Vẻ tinh tế trong chiếc bánh nướng bánh dẻo cổ truyền

Thứ Năm, 30/08/2012 03:01

5,268 xem

0 Bình luận

(0)

3542

Bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền Việt Nam được làm từ những nông sản của chính những người nông dân hai sương một nắng: bột nếp, hạt sen, đậu xanh, mứt bí, lạp xưởng, vừng, lạc, mỡ phần… Mọi nguyên liệu đều được những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tẩm ướp đường, hương hoa bưởi đúng độ, để chiếc bánh làm ra không những đẹp mà còn phải rất thơm ngon.

Hà Nội rục rịch trung thu từ trước rằm tháng 7. Không khí trung thu khiến những người xa quê chạnh lòng nhớ về tết trông trăng quê nhà, nơi có đám rước rồng lân và mâm cỗ trong trăng không thể vắng bóng những chiếc bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền.

Không biết từ bao giờ, món bánh nướng, bánh dẻo đã trở thành món bánh truyền thống của người dân Việt Nam. Chỉ từ cách thức làm, đặc điểm của chiếc bánh mà thành tên, chẳng cầu kì hoa mĩ nhưng hai loại bánh đã đi sâu vào tiềm thức của mọi thế hệ người Việt.

Bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền Việt Nam được làm từ những nông sản của chính những người nông dân hai sương một nắng: bột nếp, hạt sen, đậu xanh, mứt bí, lạp xưởng, vừng, lạc, mỡ phần… Mọi nguyên liệu đều được những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tẩm ướp đường, hương hoa bưởi đúng độ, để chiếc bánh làm ra không những đẹp mà còn phải rất thơm ngon.

 Bánh nướng, bánh dẻo truyền thống trong những cửa hàng trên phố Hàng Đường, Hà Nội

Bánh nướng, bánh dẻo cầu kì nhất ở công đoạn nấu nước đường. Đường nấu với nước, tro tầu, cốt chanh đến khi thật dẻo, trong, có thể để rất lâu sau đó. Một nghệ nhân làm bánh lâu năm ở làng nghề Xuân Đỉnh cho hay đường phải nấu trước khi làm bánh càng lâu, bánh càng dẻo ngon.

Nhồi bột làm vỏ bánh, hay trộn nhân cho bánh cũng cầu kì. Lạp xưởng, mứt bí, hạt dưa, mứt dừa, mỡ phần, vừng lạc, kết dính bằng bột bánh dẻo rồi viên tròn. Trứng muối cũng thường được cho thêm vào nhân bánh, như tượng trưng cho mặt trăng viên mãn ngày rằm.

Đêm trung thu truyền thống người Việt, mâm cỗ có bao nhiêu hoa trái đi chăng nữa mà thiếu mất đĩa bánh nướng, bánh dẻo, coi như đấy không còn là tết Trung thu. Mỗi miếng bánh nướng, bánh dẻo cắt ra thật khéo để đủ đầy nhân bánh. Người lớn quây quần xem trẻ con rước rồng lân, phá cỗ, cùng ăn bánh nướng, bánh dẻo, chiêu thêm ngụm trà nóng để trung hòa vị ngọt sắc lan tỏa, cảm nhận được sự đoàn viên.

Bánh nướng hình cá chép, rùa con gợi nhớ một tết trung thu vui nhộn cho trẻ em

Với người Việt, bánh nướng bánh dẻo còn tượng trưng cho âm dương. Ở nhiều vùng thay bánh cốm, bánh phu thê, nhà trai thường mang tới nhà gái trăm bánh nướng, bánh dẻo ngày ăn hỏi. Mâm bánh phủ vải điều, đính chữ song hỉ như mang nguyện ước trăm năm hạnh phúc cho đôi trẻ.

Bánh nướng, bánh dẻo, bình trà, những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết trông trăng của người Việt

Ngày còn nhỏ, trước tết trung thu cả nửa tháng, mẹ tôi đã đến nhà làm bánh đầu làng dặn đặt mấy phong bánh nướng, bánh dẻo, cặp để biếu ông bà nội ngoại, cặp để tôi mang Tết thầy… Có năm người làm bánh trong làng còn mang về khuôn bánh hình cá chép, lợn con, để trẻ con thêm thích thú với món bánh cổ truyền ngày Tết.

Cặp bánh trung thu xưa, hình vuông, khuôn giản đơn, ngoài bọc vỏ nilon trắng in chữ song hỉ, nhân bánh dẻo chỉ là hạt sen nhuyễn, đường, vừng; nhân bánh nướng không trứng muối, chẳng lạp xưởng, chà bông, vi cá, jam bon như những hộp bánh tiền trăm, tiền triệu bây giờ mà sao người nhận rất nâng niu, trẻ con luôn háo hức.

(Theo BTTVN)

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading