chờ vào các "khoa ăn uống" đang phát triển ở các cơ sở đào tạo của ngành du lịch. Rõ ràng, đây chính là nhiệm vụ mới mẻ của ngành bảo tàng; một việc chỉ có ngành bảo tàng mới có thể làm được một cách toàn diện, khoa học và triệt để nhất.

Hiện nay, hầu như trong cả nước, mỗi tỉnh đều có ít nhất là một nhà bảo tàng tổng hợp với những quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhiều bảo tàng cấp tỉnh chỉ mở cửa phục vụ vào những ngày kỷ niệm, lễ hội, còn thì đóng cửa. Thiết nghĩ, mỗi bảo tàng ở mỗi tỉnh nên có một chương trình sưu tập các tinh hoa của nghệ thuật ăn uống qua các thời đại của địa phương mình. Không chỉ sưu tầm trên sách vở, chuyện kể mà nên cố gắng phục dựng và chế biến để mọi người cùng gìn giữ và thưởng thức. Để làm được điều này, ngành bảo tàng nên phối hợp với các nghệ nhân, các chi hội văn hoá ẩm thực thuộc Hội Văn hoá dân gian Việt Nam để có thể tổ chức được nhiều cuộc trưng bày - hội thảo - trình diễn - thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của địa phương, đồng thời giao lưu cùng các vùng miền trong và ngoài nước. Làm như vậy bảo tàng sẽ trở nên sống động và đi vào cuộc sống hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này, cần có sự ủng hộ của các nhà quản lý kinh tế và văn hoá, sự tham gia của tất cả những ai yêu thích và mong muốn gìn giữ và phát triển một nền văn hoá ăn uống đậm đà bản sắc.

Amthuc365.vn
Nguồn: Trung tâm đào tạo nấu ăn Quả Táo Vàng

 

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading