phạm văn phương – bếp trưởng nhà hàng koto

Thứ Năm, 01/01/1970 08:00

2,256 xem

0 Bình luận

(0)

1103

Ý chí của “cậu bé đánh giày”

Ở tuổi 16, khi mà ý thức về cuộc sống tương lai, về nghề nghiệp còn là những điều anh Phương chưa từng nghĩ tới hay chính xác hơn là chẳng dám nghĩ tới thì anh đã có một may mắn làm thay đổi cuộc đời: Hồ sơ của “cậu bé đánh giày” được KOTO chấp nhận và chính ở KOTO anh Phương đã học tập và rèn luyện hết mình để được giữ lại và trở thành bếp trưởng của nhà hàng.

Bếp trưởng Phương - NH Koto

1. Khi nhận được thư của KOTO nhận vào học, trong số rất nhiều chuyên nghành đào tạo, tại sao anh lại chọn trở thành đầu bếp?

Lúc 16 tuổi, thấy nói là được đi học nghề tôi đã rất xúc động tuy nhiên vẫn chưa biết mình sẽ làm nghề gì. Sau 1 thời gian ngắn, các thầy cô giáo xếp tôi vào lớp học nấu ăn vì có thể các thầy cô nhận thấy tôi có khả năng trong chế biến món ăn hơn là các chuyên môn khác.

2. Đang làm việc tự do, khi vào KOTO, trong một môi trường học tập mới, chắc chắn phải có kỷ luật và quy định nghiêm khắc, anh có thấy bị gò bó và khó theo kịp không? Điều gì núi kéo và động lực để anh tiếp tục học tập?

Khi phải thay đổi cách sống trước đây của mình, đi vào khuôn khổ, tôi đã thực sự thấy rất khó chịu và nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi anh Jimmy quá tốt, anh chính là tấm gương để tôi học hỏi. Anh còn động viên tôi rằng “đây là bước tạo đà để có thể làm những việc tiếp theo trong cuộc sống”… Dần dần tôi đã cảm nhận được tình thương, sự sẻ chia nơi đây và gắn bó cùng với những bạn có hoàn cảnh tương tự mình. Càng học, tôi như càng thấy đây chính là cuộc sống của mình và tôi đã học tập, làm việc với tất cả niềm đam mê, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Ngoài những nơi anh đã tùng thực tập trong nước như khách sạn Metropole, Hilton… anh còn được đi đào tạo bên Úc. Anh có nhận xét gì về ẩm thực nước Úc?

Thời gian ở Úc đối với tôi là thời gian vô cùng ý nghĩa. Tôi đã có cơ hội giới thiệu món ăn Việt cho người Úc thưởng thức và đồng thời giới thiệu nhà hàng KOTO tới với người Úc qua chương trình Cooking show. Tôi thấy phong cách làm việc của họ rất đáng để học hỏi rất công nghiệp và chuyên nghiệp. Tôi thích nhất là món Bò Úc và đặc biệt đã được thưởng thức món Bittet Kanguru. Món này ăn cũng ngon và có hương vị hơi giống Bò bittet. (Anh Phương cười thú vị).

4. Quan sát công việc của anh, tôi thấy rằng hình như anh không phải chỉ là bếp trưởng mà còn là giáo viên dạy thực hành?Anh có thấy áp lực không?

Mô hình đào tạo của KOTO là học viên sẽ được thực hành ngay tại nhà hàng vì thế, những đầu bếp của nhà hàng vừa phải hoàn thành tốt công việc chế biến món ăn cho khách vừa phải hướng dẫn cho các em học sinh. Cũng như Phương ngày xưa, cũng nhờ các đầu bếp và các anh chị đi trước. Áp lực là điều không tránh khỏi vì tôi phải đảm bảo sự hoạt động nghiêm túc và chính xác của một nhà hàng với lượng khách từ 400 – 500 người/ngày. Đồng thời, phải sáng tạo hơn để học sinh hứng thú trong công việc và phải theo dõi chính xác chương trình đào tạo lý thuyết của KOTO để dạy cho khớp và bài bản.

5. KOTO là nhà hàng có đầy đủ các món ăn Âu và Á, nhưng mỗi người có 1 thế mạnh, anh có thế mạnh trong các món ăn nào?

Mình thích nấu các món ăn Âu và muốn chuyên sâu để tìm hiểu món ăn Âu hơn. Mình là người Việt nam nên hiểu rõ về món ăn Việt Nam rồi. Mà xu thế ẩm thực hiện nay là khách hàng thường muốn ăn các món ăn sáng tạo và có sự “lai căng” một chút. Vì thế, Phương sẽ kết hợp món ăn Âu với món ăn Việt Nam để tạo ra những món ăn sáng tạo nhất và có thể phù hợp với cả khẩu vị người Việt Nam mình lại vừa chiều lòng được những vị khách nước ngoài.

6. Anh có những dự định gì trong tương lai?

Trước mắt, mình vẫn sẽ tiếp tục làm việc tại KOTO để giúp các trẻ em có hoàn cảnh như mình được học tập. Tương lai xa hơn, mình mong muốn sẽ mở được nhà hàng riêng của mình và tuyển những học sinh đã học tập tại KOTO vào làm việc.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, đầu bếp Phương đã có cuộc sống ổn định và hài lòng với cuộc sống của mình. Khi được hỏi điều gì anh sợ nhất, anh khẳng khái: “Cuộc sống sợ nhất là không có ước mơ” và anh Phương luôn tin rằng phép màu sẽ tới với những người có ước mơ và ý chí quyết tâm để thực hiện ước mơ của mình.

Trong sự nghiệp của mình, bếp trưởng Phương nhớ nhất:

- Tự hào và may mắn khi được lựa chọn trong 200 học sinh tốt nghiệp của KOTO sang đào tạo tại Úc.

- Cuối khóa học, đoạt giải nhì trong cuộc thi thiết kế Menu của KOTO và được cô giáo mời đi ăn là “kỷ niệm Phương thấy vui và hãnh diện nhất”.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading