Thơm thơm bánh xoài
Xoài chín sau khi rửa sạch, để ráo nước và bóc bỏ vỏ, lấy phần thịt cho vào rổ, chà đi chà lại nhiều lần cho tơi ra, phần xơ thì bỏ. Tiếp tục cho phần xoài đã tơi vào một nồi đã có sẵn một ít nước sôi và tiếp tục đun. Lưu ý là chỉ nên đun lửa nhỏ, trong quá trình đun nên dùng vá khuấy đều để cho xoài tiếp tục “chín” và nhuyễn hẳn; không nên để lửa lớn vì như vậy xoài sẽ không “chín” đều và nước trong nồi sẽ bốc hơi hết.
Đun xong, nhắc nồi nước xoài này xuống, để cho nguội hẳn. Lúc này mới lấy bánh tráng gạo ra, trải đều lên tấm vỉ. Sau đó tráng nước xoài khắp mặt bánh tráng và để cho bánh thấm đều nước xoài. Chờ một lúc cho nước xoài thấm và ráo hẳn thì đem phơi. Chỉ nên phơi nắng sao cho nước xoài vừa đủ ráo để bám hẳn vào bánh tráng, tất nhiên là không còn chảy nước. Lúc này chúng ta đã có miếng bánh xoài vàng ươm trông rất bắt mắt.
Thông thường người ta chỉ phủ nước xoài lên một bề mặt của bánh tráng. Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản, do phải xếp chồng các bánh xoài lên nhau nên phần mặt còn lại của bánh tráng cũng dính đều xoài. Để bảo quản được lâu, nên để bánh xoài vào một rổ tre đã lót lá chuối, sau đó đưa tất cả vào một nồi lớn và đậy hờ nắp lại, tốt nhất là nên dùng lồng bàn.
Khi thưởng thức món bánh này, người ăn sẽ không khó để nhận ra vị bùi bùi của gạo và vị chua ngọt đặc trưng của xoài. Sẽ thêm thú vị nếu đôi lúc cắn trúng những hạt mè trên bánh tráng...
Theo Thanh niên
Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực
Bình luận