Mâm cỗ cúng Tất niên

Thứ Sáu, 01/02/2013 02:46

5,911 xem

0 Bình luận

(0)

4470

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi Tất niên. Buổi tối trong ngày này, người ta làm cỗ cúng Tất niên.

Với bất kỳ con người Việt Nam nào, mỗi độ Tết đến, cảm giác nôn nao, hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm Tất niên và cùng chờ đợi năm mới giữa những người thân yêu chắc chắn là một cảm xúc rất khó quên. Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi xuân về.

Mâm cỗ cúng gia tiên trong buổi chiều ngày cuối cùng của năm âm lịch với mỗi gia đình xưa nay vẫn là công việc vô cùng quan trọng và là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay.

Sau cả năm làm ăn vất vả, ngày cuối cùng của năm âm lịch là ngày để tổng kết mọi chuyện và nhìn lại những thăng trầm trong năm. Trong ngày Tất niên, các thế hệ trong gia đình nhỏ hoặc đại gia đình lớn sẽ gặp nhau, hỏi thăm nhau và trò chuyện cởi mở. Gọi là bữa cơm Tất niên nhưng không hề nặng nề chuyện ăn uống mà nghiêng về chuyện lễ nghi và tình cảm gia đình. Bởi mâm cơm là để bày tỏ lòng thành của gia đình con cháu với gia tiên, trời Phật.

Bên mâm cơm Tất niên, mọi người cũng có dịp chia sẻ những vui buồn, thành bại trong năm qua, có gì khúc mắc, hiểu lầm hoặc có điều sai trái với nhau thường dễ dàng góp ý, trao đổi trong dịp này. Sau câu chuyện trong bữa cơm Tất niên người ta cũng dễ dàng thông cảm để rồi bỏ qua cho nhau mọi chuyện. Đến đầu năm mới, những chuyện đó trở thành cũ và sẽ không còn được nhắc lại mà cùng nhau hướng về năm mới, về tương lai.

Trên mâm cỗ Tết, thường có các món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng xanh, con gà luộc, bát canh măng chân giò, bát miến nấu lòng gà thả nấm, một món chim tần hoặc đĩa giò lụa, giò xào, chả cốm, đĩa xào, nem rán và dưa hành ăn kèm, ở những vùng biển thường có nồi cá thu kho nước dừa.

Ở một số địa phương, chiều ngày 30, các gia đình thường ra mộ thắp hương, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Còn phần lớn gia đình người Việt thì mời tổ tiên về đón Tết bằng mâm cơm Tất niên trên bàn thờ.

Sau bữa cơm Tất niên, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Sau lễ cúng, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ. Người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, tiến bộ.

Ngày nay, không chỉ trong gia đình mới cúng Tất niên và ăn Tất niên. Rất nhiều các cơ quan, các nhóm hội cũng tổ chức cúng Tất niên và mở tiệc Tất niên, tổng kết năm cũ. Ngày Tất niên, mâm cỗ Tất niên cũng được hiểu rộng rãi hơn là những ngày giáp Tết, là bữa cơm gặp mặt lần cuối trong năm.

www.amthuc365.vn

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading