Quy tắc ứng xử trong mâm cơm người Việt - P1
Ăn là hoạt động vừa mang tính bản năng vừa có tính văn hóa. Nếu con vật ăn uống hoàn toàn theo bản năng, đói thì ăn, khát thì uống thì con người, dưới điều kiện sinh sống khác nhau lại nâng việc ăn uống lên thành “văn hóa”. Nó vừa giải quyết nhu cầu bản năng của con người, vừa là một loại ứng xử trong cộng đồng với những quy định được dần hình thành qua lịch sử. Chuyện ăn dường như là cả thế giới rộng mở. Chỉ riêng nói tới “cách ăn” thôi cũng chứa đựng bao vấn đề hấp dẫn.
Có thể khẳng định, mỗi một tộc người, một dân tộc bao giờ cũng có những quy tắc trong ăn uống. Những quy tắc ấy cần được người trong cộng đồng ấy tuân thủ chặt chẽ. Người Kinh ở Việt Nam cũng vậy. Trong bữa ăn của người Kinh có rất nhiều quy tắc, tập trung trong 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị bữa ăn, giai đoạn ăn và kết thúc bữa ăn.
Dọn bàn ăn và sắp xếp các món cũng có những quy tắc riêng. Chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn ở chuyên bài riêng. Trước khi ăn cơm, bao giờ người Việt cũng chờ đầy đủ người trong gia đình ngồi vào mâm rồi mới bắt đầu “động đũa”. Vị trí “đầu nồi”, tức ngồi gần nồi cơm, tô cơm, chịu trách nhiệm “xới cơm” phải là người phụ nữ có vai vế thấp nhất. Trong gia đình dó thường là người con gái ít tuổi nhất. Tất nhiên em gái còn quá nhỏ, chưa thể đảm trách việc xới cơm thì không phải ngồi đầu nồi.
Không phải ngẫu nhiên mà có sự sắp xếp như vậy. Người ngồi đầu nồi sẽ phải học và biết quan tâm tới những người xung quanh, biết ai đang chuẩn bị hết cơm để xới, biết cân đo đong đếm sao cho trong bữa cơm ai cũng được no, biết ai cần ăn cơm mềm, ai có thể ăn phần cháy...
Trước khi ăn cơm, bao giờ người Việt cũng chờ đầy đủ người trong gia đình ngồi vào mâm rồi mới bắt đầu “động đũa”
Nếu như mâm cơm là biểu hiện sâu sắc của văn hóa phương Đông, nơi mà con người ta coi trọng tình cảm và tập thể (khác với văn hóa phương Tây - gốc văn hóa du mục thiên về lý tính và cá nhân) thì người đầu nồi chính là người lặng lẽ nhưng cho thấy điều đó rõ nhất. Trước đây, cái no, cái đói luôn ám ảnh con người. Đời sống của người dân giống như một hình cầu chuyển động liên tục, mà tâm điểm chính là nỗi lo về cái đói. Bởi thế mà với nồi cơm với lượng cơm nhất định, người đầu nồi phải biết xới cơm vơi đầy thế nào cho ai cũng được 2 lần xới cơm trở lên. Thậm chí, trong trường hợp thiếu cơm, người đầu nồi phải ăn ít đi hoặc nhận ăn phần cháy. Có thể nói, người xới cơm chính là người thể hiện rõ nhất cái tình, tính vì tập thể của văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Trẻ em khi qua 5 tuổi bắt đầu được tham dự việc chuẩn bị bữa cơm qua việc “so đũa”. So đũa là hoạt động tìm những cặp đũa có cùng chiều cao, kích cỡ, hình dáng rồi chia cho từng người trước khi ăn cơm. Nếu gia đình không có trẻ em thì người nhỏ tuổi nhất sẽ phải chủ động làm công việc này.
Trẻ em khi qua 5 tuổi bắt đầu được tham dự việc chuẩn bị bữa cơm qua việc “so đũa”
Trước đây đũa trong gia đình bình dân thường do người trong nhà tự làm lấy bởi nguyên liệu làm đũa rất dễ kiếm. Bởi thế mà đũa không được đều, có đôi cao đôi thấp, đôi gầy, đôi béo. Trong những gia đình khá giả hơn một chút, đũa có thể được mua nhiều lần, mỗi lần đũa có kích thước và kiểu cách khác nhau. Nếu như ở Nhật Bản mỗi người có đôi đũa riêng, cố định (đũa của người có địa vị cao hơn thì dài hơn) thì người Việt lại không như vậy. Đũa của chúng ta được rửa và xếp thành bó. Trong khi đó, người Việt rất kiêng kỵ “đôi đũa lệch”. Đũa lệch là biểu tượng của sự không hài hòa, cân đối, không may mắn. Vì thế mà nảy sinh ra việc “so đũa”. Lâu dần so đũa là một nét văn hóa. Khi đời sống kinh tế khá giả hơn, đũa có đều đặn thì việc so đũa cũng không thể bỏ qua.
Một quy tắc nữa không thể không có đối với bữa cơm người Việt chính là “mời cơm”. Điều này rất đỗi thân quen đối với chúng ta, tưởng chừng như không có gì đáng nói. Hãy nhìn vào văn hóa của các dân tộc khác bạn sẽ thấy điểm khác biệt, mà rõ nhất là so sánh với người theo đạo Thiên Chúa. Người theo Thiên Chúa giáo trước khi ăn cơm không mời ông bà, cha mẹ mà cảm tạ Chúa. Họ cho rằng Chúa đã ban thức ăn cho mình và cần cảm tạ biết ơn Chúa vì điều đó. Một số dân tộc khác thì không mời mà ăn luôn khi thức ăn đã sẵn sàng.
Người theo Thiên Chúa giáo trước khi ăn cơm không mời ông bà, cha mẹ mà cảm tạ Chúa
Mời cơm là minh chứng rõ nét cho tinh thần trọng người cao tuổi, cho nguyên tắc ứng xử theo tôn ti, trật tự của người Việt. Trong mâm cơm, người trẻ sẽ mời người già, người có địa vị thấp mời người có địa vị cao. Địa vị ở đây thường là địa vị trong gia đình, dòng họ. Trong dòng họ, có người còn trẻ nhưng có địa vị cao và họ cũng được nhận sự kính trọng từ những người khác qua sự “mời”. Người cao tuổi nhất hoặc có địa vị thấp nhất thì không cần mời bất cứ ai khác trong mâm cơm.
Điều này logic với truyền thống văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngay từ thủa đầu thuần dưỡng cây lúa, người ta đã học các kinh nghiệm qua truyền miệng. Vì thế, người lớn tuổi nhất thường là người có nhiều kinh nghiệm và được kính trọng nhất. Qua thời gian, dần hình thành dòng họ với các quy ước trong dòng tộc khắt khe và quy củ. Chức danh trong dòng họ được đặc biệt lưu ý và tuân thủ nghiêm khắc. Hoạt động “mời cơm” này cũng thể hiện rõ điều đó.
Trên đây là những quy tắc ứng xử trong bữa cơm người Việt ở giai đoạn chuẩn bị. Chúng tôi sẽ gửi tới các độc giả nội dung các quy tắc khác ở phần sau. Xin trân trọng mời quý độc giả đón xem!
Thảo Hương - Ẩm thực 365
Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực
Bình luận