Lễ Hội Eid Của Người Hồi Giáo

Thứ Ba, 06/07/2010 10:50

1,261 xem

0 Bình luận

(0)

2575

Với người Hồi Giáo khắp nơi trên thế giới, Eid là thời gian tưng bừng nhất trong năm bởi lễ hội này đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan. Eid kéo dài từ ba ngày đến một tuần. Cũng như Tết của người Việt, do căn cứ theo âm lịch, thời gian cụ thể cho lễ hội Eid không cố định mà thay đổi từng năm.

Bài: Hoàng Anh( kỳ 85)

Những tục lệ đẹp của lễ hội Eid

Cộng đồng người Hồi Giáo rải rộng khắp nơi, từ vùng Trung Đông, qua Nam Á và cả một số nước Đông Nam Á. Đó là chưa kể đến cộng đồng nhỏ hơn ở các nước phương Tây. Do đó, lễ hội Eid ở mỗi vùng mang những nét đặc trưng văn hóa khác nhau. Tuy thế, nhiều phong tục chung vẫn được gìn giữ.

Buổi sáng đầu tiên của lễ hội Eid, từ tinh mơ, nhà nhà dậy sớm. Các mẹ, các chị nhanh chóng chuẩn bị bữa cơm sáng. Trong suốt ba mươi ngày trước đó, người Hồi giáo kiêng ăn uống từ tinh mơ đến hoàng hôn. Vì thế, bữa sáng đầu tiên sau Ramadan có nhiều ý nghĩa cả về tôn giáo lẫn giá trị gia đình. Sau bữa sáng là lễ tụ họp và cầu nguyện tại nhà thờ địa phương. Eid là dịp người Hồi Giáo bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng với nhau. Họ bỏ qua những gì không phải của năm trước để sống gắn bó, đoàn kết hơn.

Tương tự như dịp lễ tết ở Việt Nam, người Hồi giáo cũng thăm viếng nhà nhau trong dịp lễ Eid. Đặc biệt, thăm viếng nhà người lớn tuổi hơn trong cộng đồng rất được coi trọng. Đi tới đâu, mọi người cũng đón chào nhau niềm nở và cùng thưởng thức những món ăn và bánh mứt kẹo truyền thống. Bên cạnh đó, làm việc thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém hơn mình, cũng là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Eid. Tùy vào hoàn cảnh, các gia đình ủng hộ tiền bạc, quần áo hay thức ăn. Người Hồi Giáo quan niệm rằng mọi người cần trợ giúp nhau để ai cũng có được một lễ hội đầm ấm.

Ẩm thực trong lễ hội Eid

Sau một tháng ăn chay trường, lẽ dĩ nhiên thức ăn là tâm điểm của Eid. Cả chục ngày trước khi Eid bắt đầu, mọi người đã hối hả chuẩn bị thực phẩm cho dịp lễ. Các gia đình thường mua cả chục cân thịt gà, bò, dê từ cửa hàng thịt halal (người Hồi Giáo kiêng thịt lợn). Các loại gia vị, nguyên liệu làm bánh mứt kẹo cũng được chuẩn bị trước với số lượng lớn.

Những món ăn trong dịp này thì muôn hình muôn vẻ. Cộng đồng ở vùng Trung Đông và Nam Á ưa thích món cơm trộn thịt đặc biệt biryani. Món ăn này đòi hỏi người nấu phải kiên nhẫn. Ở đây, thịt (thường là thịt cừu, dê hoặc bò) được hầm nhừ với các loại gia vị như bột nghệ, thảo quả, quế, nghệ tây, bột mùi trước một ngày để thịt ngấm gia vị. Một loại gạo tẻ có hạt dài được xào qua với hành, tỏi rồi nấu thành cơm. Khi vừa chín tới, cơm sẽ được trộn với thịt hầm và tiếp tục nấu liu riu đến khi ăn. Ở một số nơi, người ta còn trộn cả hành khô, nho khô vào cùng.

Đi về phía Đông Nam Á, ketupat là món ăn được chờ đợi nhiều nhất trong dịp hội này. Ketupat đơn giản chỉ là cơm nếp bọc lá tre hay lá dứa rồi nấu chín. Điểm đặc trưng là gói cơm có hình tam giác. Ketupat thường được ăn cùng thịt gà xiên nướng và xốt satay. Khác vớt sa tế ở Việt Nam, satay được làm từ lạc và nước cốt dừa giã với nhau cùng các loại gia vị khác như sả và ớt. Ngoài ra, người Malaysia và Indonesia còn thích ăn ketupat kèm với một món cà ri cay làm từ thịt bò tên là rendang. Món rendang khá công phu. Riêng gia vị nấu thôi đã lên tới 13 loại. Mùa lễ tết Eid, có nhà nấu cả nồi rendang với 10 cân thịt bò trong chiếc nồi gang để góc vườn.

Trong dịp Eid, kẹo bánh và mứt là món ăn không thể thiếu. Nổi bật trong số kẹo bánh cho Eid phải kể đến món baklava. Bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây baklava trở thành món bánh truyền thống được ưa thích của cả vùng Trung Đông và Địa Trung Hải. Làm baklava ngon đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Vỏ bột phải được cán thật mỏng như giấy, khi nướng lên giòn tan. Giữa hàng trăm lớp vỏ mỏng tang là nhân làm từ hạnh nhân hay hạt dẻ cười. Khi bánh vừa được nướng xong, một hỗn hợp nước đường thơm phức mùi hoa cam hoặc hoa hồng sẽ được rưới lên bánh. Cái khéo là ở chỗ rưới vừa đủ nước đường để bánh ẩm, nhưng không làm bánh quá ướt, ăn mất ngon và không để được lâu. Một miếng baklava ngon khi ăn vị ngọt rất đậm đà nhưng không khé cổ.

Ngoài baklava, nhiều loại đồ ngọt chỉ xuất hiện trong dịp lễ Eid. Ví như món pudding làm từ sữa, bột semolina và hạnh nhân ngọt lịm. Hay khi đến thăm cộng đồng người Hồi Giáo ở Đông Nam Á, ta có thể tìm thấy món bánh mứt dứa được bày bán rộng rãi. Tất cả những món ăn này tạo nên hương vị đặc trưng của dịp lễ Eid.

Tháng chay Ramada

Ramadan là tháng linh thiêng nhất trong năm của người Hồi Giáo. Đây là tháng thứ chín theo lịch Hồi Giáo, và là tháng đánh dấu sự khởi thành của kinh Koran. Suốt 30 ngày, người Hồi Giáo kiêng không ăn uống hay làm những việc không thanh tịnh từ sáng tinh mơ đến khi mặt trời lặn. Việc kiêng cữ có ý muốn giúp con người trở nên thanh tịnh. Phụ nữ có thai, người già yếu được miễn nhịn ăn uống nhưng ai ai cũng cầu bình an, xin vong ân và làm nhiều việc thiện hơn.

monngonvietnam.com

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading