Ngọt ngon cơm gạo lứt

Thứ Ba, 01/09/2009 09:40

1,121 xem

0 Bình luận

(0)

1071

Theo Đông y, gạo lứt có tính thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền, trị các bệnh đường ruột. Gạo lứt còn đặc biệt tốt đối với phụ nữ, giúp giảm nguy cơ ung thư và tốt cho hệ tim mạch sau mãn kinh.

Sau Thế chiến thứ hai, giáo sư người Nhật Sakurazawa Nyoichi đã sáng tạo ra phương thức ăn uống thực dưỡng Oshawa. Theo đó, món cơm dưỡng sinh gạo lứt muối mè được xem như liều thuốc thần cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư từ năm 1982.

Thế nhưng để chén cơm gạo lứt thêm phần bổ dưỡng, người nấu cũng phải biết cách chế biến, bởi đây là một trong những loại thực phẩm khó tính bậc nhất. Gạo lứt muốn ăn ngon, mềm và bổ dưỡng phải được ngâm lâu. Thông thường gạo phải ngâm trong khỏang 22 tiếng để hạt gạo nảy mầm, “đánh thức” các enzyme ngủ trong hạt gạo và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng. Gạo nảy mầm còn giúp món cơm nấu dễ dàng hơn, có vị ngọt, do các enzyme tác động vào chất đường và chất đạm trong hạt gạo. Nếu không thể ngâm lâu, người nấu cũng phải ngâm gạo khoảng nửa giờ đến vài giờ bằng nước ấm. Khi nấu gạo lứt, có thể nêm thêm một chút muối để món cơm có vị dễ ăn hơn. So với gạo trắng, gạo lứt có phần khó ăn hơn. Khi hạt cơm chín thường không nở như gạo trắng, ăn hơi ráp, nhưng nếu ăn quen sẽ thấy hương vị ngon ngọt đặc biệt.

 

Tuy nhiên, thực dưỡng không chỉ là ăn gì mà còn là ăn đúng cách. Chẳng hạn món cơm gạo lứt muối mè phải được ăn theo “quy tắc” một chén cơm trộn khoảng hai muỗng cà phê muối mè. Bên cạnh đó còn có những yêu cầu chặt chẽ để miếng ngon trở thành miếng bổ như: khi ăn phải tập trung nhai thật kỹ, nước bọt sẽ tiết ra thật nhiều, quyện với cơm, giúp cho việc tiêu hóa được tốt. Nhai nhuyễn cũng giúp người ăn có cảm giác cơm thơm, ngọt hơn. Một muỗng cơm phải khỏang 60-70 lần nhai, như thế mới cơm đạt độ nhuyễn như cháo, mới phát huy tối đa công dụng. Vì vậy, đôi lúc ăn một bữa cơm gạo lứt chỉ đôi ba chén mà mất đến cả giờ đồng hồ!

Ngoài người bệnh, những người có tuổi nếu thay một bữa cơm thường trong ngày bằng gạo lứt muối mè sẽ rất tốt cho sức khoẻ. Những người trẻ tuổi cũng có thể dùng gạo lứt kết hợp những loại rau củ, thịt cá để dưỡng sinh, bởi cơm gạo lứt có thể ăn kèm cùng tất cả các món ăn khác. Trong ẩm thực Việt, gạo lứt còn được dùng để làm cơm rượu hoặc rượu nếp cái. Món cơm cốm gạo lứt nấu kèm với đậu đỏ, đậu xanh, ăn kèm với muối mè, hành khô phi thơm cũng ngon không kém cạnh. Cháo gạo lứt đậu đỏ thì dùng kèm với nước cốt dừa pha chút vị mằn mặn, cũng khoái khẩu vô cùng.

Hải Yến

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading