"Rùng mình" với những thực phẩm nguy hại
Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được nhiều người rất quan tâm và Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y Tế cũng liên tục đưa ra những khuyến cáo cho người dân nên chọn những loại thức ăn có nguồn gốc xuất xứ, hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe.
Hãy cùng điểm lại những sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được phanh phui trong tuần vừa qua:
Cơm trắng nở gấp đôi bằng bột hóa chất 8.000 đồng/gói
Chỉ với một gói bột hóa chất 8.000 đồng, các hàng cơm bụi đã có thể "hóa phép" cho 10 kg gạo thành cơm nở bung trắng đều, hạt to mẩy tương đương như khi nấu 20 kg gạo thông thường.
Đa phần các hàng cơm bụi đều cho thoải mái khi khách ăn muốn lấy thêm cơm. Khách có đông đến mấy, cũng chỉ một tiếng đồng hồ sau là quán đã kịp nấu nồi cơm trắng tròn mẩy đầy ú ụ nhờ gói bột trắng hóa chất "phép màu".
Theo tiết lộ của một phục vụ quán cơm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức, TP.HCM) thì chỉ cần 1 muỗng canh loại bột màu trắng này có thể "hóa phép" cho 10 kg gạo thành cơm nở bung trắng đều, hạt to mẩy đương như khi nấu 20 kg gạo thông thường mà không mất nhiều công. Loại bột này được chủ quán cơm cho biết mua tại chợ Bà Chiểu.
Ngoài vỏ gói bột ghi hầu hết bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác hay hạn sử dụng nhưng chủ sạp vẫn khẳng định đây là hàng nhập. Xé vỏ giấy ra thì thứ bộ trắng, nhỏ mịn như đường cát này có mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, gói giấy bọc vỏ bên ngoài lại in chữ Tàu chằng chịt. Chỉ cần ngâm 15-20kg gạo chung với 1 muỗng canh nhỏ loại bột này rồi đem hấp khoảng 1 tiếng, gạo sẽ nở bung, cho lượng cơm nhiều gấp đôi so với bình thường.
Chân gà thối quá hạn... 40 năm ở Trung Quốc
Ngày 7/7, cảnh sát Nam Ninh cho biết họ vừa bắt giữ hơn 20 tấn chân gà cùng với dạ dày, cổ họng bò và nhiều loại nội tạng động vật quá hạn khác, trong đó có những gói chân gà có tuổi thọ hơn 40 năm.
Cảnh sát cho biết xưởng chế biến mà họ đột kích lần này bẩn thỉu và hôi thối đến mức họ chỉ có thể ở trong đó mỗi lần vài phút. Trong số những tang vật mà họ tịch thu, có những gói chân gà đề ngày sản xuất từ năm 1967.
Những gói chân gà sản xuất từ năm 1967 được "phù phép" bằng hóa chất độc hại
Theo Tân Hoa Xã, chân gà và nội tạng động vật thường được tuồn về Trung Quốc từ các nước khác như Mỹ và Anh vì những thực phẩm này tuy rất phổ biến ở Trung Quốc nhưng lại bị coi là phế phẩm ở các nước này.
Phần lớn việc vận chuyển này là trái phép với thủ đoạn phổ biến của bọn buôn lậu là giấu nội tạng động vật lẫn với hoa quả hoặc đồ gỗ nhập về Trung Quốc.
Cảnh sát cho biết loại chân gà đông lạnh chất lượng thấp này được bọn buôn lậu ngâm trong hóa chất xử lý độc hại như hydrogen peroxide (loại hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm) hoặc thuốc tẩy để loại bỏ máu và mùi hôi.
Chế biến chả cá từ cá ươn, cá chết để lâu ngày
Một số cơ sở, xưởng chế biến nhỏ lẻ ở TP.HCM đang "phù phép" biến những thực phẩm cá chết, để lâu ngày, thêm một số phụ gia sẽ trở thành món chả cá hấp dẫn.
Trong vai một người muốn đặt hàng chả cá để mở quán bún chả cá, chúng tôi tìm tới cơ sở chế biến chả cá Z (quận Thủ Đức). Trong không gian mờ tối, ẩm thấp ở phía sau quán cơm, một số công nhân đang miệt mài quanh những mâm cá cao chất ngất, những bàn xay thịt cá đặt sát mặt đất.
Chị Kh, người trực tiếp xay thịt cá tại đây cho biết: "Ở đây ít được phép nói bí quyết nhà nghề cho người ngoài, thường người như tôi làm ở đây phải có mối quan hệ họ hàng với chủ nên mới biết nhiều điều \'bí mật\' của cách làm. Những miếng chả cá đã bỏ ra đĩa ăn thì khuất mắt trông coi nên ăn thôi. Nói là chả cá nhưng thực tế chủ yếu các thứ tổng hợp gồm các loại cá chết thiu và da heo, mỡ lợn. Những hỗn hợp thải này được phù phép với \'công nghệ\' nhà nghề qua chiếc máy xay trộn, với gia vị nêm nếm là thành món chả cá ăn ngon mắt, hấp dẫn người ăn rồi".
Sát nhà vệ sinh là một cống nước đen ngòm, gần đó là các chậu nước để xóc rửa cá đã chết ươn cho vào máy xay. Tuy nhiên, mỗi rổ cá cũng chỉ được rửa một lượt nước qua loa rồi để ráo chờ ướp muối. Từng đàn ruồi đen ngòm bám quanh thúng cá chết.
Một chuyên viên tư vấn thực phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển TP.HCM cho biết: hiện nay trên thị trường TP.HCM không ít các xưởng chế biến chả cá không đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm. Do vậy, người tiêu dùng nên chú ý khi không mua các sản phẩm chế biến chả cá mà không có xuất xứ rõ ràng hay không có dấu kiểm nghiệm của chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dầu ăn bằng đậu phộng trộn… lốp xe
Trong quy trình sản xuất dầu ăn, để tiết kiệm thời gian và điện, một chủ cơ sở ép dầu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cắt nhỏ lốp xe bỏ vào máy ép đậu phộng. Tại cơ sở ép dầu của ông Trương Căn (SN 1956, ngụ thôn Châu Lâu), trong quá trình ép dầu, để cho máy chạy nhanh, con trai ông Căn là Trương Công Thạnh (SN 1985) đã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với đậu phộng.
Người dân vất vả sau một mùa đậu nhưng sau khi ép, dầu bị thâm đen, đóng cặn không thể sử dụng
Theo trình báo, có 30 hộ dân đã ép dầu tại nhà ông Căn. Số dầu ăn bị trộn lốp cao su khi ép ước tính hơn 2.000 lít. Hiện tại giá mỗi lít dầu ăn được người dân bán với giá 90.000 đồng. Ngoài ra còn nhiều người ép dầu tại nhà ông Căn nhưng chưa trình báo.
Ông Căn cho biết: “Trong lúc ép máy bị nghẹt nên con tôi dùng ruột cao su xe đạp, Honda cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho khỏi bị nghẹt”. Ông Căn hứa sẽ bồi thường, tuy nhiên cho đến nay, hơn 30 hộ dân trên vẫn chưa được ông Căn thực hiện lời hứa.
Rau ngót, mướp đắng nhiễm thuốc trừ sâu
Trong 25 mẫu rau ngót được lấy kiểm tra tại các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội và TP.HCM thì phát hiện 7 mẫu có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Còn lại 8/25 mẫu bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng dưới ngưỡng cho phép.
Nhận định về kết quả kiểm tra này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT cho hay, đây là loại rau được người dân trong nước sử dụng hàng ngày nhưng lại có nguy cơ rất cao về mất an toàn thực phẩm.
Ngoài rau ngót, lần kiểm tra này cũng phát hiện mướp đắng được bày bán tại Hà Nội và TP.HCM nhiễm thuốc trừ sâu.
Cụ thể, 2/25 mẫu mướp đắng được kiểm tra có phát hiện thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép, 8/25 mẫu có phát hiện nhưng nằm trong ngưỡng cho phép.
Nhìn nhận vấn đề, ông Nguyễn Đồng Quảng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm thuốc trừ sâu trên rau ngót, mướp đắng nói riêng và nhiều loại rau quả trong thời gian qua là do việc áp dụng quy trình, sự kiểm tra, giám sát của khuyến nông chưa sâu sát đến hoạt động sản xuất của nông dân. Người nông dân có thói quen dù không có sâu bệnh cũng phun thuốc. “Rất nhiều nơi, chưa đến ngưỡng phải phun nhưng dân vẫn cứ phun, vừa làm tăng chi phí, vừa nguy cơ với chất lượng nông sản”, ông Quảng nói.
600kg heo sữa bệnh suýt vào thị trường
Sáng 10/7, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc (TP.HCM) chốt chặn trên Quốc lộ 1A (quận Thủ Đức, TP.HCM) phát hiện xe khách BKS 76K-4370 do tài xế Nguyễn Duy Thảo (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) điều khiển có dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Khi mở cửa dưới gầm xe khách, cơ quan chức năng phát hiện có 7 thùng xốp chứa đầy heo sữa đã bốc mùi hôi thối, rỉ dịch, xuất huyết da.
Thời điểm kiểm tra, tài xế Thảo không xuất trình được giấy tờ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Số heo bệnh được tạm giữ để tiêu hủy
Ngay sau đó, chiếc xe khách và số heo sữa được đưa về trạm để lập biên bản với tổng cộng gần 600kg heo sữa bệnh.
Tài xế Thảo cho biết: “Số heo này được một người nhờ vận chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi vào bến xe Miền Đông (TP.HCM), khi đến nơi sẽ có người ra nhận hàng”.
Đến chiều cùng ngày, gần 600kg heo sữa bệnh trên được đưa đi tiêu hủy hoàn toàn.
Theo một cán bộ của Trạm kiểm dịch, số heo này nếu không được phát hiện sẽ được chủ hàng đưa đến các lò heo quay chế biến rồi bán cho người dùng, hậu quả rất khó lường.
Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình
Bình luận