Đặc sắc chè Thái

Thứ Năm, 16/07/2009 08:40

976 xem

0 Bình luận

(0)

1037

 

Chè Thái mang nét đặc trưng của nền ẩm thực ở một đất nước có bốn mùa hoa trái: trong món chè, trái cây là nguyên liệu chủ đạo. Món chè phổ biến nhất là chè thập cẩm. Khác với những món chè thập cẩm của người Việt, có thể cho vào ly cả chục loại đậu, sương sa, hạt lựu khác nhau, cùng với nước cốt dừa béo ngậy và nước đường thắng ngọt lừ, chè thập cẩm Thái thường chỉ có từ hai đến ba loại thực phẩm khác nhau. Chè sương sa, sương sáo kèm thốt nốt mát lạnh, chè đậu đỏ (loại hạt đậu to dài) nấu với nếp và bột lọc thanh ngọt, chè tổng hợp gồm ba loại trái cây đậm hương vị thiên nhiên…

 

Người bán chè thường ít khi nêm đường sẵn vào ly mà để riêng một tô nước đường thắng bên cạnh, khách cứ tùy theo khẩu vị mà thêm thắt cho vừa miệng. Loại đường này là đường mật tự nhiên, không phải loại đường tinh luyện nên món chè ngọt ngào hơn mà lại không gắt cổ. Người Việt khi ăn chè Thái thường cho ít nhất hai muỗng nước đường mới thấy vừa miệng. Trong khi đó, vừa ăn vừa ngó nghiêng xung quanh, tôi thấy người Thái chỉ “nêm” khoảng một muỗng đường. Theo họ, đường ít thì mới có thể cảm nhận được hương vị của các thành phần trong ly chè một cách rõ ràng hơn cả.

 

 

Chè Thái dù ở quán bình dân lề đường hay cao cấp hơn trong các khu food court thì mức giá cũng không chênh lệch là bao, thông thường từ 20-40 baht/phần (tương đương 10.000-20 ngàn đồng). Cách gọi tên các món chè ở Thái cũng rất đơn giản: chỉ cần gọi tổng hợp các thành phần nguyên liệu và màu sắc là ra! Chẳng hạn, chè xoài vàng táo xanh, chè dưa gang dưa hoàng kim, chè củ năng hột lựu hồng hay chè đậu đỏ bột lọc. Món chè nào cũng đặc trưng bởi vị ngọt thanh, lạnh, hương thơm thoảng nhẹ.

 

Nhìn chén chè có vẻ đơn giản, nhưng nhiều món chè Thái cũng có cách chế biến rất cầu kỳ. Món chè hạt lựu bọc củ năng là một ví dụ. Củ năng tươi xắc hột lựu thật nhỏ, ngâm nước có pha phẩm màu hồng. Sau khoảng một giờ, vớt củ năng ra, để cho ráo nước, rắc bột năng áo lên toàn bộ của củ năng rồi đun nước sôi, thả củ năng vào, khuấy đều tay, sao cho phần củ năng hạt lựu rời mà không nát, vẫn còn nguyên cả lớp áo bọc. Sau cùng là cho phần củ năng hạt lựu này vào nước lạnh, xóc kỹ để tạo màu sắc bóng đẹp. Cuối cùng chỉ cần thêm chút nước đường, đá xay nhuyễn là đã có món chè ngon lành và đúng điệu Thái Lan.

 

 

Chè Thái thời hiện đại có cách ăn rất "cởi mở". Quầy chè bày như buffet với từng khay để  riêng các món, khách muốn ăn gì thì túy ý thích mà múc vào chén, thêm nước đường, đá và dùng ngay. Cách ăn này hiện đã phổ biến trong hầu hết các quầy đồ ăn ngọt của các bữa tiệc buffet món Thái, vừa thú vị vừa ngon lành.

 

Chè Thái ở Sài Gòn lại mang một khẩu vị rất khác. Chè Thái quen thuộc với người Sài Gòn ở mùi sầu riêng thơm lừng và vị béo của sữa tươi. Ly chè là tổng hợp của nhiều loại trái cây theo mùa như bơ, thanh long, mứt chùm ruột, nhãn, mứt dừa, thốt nốt… Thật ra ly chè vẫn mang nét đặc trưng của Thái (chè trái cây) nhưng cách chế biến đã mang ít nhiều sở thích Việt nên “thập cẩm” hơn và cũng ngọt đậm hơn. Có một điều lạ là suốt hành trình khám phá ẩm thực của đất Thái, quả thực tôi chưa tìm được món chè nào tương tự như chè Thái ở Việt Nam. Có lẽ, vẫn còn phải đi nhiều nơi hơn chăng?

 

Hải Yến

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading