Món ăn vị thuốc từ đậu rồng

Thứ Tư, 10/10/2012 09:26

7,982 xem

0 Bình luận

(0)

2868

Vị giòn ngọt của đậu rồng giúp món ăn thêm ngon. Đậu rồng non dùng ăn sống, luộc, có thể chế biến thành các món như gỏi, salad, cà ri, xào ruốc... hoặc chế thành món dưa chua để dành dùng lâu ngày.

Đậu rồng còn gọi là đậu khế hay đậu xương rồng, đậu cánh (Tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus) là cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Là loài cây xuất phát từ châu Phi, Ấn Độ, New Guinea và được trồng tại những vùng Đông Nam Á, Tân Guinée, Philippines và Ghana... Hiện nay, Indonesia được coi là “thủ phủ” của loài cây này. Có thể trồng đậu rồng quanh nhà, trước sân vừa làm giàn che bóng mát vừa để lấy quả làm rau ăn hàng ngày.  

Đậu rồng có rất ít calori nhưng lại nhiều thành phần khác có giá trị dinh dưỡng cao như protein, glucid, chất béo, chất xơ, sắt, canxi, kali, natri, ma-giê, phospho, vitamin A, C, B5, B2, B1, E, đồng và mangan. Kết quả phân tích của các nhà dinh dưỡng thì trong hạt đậu rồng có chứa tới 30-37% protit, 28-31% gluxit; trong quả non có từ 1.9-2.9% protit, 3.1-3.9% gluxit. Thành phần acid amin trong đậu rồng có nhiều lysin, methionin, cystin... Tỷ lệ protein tương đối cao nên được Cơ quan Lương Nông Thế giới (FAO) xếp vào loại cây lương thực rẻ tiền nhưng bổ dưỡng.

Đậu rồng là vị thuốc

Đậu rồng được coi là nguồn protein quan trọng có thể thay thế protein động vật, đặc biệt tốt cho người già, người ăn chay và có vai trò chống suy dinh dưỡng.

Hàm lượng chất xơ cao và lipid thấp trong đậu rồng giúp cải thiện chức năng đại tràng, chống táo bón, làm giảm cholesterol trong máu, phòng chống béo phì, ngừa bệnh đái tháo đường. Đậu rồng dồi dào chất khoáng và vitamin, đặc biệt là vitamin A, C, E... làm đẹp da, sáng mắt, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa, ung thư, bệnh tim mạch, sắt giúp phòng chống thiếu máu, canxi (hàm lượng cao nhất trong các loại đậu) có tác dụng ngăn ngừa bệnh loãng xương, giúp trẻ em hình thành bộ xương và răng chắc khỏe.

Đậu rồng là thức ăn

Vị giòn ngọt của đậu rồng giúp món ăn thêm ngon. Đậu rồng non dùng ăn sống, luộc, có thể chế biến thành các món như gỏi, salad, cà ri, xào ruốc... hoặc chế thành món dưa chua để dành dùng lâu ngày.

Đậu rồng thường được ăn kèm với các loại mắm, cá kho, thịt kho... như một loại rau sống trong bữa cơm và cũng được dùng làm gỏi với hương vị rất đặc biệt.

Lá non và nụ hoa có thể dùng làm rau ăn dưới dạng các món xào, nấu canh, luộc rất ngon và bổ.

Có thể xào đậu rồng với thịt bò hoặc thịt heo bằm vừa bổ vừa ngon. Đậu cắt xéo, cho dầu vào chảo, phi hành hoặc tỏi cho thơm rồi cho đậu vào, nêm nếm gia vị là dùng được... Xào đậu rồng trước, để đậu ra đĩa, sau khi xào thịt chín mới bỏ đậu vào. Món này phải nấu vừa, không chín kỹ, để đậu giòn, giữ vị ngọt.

Đậu rồng còn có thể nấu canh chua. Món canh vừa có vị chua từ me, vừa ngọt đậu rồng, là món giải nhiệt cho mùa hè nóng bức.

Các món chay chế biến từ đậu rồng (Cà ri đậu rồng, Đậu rồng xào ruốc, Gỏi đậu rồng) cũng dễ thực hiện và ăn rất ngon.

Trong thực đơn của những nhà hàng sang trọng, đậu rồng được trộn chung với xốt mayonnaise thành món salad khai vị.

Hạt được sử dụng như đậu nành, làm nguyên liệu chế biến bột dinh dưỡng, ép lấy dầu hoặc rang xay để chế biến một loại thức uống có hương vị như cà phê. Hoa có màu xanh nhạt được sử dụng làm màu thực phẩm cho các món cơm hay bánh ngọt.

Tuy nhiên, đậu rồng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị gout (thống phong). Một số loại protein chứa trong đậu có đặc tính liên kết với men trypsin, chymotrypsin làm mất hoạt tính của các men tiêu hoá này, vì vậy làm giảm khả năng tiêu hoá protein. Các nhân tố chính ức chế trypsin thường được nhắc đến là: nhân tố Kunitz, nhân tố Browman-Brik... Các nhân tố này đều dễ bị phân huỷ khi được xử lý bằng nhiệt (rang, hấp chín, ép nóng...) Vì vậy, chúng ta không nên ăn nhiều đậu rồng sống.

Chú ý khi mua đậu rồng nên lựa trái đậu tươi, không héo và nhất là không có đốm nâu trên trái; trước khi ăn cần rửa đậu sạch dưới vòi nước, để ráo, cắt bỏ cuống; để bảo quản tốt, nên cho vào bao nilon gói kín, để trong tủ lạnh, nhưng tối đa chỉ nên giữ trong 2 ngày vì đậu sẽ biến màu và giảm giá trị dinh dưỡng nếu để lâu.

Đậu rồng là thức ăn phổ biến, ngon, bổ, rẻ, lại là vị thuốc quý. Mọi người hãy dùng hàng ngày và nên giới thiệu cho người khác biết về giá trị của loài cây này.

Sưu tầm

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading