Gợi ý những món ăn ngày thứ 7

Thứ Bảy, 14/09/2013 07:52

134,536 xem

0 Bình luận

(0)

4700

Ngày thứ 7 thật rảnh rỗi chị em hãy chuẩn bị bữa cơm ngon, cầu kì một chút cho gia đình nhé!

Vịt xào sả ớt

Món vịt xào sả ớt rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày mát trời như thế này.

Nguyên liệu:

- Thịt vịt: ½ con (800 gr)

- Sả: 2 – 3 cây

- Ớt: 2 quả

- Vừng rang chín: 1 nhúm nhỏ

- Hành khô, tỏi, hành hoa, muối, rượu, hạt nêm, gia vị, dầu hào, dầu vừng

Cách làm:

- Sả rửa sạch, thái vát thật mỏng, 1 phần đem băm thật nhỏ. Ớt bỏ hạt, thái vát. Hành khô và tỏi băm nhỏ, hành lá cắt khúc.

- Thịt vịt đem xát rượu, muối cho bớt hôi, rửa sạch, để cho ráo bớt nước. Lọc lấy phần thịt, thái miếng vừa ăn (phần xương có thể nấu canh măng hoặc rau củ).

- Đem ướp thịt vịt với phần sả bằm nhỏ, một ít hạt nêm, gia vị, dầu hào, dầu vừng.

- Cho sả và ớt vào phi đến khi sả vàng giòn, sau đó chút ra đĩa.

- Cho tiếp hành, tỏi vào phi thơm. Chút thịt vịt vào xào chín.

- Khi thịt vịt đã chín mềm thì cho đến hành hoa vào, đảo đều rồi tắt bếp.

- Rắc tiếp vừng và phần sả ớt đã phi vàng giòn vào đảo đều rồi cho thịt vịt xào sả ớt ra đĩa.

Canh cá nấu măng chua

Vị ngọt của cá và vị chua thanh của măng, của dứa sẽ mang lại cho bạn một bát canh ngon tuyệt!

Nguyên liệu:

- Cá điêu hồng (có thể chỉ sử dụng phần đầu và phần đuôi, mình cá dùng để kho, hoặc nướng…)

- Dứa: 1 quả

- Măng chua

- Hành lá, rau ngổ, ớt quả, gia vị, muối…

Cách làm:

- Cá làm sạch, bỏ mang, cắt khúc vừa ăn. Hành, ngổ rửa sạch, thái nhỏ.

- Gọt vỏ và cắt mắt dứa. Xắt miếng dứa nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, thêm đủ lượng nước vừa ăn rồi xay nhuyễn, rây qua rây để loại bỏ bã, chỉ lấy phần nước dứa trong.

- Bắc chảo lên bếp, cho 1 chút dầu ăn vào và rán sơ qua đầu cá.

- Cho nước dứa trong vào nồi, đun đến sôi.

- Sau khi nước sôi; cho đầu, đuôi cá đã rán sơ vào nồi; nêm nếm gia vị rồi đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 10 phút.

- Măng chua rửa sơ qua với chút nước rồi cho vào nồi canh cá, để lửa to cho sôi lại rồi vặn nhỏ, đun tiếp trong khoảng 10 phút.

Cuối cùng nêm nếm lại gia vị vừa miệng ăn, thêm hành, rau ngổ rồi tắt bếp.

Nộm mề gà

Mề gà làm theo cách thông thường như luộc, xào… thì mọi người đã quá quen thuộc và nắm rõ cách làm. Bạn thử đổi món với mề gà nướng ướt ăn kèm nộm đu đủ nhé.

Nguyên liệu:

A: Phần mề gà:

- Mề gà: 300 gr (đủ cho 4 người ăn/bữa)

- Dầu hào: 1 thìa cafe

- Muối gia vị: ½ thìa café

- Đường: 1 thìa phở

- Ớt bột: ¼ thìa café (nếu ăn cay hơn có thể cho ½ thìa)

- Ngũ vị hương: 1 thìa café

- Hạt tiêu: ½ thìa

- Muối hạt: 1 thìa phở (để xát rửa mề sạch)

B: Phần nộm:

- Đu đủ: 1 quả 

- Cà rốt: 1 hoặc 2 củ

- Lạc: 100gr

- Rau gia vị: húng bạc hà, húng láng, mùi ta…

- Chanh, ớt quả…

Thực hiện:

- Mề gà rửa sạch với muối hạt rồi đem ướp với các gia vị: dầu hào, muối gia vị, đường, ớt, ngũ vị hương, hạt tiêu. Để ít nhất 3h - 5h đồng hồ cho các gia vị ngấm sâu vào miếng mề. Ở đây mình ướp buổi tối và để qua đêm (khoảng 8h) trong tủ lạnh.

- Sau khi ướp xong đem rán/ chiên sơ qua với chút dầu trong chảo để mề vừa chín tới, mặt hơi vàng.

- Lót giấy nến hoặc giấy bạc lên rack rồi xếp mề gà lên, cho vào lò nướng ở nhiệt độ 100 độ C trong 20 phút hoặc đến khi thấy miếng mề chín đều từ trong ra ngoài, mùi thơm là được. Chú ý trong quá trình nướng thi thoảng lật miếng mề để chín đều.

- Mề chín thái miếng vừa ăn và trộn với nộm.

- Lạc rang chín giã nhỏ. Đu đủ, cà rốt nạo sợi, ngâm nước với chút muối và ½ quả chanh trong khoảng 20 phút để nộm được trắng giòn.

- Sau đó vớt ra, bóp cho ráo nước và chuẩn bị nước trộn nộm.

Nước trộn nộm: 

Nguyên liệu:

- Nước lọc: 250 ml

- Dấm trắng: 1 chai loại 0,5 lít

- Đường: 800 gr

- Muối tinh: 100 gr

- Tỏi: 1.5 củ to

- Ớt sừng đỏ : 1 quả, ớt vàng cay: 1 quả

Cách pha:

- Cho đường, muối, dấm trắng, nước vào một bát to, đánh tan nguyên liệu được 1 hỗn hợp có độ sánh và vị ngọt, đậm đà sâu.

- Tỏi băm nhỏ (không đập dập tỏi vì dầu tỏi làm nước nộm không chuẩn vị), ớt thái mỏng rồi bỏ hạt sau đó băm nhỏ như tỏi. Cho tởi, ớt vào hỗn hợp nước đã pha. Đóng hộp để tủ lạnh dùng dần, bảo quản trong 1,5 tháng. Với lượng nước nộm đã pha các mẹ có thể dùng đủ cho khoảng 20 đĩa nộm khi trộn cùng lúc, nếu trộn từng đĩa sẽ ít hơn. Vị ngọt và đậm đà của hỗn hợp đảm bảo khi trộn không cần nêm lại 2 vị đó mà chỉ cần cho nước cốt chanh để chỉnh vị chua.

- Khi ăn chỉ cần trộn nộm, rau gia vị, mề nướng, rắc lạc rang lên trên và rưới nước trộn, đảo đều là đã có 1 đĩa nộm ngon.

Chè ngô cốm

Nguyên liệu:

- Ngô ngọt

- Cốm tươi hoặc cốm khô

- Bột bắp

- Đường trắng

Cách làm:

- Bóc bỏ vỏ và râu ngô, cho ngô vào nồi luộc chín. Phần nước luộc ngô các bạn giữ lại vì chúng ta sẽ dùng để nấu chè.

- Ngô ngọt khá mau chín nên các bạn chỉ cần luộc sôi 10 phút là được, đợi cho ngô nguội, dùng dao thái mỏng theo chiều dọc bắp ngô, cứ thế cho đến khi sát lõi ngô. Các bạn dùng mũi dao gạt lấy phần tim ngô nhé, tim ngô chính là phần ngon ngọt cũng như là nơi tập trung rất nhiều chất dinh dưỡng của bắp ngô đấy.

- Quấy bột bắp với lượng nước đủ dùng, sao cho sau khi sôi tạo thành 1 dung dịch có độ sền sệt, các bạn cho đường vào quấy tan. Xúc từng thìa ngô đã thái rắc vào nồi.

- Cuối cùng các bạn rắc cốm. Món chè có hương vị thơm ngon nhất là khi sử dụng cốm tươi, mình rất ít khi sử dụng cốm khô mà mỗi khi đến mùa cốm, mình thường chọn mua những mẻ cốm tươi thật ngon và cho vào hộp kín, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để dùng dần.

Chè có độ sánh đạt yêu cầu là khi các hạt cốm và ngô phân bổ đều, có độ lơ lửng. Khi cốm và ngô bị chìm xuống đáy nồi tức là dung dịch bột bắp hơi loãng, các bạn chỉ cần hòa thêm 1 chút bột bắp nữa rồi từ từ chế vào nồi chè, vừa chế vừa quấy đều tay đến khi chè đạt được độ sánh mong muốn là được.

 

Tổng hợp

Danh mục bài viết Vào bếp cuối tuần

Đang tải dữ liệu loading