Bánh đa Kế

Thứ Năm, 18/04/2013 01:45

4,206 xem

0 Bình luận

(0)

1488

Nhắc đến Bắc Giang người ta vẫn thường nhắc đến vải Lục Ngạn, mỳ Chũ nhưng cũng không quên nhắc đến bánh đa Kế. Tại sao lại gọi là bánh đa Kế? Vì bánh đa được làm ở làng Kế, bánh vừa giòn, ngon mà khó nơi nào sánh được nên được nhiều người thích. Chính vì thế, khi đến Bắc Giang không ai quên mua vài chiếc bánh đa về làm quà.

Bánh đa Kế chỉ là một món quà ăn chơi dân dã nhưng lại chứa đầy sự tinh tế, khéo léo của người dân quê tôi. Để có những chiếc bánh đa ngon thì khâu chọn gạo phải vô cùng kỹ càng. Gạo để làm bánh đa phải là gạo cũ, không dùng gạo mới thu hoạch vì gạo mới có nhiều nhựa làm ảnh hưởng đến độ xốp của bánh. Gạo được vo sạch, ngâm qua đêm cho đến khi gạo có vị chua rồi đem xay thành bột nước - thứ bột sánh, trắng muốt, mịn màng. Trong quá trình xay, người làm bánh khéo bỏ vào chút khoai lang khô hay cơm nguội theo tỷ lệ vừa phải làm bánh có độ xốp và màu đẹp hơn so với bánh các nơi khác làm.


Bột đã xay rồi được đem tráng thành bánh ngay. Người ta chuẩn bị một chiếc nồi với khuôn lớn giống với nồi tráng bánh cuốn. Dùng gáo dừa múc từng muôi bột đổ lên khuôn tráng, nhanh tay vòng đều cho bánh thành hình tròn. Tiếp đến rắc vừng đen (hoặc vừng trắng), dừa nạo sợi, lạc giã dập lên mặt bánh rồi đậy vung lại. Rắc vừng đâu chỉ rắc cho xong, rắc vừng sao để cho bánh trông đẹp mắt mà khi ăn vẫn phải đậm mùi thơm của vừng. Vừng được rắc tập trung ở tâm bánh, rồi lan dần ra cả chiếc bánh. Lạc và dừa nào chỉ điểm thêm cho bắt mắt. Đến khi thấy nồi phì khói, người tráng bánh dùng một chiếc ống nhựa tròn khéo léo lấy bánh ra khỏi nồi sao cho không bị rách, đặt gọn gàng, đẹp đẽ lên tấm phên tre. Cứ làm như thế đến khi đủ 6 bánh một phên thì đem ra phơi.

Bánh đa tráng xong phải được phơi nắng to mới trắng bánh, bánh nhanh khô, mùi phên tre và mùi bánh quyện lẫn với nhau tạo nên mùi hương dân dã làng quê đầy quyến rũ. Hôm nào có gặp trời âm u, ít nắng thì coi như mẻ bánh đấy hỏng, bánh đen mà không thơm. Bánh phơi xong được bảo quản kỹ lưỡng ở nơi thoáng mát. Làm ra bánh đã khó nhưng khâu nướng bánh lại là cả một nghệ thuật. Nướng bánh đa bắt buộc phải dung than hoa, than hoa càng chắc càng đượm lửa, bánh càng ngon. Người nướng bánh một tay cầm bánh, một tay cầm quạt nan quạt để than cháy, tay kia trở bánh liên tục cho phồng đều. Người nướng bánh phải nhanh tay, nhanh mắt biết bánh chỗ nào chín, chỗ nào chưa để nướng cho chín đều, tránh cho bánh bị cháy hay bị sượng. Bánh nướng xong cho ngay vào túi nilon buộc kín để giữ độ giòn.

Cầm trên tay chiếc bánh đa tròn bằng cái vành nón, nở phồng, vàng ruộm được điểm tô bằng màu đen của vừng, màu trắng của vừng, màu vàng của lạc mà thấy bao nhiêu tinh hoa, sự dân dã của đồng ruộng hội tụ trong chiếc bánh này. Bẻ một miếng bánh thưởng thức. Cái mùi thơm sao mà hấp dẫn đến thế!  Này là mùi của gạo, của dừa, vừng, của than hoa. Tất cả hòa quyện với cái giòn tan khiến người ăn thích thú, cứ muốn ăn mãi. Bánh đa Kế đơn giản là thế nhưng để làm ra chiếc bánh ấy lại là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật của những người nông dân chất phác, hiền hậu, nghệ thuật từ đồng ruộng đã sản sinh ra cho người, cho đời một món ăn đầy tinh tế.

Bích Ngọc

Danh mục bài viết Món ngon Bắc Giang

Đang tải dữ liệu loading