Nguyên tắc ăn uống đối với một số bệnh thường gặp trong mùa thu

Thứ Sáu, 09/11/2012 11:05

1,956 xem

0 Bình luận

(0)

2993

Mùa thu thời tiết thay đổi khiến cho bạn mắc phải một số bệnh như viêm phế quản, cảm cúm, đau mắt đỏ... ngoài việc điều trị bằng thuốc do bác sĩ kê đơn qua quá trình thăm khám thì việc bổ sung dinh dưỡng là điều hết sức quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số nguyên tắc ăn uống đối với một số bệnh thường gặp trong mùa thu mời các bạn tham khảo.

1. Viêm phế quản

Viêm phế quản mạn tính là do các nhân tố vật lý, hóa học, sinh vật làm ảnh hưởng đến niêm mạc khí quản, phế quản, khiến dịch nhầy tiết ra nhiều. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ho nhiều, ho ra đờm, thở gấp. Bệnh tiến triển có thể thành sưng phổi, tâm phế mạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng lao động.

Người bị viêm phế quản nên ăn gì?

ớt, tiêu

Viêm phế quản nên kiêng những thực phẩm cay, nóng (ảnh minh họa - nguồn internet)

- Nguyên tắc ăn uống đối với bệnh nhân viêm phế quản là: dùng những món giàu dinh dưỡng, nhẹ, dễ tiêu, lương thực chính nên chọn: bột mì, gạo; các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà; phương pháp chế biến có thể nấu cháo, làm bánh. Các loại rau nên dùng rau chân vịt, củ cải, cải thìa, mướp, bầu, bí đao, măng, mộc nhĩ trắng; các loại trái cây có thể chọn dưa hấu, hạt sen, lê, quýt, táo, dứa, mía, hồng, đào, …

Bệnh nhân viêm phế quản mạn tính nên kiêng ăn những gì?

- Kiêng các món cay kích thích và món béo ngấy như: ớt, hạt tiêu, hạt cải nghiền, món rán, hun khói, mỡ động vật vì những thứ này kích thích niêm mạc khí quản dẫn đến ho. Các món rán và mỡ động vật phải tốn nhiều dưỡng khí mới tiêu hóa hấp thụ được, tạo thêm gánh nặng cho phổi.

- Không nên ăn những thực phẩm chua chát như mận, táo chua vì những thứ này ăn vào khó long đờm.

- Kiêng uống rượu trước khi đi ngủ vì khả năng thông khí của phổi người bệnh vốn đã kém. Nếu uống rượu trước khi đi ngủ se làm liệt trung khu hô hấp, dễ gây loạn nhịp thở hoặc ngừng thở dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng.

- Không nên ăn thực phẩm ướp lạnh bởi vì món lạnh kích thích có thể làm cho họng viêm nặng thêm đồng thời gây ho.

2. Đau mắt đỏ

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do vi khuẩn, vi rút... bệnh dễ gây thành dịch ở nơi vệ sinh kém, thiếu nước sạch trong sinh hoạt như các vùng bị lũ lụt. Theo đông y, đau mắt đỏ chủ yếu do cảm nhiễm độc khí lưu hành trên diện rộng, hiệp với thấp nhiệt phối hợp với nhau mà gây bệnh. Biểu hiện của bệnh lúc đầu thấy ngứa, cộm, chảy nước mắt là lúc độc phong tà xâm nhập tại chỗ mà gây ra; sau đó nhanh chóng sưng là quá trình chính khí và tà khí giao tranh nên mắt đau, nhiều dử (ghèn).

Khi bị đau mắt đỏ bạn nên ăn uống bình thường, tuy nhiên bạn cũng nên tránh ăn những thực phẩm kích thích, có vị nóng như hành, tỏi, hẹ, ớt cay, thịt dê, thịt chó; tránh thức ăn tanh như cá chép, cá mè, tôm và cua.

Một số bài thuốc chữa đau mắt đỏ


Sống đời, Dâu tằm, Bồ ngót - Ảnh: K.Vy

- Lấy rau diếp cá giã dập nhuyễn, dùng vải mỏng gói lại đắp lên mắt.

- Bồ ngót tươi 50g, lá dâu 30g, cà gai 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g, cỏ xước 30g. Nấu với nước cho sôi sắc lại, uống suốt ngày.

- 6 đọt dâu tằm, 3 bông cúc trắng, 10 lát củ sả, 3 lát gừng sống, 1 muỗng đậu xanh giã nát sắc lấy nước uống.

- Rễ tranh, cỏ mực, rau má, cây muồng, cây ké, cỏ mần trầu, vỏ quýt, cam thảo đất mỗi thứ 1 nắm (khoảng 30g). Đổ ngập nước sắc lại còn 2 chén, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.

- Lấy lá cây sống đời rửa sạch, giã nhỏ. Dụng cụ làm cần được tẩy trùng, lấy một miếng gạc đã triệt khuẩn (hoặc vải màn sạch) đặt lên mắt, đặt dung dịch lá sống đời vừa bào chế lên trên miếng gạc rịt chặt, nhất là về đêm để khi ngủ không rơi. Mỗi tối làm 1 lần cho đến khi khỏi.

- Hạt thảo quyết minh (hạt muồng) sao vàng, bông cúc vàng (cam cúc) mỗi thứ một nắm, quả bạch tật lê 10g. Cho tất cả vào đun uống như nước.

- Bạch tật lê 2g đun sôi, sau đó đổ ra ly để ngay dưới mắt, dùng hơi nước xông cho đến khi khỏi (lưu ý cẩn thận kẻo bỏng mắt).

- Hòa tan 1 thìa canh muối bột (muối tinh không có iốt) vào 1 lít nước đun sôi để nguội, đựng vào chai sạch để dùng dần. Hằng ngày, nhất là lúc mới ngủ dậy, dùng bông sạch thấm nước muối trên lau mắt 4-5 lần cho sạch. Nhấp nháy mắt cho nước muối lọt vào trong làm tan những hạt li ti cộm lên trong mắt.

3. Cảm lạnh (cảm cúm)

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Biểu hiện lâm sàng là: phát bệnh nhanh, thời gian mắc bệnh ngắn, sốt nóng nhưng lại có cảm giác lạnh, nhức đầu, đau mình, tắc mũi, chảy nước mũi, có khi bệnh tiếp tục phát triển thành viêm phổi.

Khi mắc bệnh cúm nên ăn những gì?

Người mắc bệnh cúm nên ăn nhẹ những món ăn lỏng, nhiều nước. Bị sốt ớn lạnh cần ăn món cháo gạo, cháo bột, chè đậu, mì nước, canh trứng… có thể cho thêm gừng tươi, hành củ, hạt tiêu làm gia vị, ăn nóng để ra mồ hôi. Ra được mồ hôi bệnh sẽ giảm nhẹ. Người nào kèm theo nôn mửa và các chứng bệnh đường tiêu hóa khác có thể uống thêm ít nước gừng đun nóng. Khi hết sốt, thèm ăn nên ăn canh cá, xương sườn hầm, bánh trứng. Ngoài ra nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và tỏi.

Trà gừng là một trong những bài thuốc hay chữa cảm cúm (ảnh minh họa - nguồn internet)

Xin giới thiệu 2 bài thuốc hay chữa cảm cúm:

  1. Gừng tươi sắc kỹ với đường đỏ uống thay nước trà.
  2. Hành củ, gạo nếp, gừng tươi nấu cháo.

Khi mắc bệnh cúm nên kiêng ăn gì?

- Không nên ăn những thực phẩm giàu lipit như mỡ động vật, lạc… vì ăn vào tăng nhiệt, khó hạ sốt, gây chán ăn.

- Không nên ăn những món canh lạnh và đồ ướp lạnh.

- Khi đang bị sốt, không nên ăn nhiều món giàu prôtêin như trứng, cá, tôm, cua… vì ăn vào cho nhiều nhiệt lượng bất lợi với việc hạ sốt.

Trong thời gian uống thuốc Aspirin không được uống nước chè. Vì trong chè có hoạt chất làm giảm tác dụng của thuốc Aspirin.

Bảo Thanh tổng hợp
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading