Thực Phẩm Đẹp: Hiểm Họa Khôn Lường

Thứ Năm, 24/06/2010 11:21

927 xem

0 Bình luận

(0)

3300

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin về việc cơ quan chức năng bắt được các vụ lạm dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản và lưu thông lương thực, thực phẩm như dùng hóa chất Rhoramine B để nhuộm phẩm màu trong hạt dưa, hóa chất chống thối cho thực phẩm quá hạn...

Trước thực trạng này, buổi tọa đàm Cảnh báo lạm dụng hóa chất trong lương thực, thực phẩm đã được báo Khoa học&Đời sống tổ chức. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên ngành, các nhà quản lý, sản xuất, phân phối với mục đích góp phần định hướng và có những cảnh báo, giải pháp kịp thời đối với người tiêu dùng.

Chất bảo quản: Khó nhận biết

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo: không nên mua thực phẩm có màu sắc lòe loẹt (VnMedia)
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo: không nên mua thực phẩm có màu sắc lòe loẹt

Theo tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng, Viện Kiểm nghiệm quốc gia (Bộ Y tế), thực tế trong những năm qua, tình trạng lạm dụng hóa chất trong bảo quản thực phẩm đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể, kết quả kiểm tra từ năm 2005 đến nay cho thấy, tình trạng sử dụng hàn the đã giảm từ 90-95% đối với những sản phẩm có nhãn mác. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hảo cũng cảnh báo, trong thị trường vẫn còn tồn tại khá nhiều những loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái nhãn mác… Các loại sản phầm này thường được dùng chất bảo quản nhằm tăng độ đẹp, bắt mắt người tiêu dùng hoặc để bảo quản hàng hóa trong thời gian dài hơn.

“Các phẩm màu được bổ sung vào thực phẩm với mục đích tạo cho sản phẩm có màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn nhưng hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng. Các sản phẩm nếu bị lạm dụng phẩm màu, hoặc dùng các loại phẩm màu ngoài danh mục sẽ rất có hại đến sức khỏe” - Tiến sĩ Hồng nói.

Tiến sĩ Hồng Hảo cũng cho biết, các phẩm màu được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hóa học như Amaranth (tạo màu đỏ), Brilliant blue (tạo màu xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)… thường đạt độ bền màu cao. Các chất này thường được dùng trong sản xuất bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, tương ớt, ớt bột. Đặc biệt, nó có nguy cơ cao trong nhóm thức ăn đường phố như thịt quay, thịt nướng, các sản phẩm được bán ở các quán hàng rong, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Việc nhận biết các chất bảo quản độc hại, hoặc những sản phẩm có chất bảo quản vượt ngưõng cho phép là điều hết sức khó khăn. Tiến sĩ Hồng thì cho rằng, “người tiêu dùng thông thái” nên nhìn vào màu sắc của thực phẩm, nếu thấy quá lòe loẹt hoặc màu sắc không tự nhiên thì không nên mua, bởi nó có thể chưa chất bảo quản độc hại. Đặc biệt, việc lạm dụng chất bảo quản tập trung chủ yếu vào các sản phẩm không bao bì, nhãn hiệu, không rõ xuất xứ.

Tuy nhiên, PGS, TS Phạm Công Thành, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm thì nói thẳng: “Nếu đưa một quả quýt hay một đĩa xôi gấc bảo tôi nhận biết xem nó có chất bảo quản độc hại hay không thì tôi cũng chịu”.

Thuốc bảo vệ thực vật: Càng khó kiểm soát

Theo tiến sĩ Hồng Hảo, người tiêu dùng nên chú ý không mua, sử dụng rau quả có mùi vị lạ; ngâm kỹ, rửa sạch gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm.

Việc nhận biết các chất bảo quản độc hại, hoặc những sản phẩm có chất bảo quản vượt ngưõng cho phép không dễ (ảnh minh hoạ)
Việc nhận biết các chất bảo quản độc hại, hoặc những sản phẩm có chất bảo quản vượt ngưõng cho phép không dễ (ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc BVTV, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại. Nên ngâm rau rồi hãy rửa. Sau khi rửa vẫn nên ngâm rau quả trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím.

Tham dự buổi tọa đàm, GS, TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm VN nói: Việc lạm dụng phân hóa học, việc bón một lượng rất lớn các loại phân đạm vào đất để tạo năng suất trong thời gian qua là một sự can thiệp thô bạo nhất và quan trọng nhất của con người vào chu trình tuần hoàn tự nhiên của các chất.

GS Diên cho biết, các hợp chất nitơ, đặc biệt là nitrate rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi nó tồn tại trong các loại nông sản, lượng thực và thực phẩm cũng như trong nước uống vì nếu hàm lượng của nó tăng quá lớn sẽ gây ra hai bệnh hiểm nghèo. Đó là hội chứng trẻ xanh, thường xảy ra khi trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh này gây tắc nghẽn hóa học và kìm hãm sự vận chuyển oxy trong máu, làm cho trẻ xanh xao, chậm lớn và gầy yếu. Đặc biệt, hàm lượng chất này cao còn gây ung thư dạ dày ở người lớn bằng việc tạo ra hợp chất N-Nitrosoamine.

Điều GS Diên đặc biệt lưu ý là hiện nay, sự tồn dư các hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm, thuốc diệt cỏ, các phẩm màu hóa học, các chất bảo quản không rõ nguồn gốc hoặc đã bị cấm ở trong các loại nông sản, lương thực, thực phẩm ở nước ta hiện nay còn khá cao, vượt quá mức quy định của nhà nước. Việc nhận biết các loại sản phẩm mang hàm lượng cao các chất này lại càng khó khăn hơn đối với người tiêu dùng.

Không thể chỉ trông chờ vào “sự thông thái” của người tiêu dùng

GS, TSKH Lê Doãn Diên. Ảnh: vnMedia
GS, TSKH Lê Doãn Diên

Lâu nay, ngừơi tiêu dùng luôn luôn được kêu gọi là “hãy thông thái” khi lựa chọn các sản phẩm cho gia đình. Đó là: Mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, như ta đã biết, làm người thông thái không dễ, ngay cả đối với các chuyên gia.

“Tôi có một bà bạn có chồng làm chủ một siêu thị lớn. Tuy nhiên, chính bà ấy cũng đi học cách trồng rau sạch để tự cung cấp cho gia đình” - TS Diên kể. Nói như vậy cũng có nghĩa là, ngay cả “rau sạch” ở trong siêu thị cũng chưa phải là đáng tin cậy. Điều đó cũng có nghĩa rằng, không phải lúc nào các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác đều an toàn.

Chính vì vậy, sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và chế tài xử phạt là những công cụ hết sức hữu hiệu nhằm giảm thiểu các vi phạm. Ngoài ra, sự vào cuộc của các nhà khoa học để nghiên cứu, đưa ra ứng dụng các chất bảo quản thay thế chất hóa học, có nguồn gốc tự nhiên mà giá thành hợp lý cũng rất quan trọng. “Ở nước ta có khoảng gần 500 loài thực vật bản địa có các sắc tố tự nhiên có thể sử dụng làm phẩm màu thực phẩm vốn giàu chất kháng oxy hóa, giàu dinh dưỡng” - GS Diên nói.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về Luật thực phẩm, trong đó có nêu nhiều vấn đề nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tôi tin rằng, khi Luật thực phẩm được ban hành, việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến và bảo quản sẽ ngày càng giảm” - TS Diên hy vọng.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading