Mùa Này Con Nước Đong Đưa

Thứ Năm, 24/06/2010 07:09

935 xem

0 Bình luận

(0)

3990

Nếu tính cho chính xác thì bắt đầu tháng Bảy âm lịch là miền Tây vào mùa nước nổi. Mùa này kéo dài 3 tháng. Khi ấy, nhịp sống đồng bằng mới thật sự trỗi dậy, kéo theo đó là bao thứ đặc sản vào mùa: mùa cá linh núc ních, mùa điên điển vàng bông, mùa cà na sai quả…

Nếu ai có hỏi: “Về miền Tây có gì vui?” thì thú thật đôi khi cũng chẳng biết trả lời như thế nào. Vui thì vui đấy nhưng cũng buồn quạnh hiu. Thử lắng nghe “Bài ca đất phương Nam” một lần sẽ hiểu thấu phần nào. Miền Tây có sông, có nước, có cá, có tôm, có những vườn cây bạt ngàn trĩu quả, có những cánh đồng cò bay thẳng cánh… Thú vị lắm chứ, dân dã, tự do, nghĩa tình, phóng khoáng lắm chứ nhưng có lẽ phải về miền Tây theo đúng con nước thì mới thấy hết cái hay của nó. Làm sao khỏi mẩn mê trong hình ảnh những cô gái quê khoác áo bà ba, bơi xuồng hái bông điên điển; những đứa trẻ đầu trần giăng câu mắc lưới? Phải rồi, mùa này con nước đang đong đưa…

Âm thầm dòng chảy phù sa
Về đồng bằng sông Cửu Long, nhất là miệt An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà sàn hoặc kiểu nhà cất theo kiến trúc người Chăm rất cao ráo. Đó là cách để người ta chống lũ hàng năm. Phía dưới nhà chất đầy củi, lúa, đến khi nước lên, các thứ dự trữ này được đem lên nhà dùng đủ 3 tháng lũ. Cứ ngỡ lũ sẽ làm cản trở, thiệt hại cuộc sống người dân nhưng không, năm nào lũ về chậm hoặc nước dâng không đủ cao thì năm ấy bà con mới thấp thỏm lo.

Nước sông từ thượng nguồn đổ về đem theo bao lớp phù sa mỡ màng bồi đắp cho vùng đất này. Dòng chảy ấy cứ đỏ ngầu tưởng như con quái vật hung dữ nhưng hóa ra hiền lành. Khi nước rút, để lại phần đất mịn tươi mới bồi đắp cho cây trái tốt tươi. Người ta lại hăng hái bước vào một vụ mùa mới hứa hẹn thu hoạch rộ. Bao vất vả long đong rồi cũng qua. Đó là cách thiên nhiên tạ lỗi cho vùng đất này mà theo cách nói của người dân nơi đây là: “Ông trời có mắt”. Kiểu sống phụ thuộc vào thiên nhiên, lạc quan và thường không lo nghĩ đúng chất Nam Bộ đã giúp họ “ăn đời ở kiếp” với những dòng chảy phù sa mùa nước nổi.

Ở các cánh đồng rộng, người ta thường đào những vuông to nhỏ khác nhau gọi là đìa. Khi đến mùa, nước ngập tràn bờ; đến khi rút, cá lại mắc kẹt ở các vũng ấy, tha hồ mà bắt. Phần lớn là cá lóc, cá trê, cá mè, chúng chọn nơi làm tổ, có con to bằng cả bắp chân. Thứ này làm khô hay mắm thì có mà nức lòng! Chẳng thế mà ai có một lần về miền Tây cũng ráng mua cho được mớ khô, mắm về làm quà.

Dập dềnh những chuyến giăng câu
Vào mùa tựu trường, trẻ con thường phải đi học bằng xuồng. Sáng sáng "cắp nách" tới lớp, trưa về lại đi giăng câu. Giăng câu mùa này thì thích thật, chỉ cần bơi vòng vòng, cắm vài chiếc cần lúc quay lại đã thấy cá giật mồi; không thì thả lưới, quăng chài. Cách quăng chài của người dân bản xứ cũng thật điệu nghệ. Chẳng thế mà đã có không ít các nhiếp ảnh gia bắt gặp đúng khoảnh khắc ấy vào một buổi tinh mơ hay ráng chiều nào đó phải cố chụp lại cho bằng được. Đẹp mê hồn, dân dã mà khỏe khoắn!

Mùa này vùng không cấy lúa mà sống bằng nghề bắt cá. Người có điều kiện thì sắm nhiều ghe xuồng, kẻ ít vốn thì mua vài chiếc đó (*), mấy thước lưới cũng đủ kiếm ăn qua ngày. Mấy tháng nước nổi, nhà nhà tranh thủ bắt cá làm khô, ướp mắm để đến tận Tết, phần bán, phần giành trong nhà ăn dần cho khỏi tốn kém tiền chợ búa.

Trẻ con thì thích nhất lúc này, suốt ngày rong ruổi trên ghe theo ba mẹ giăng câu, thả lưới. Chẳng thế mà trong kí ức tuổi thơ của những đứa con miền Tây, luôn có hình ảnh của những tháng ngày lênh đênh sông nước.

Của trời tinh túy
Vào đầu mùa nước nổi, người ta đã thấy xuất hiện cá linh non. Cá theo thượng nguồn trôi theo dòng nước để lớn dần. Khi mùa lũ từ nguồn nước Biển Hồ (Campuchia) đổ về Hồng Ngự (Đồng Tháp) để ra các nhánh kênh, sông miền Tây (khoảng tháng 9, 10 âm lịch) thì cá linh đã “già”, mập béo, nhiều thịt. Mấy ai mà không biết đến thứ đặc sản này: cá linh kho, cá linh kẹp vỉ nướng than, cá linh làm mắm, nhất là canh chua cá linh thì ngon đến “mát trời ông địa”.

Hiếm có loại cá nào như cá linh: vảy sáng long lanh, tuy nhiều xương nhưng béo ngầy ngậy, ăn ngon ghiền! Cũng chẳng biết sao “Cá không thờ sao gọi cá linh” nhưng theo giai thoại thì thời vua Gia Long bôn tẩu, từ Vàm Nao (An Giang) sắp khởi hành ra biển thì bất ngờ có đàn cá nhỏ nhảy vào thuyền. Vua không đi vì cho đó là điềm gở báo trước. Sau biết được có quân Tây Sơn mai phục sẵn, vua bèn cho đặt tên loài cá ấy là cá “linh” để tỏ lòng tri ân. Có lẽ vì loài cá này quá đặc biệt nên người ta phải góp thổi truyền thuyết cho nó chăng?

Nhắc đến thứ rau nấu kèm món canh chua cá linh thì không gì qua được bông điên điển và bông so đũa. Bông điên điển thường chỉ có nhiều ở miệt Đồng Tháp Mười. Mùa này, bông vàng hây hẩy trổ đầy các mé sông, đẹp như một thiếu nữ chân quê. Bông điên điển nhỏ như bông đậu, thơm mùi cỏ, vị lạt dễ hòa đồng, nấu kèm với mớ cá linh thì ăn cho… vỡ bụng. Mà cũng lạ, thứ canh chua này phải nấu với trái me tươi có vị chua chan chát thì mới ngon. Riêng so đũa thì phải chọn đúng thứ bông trắng thuần túy, cánh mỏng manh, ngọt nhân nhẫn mới đúng vị.

Một thứ đắt địa ngon nhất vào mùa nước nổi khác là bông súng. Cọng súng mập mạp, có màu xam xám. Lấy tay tước sạch lớp vỏ bên ngoài mới thấy lộ ra cọng súng mướt mịn hồng hồng, tim tím trắng. Bông này phải ăn cùng với nồi lẩu mắm nấu với các thứ cá thì mới ngon.

Chưa xuống miền Tây đã phải phát thèm vì những món dân dã có một không hai của vùng đất trù phú này, đặc biệt là vào mùa nước nổi. Lúc ấy dường như mọi thứ đã hội đủ tinh hoa đất trời chỉ chờ mẩy nở…
(*) Đó: Dụng cụ đan thường bằng tre, nứa, hình ống, có hom, dùng để đón bắt cá, tôm, tép.

Chúng ta có thể bắt gặp những lễ hội văn hóa đặc trưng của người dân trong mùa nước nổi ở các tỉnh giáp biên giới Camphuchia, nổi bật là Đồng Tháp và An Giang. Trong màn đêm yên ả, những nghệ sĩ chầm chậm chèo xuồng lần lượt tái hiện những câu vọng cổ kể về cuộc sống mưu sinh trên đồng nước, những điệu hò đưa duyên của trai gái vùng nước nổi,…

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading