Gia vị được chế biến từ thuốc phiện ở nhà hàng

Thứ Bảy, 23/01/2016 10:18

2,472 xem

0 Bình luận

(0)

4680

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Trung Quốc cho biết họ đã phát hiện việc dùng thuốc phiện để làm gia vị tại 35 nhà hàng trên khắp cả nước từ chuỗi lẩu nổi tiếng ở Bắc Kinh đến các tiệm bánh bao ở Thượng Hải, các nhà hàng mì ở Trùng Khánh.

35 nhà hàng nằm khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc, từ chuỗi lẩu nổi tiếng ở Bắc Kinh, nhà hàng mì ở TP Trùng Khánh cho đến các tiệm bánh bao ở TP Thượng Hải, bị phát hiện dùng cây anh túc (cây thuốc phiện) làm gia vị cho các món ăn.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc (CFDA) cho biết chủ của 25 nhà hàng đã được chuyển cho cơ quan công an xử lý hình sự, chủ 10 nhà hàng còn lại đang trong quá trình điều tra. Trong số này có những nhà hàng nổi tiếng như Hồ Đại ở Bắc Kinh với món đặc sản tôm hùm cay. Chủ nhà hàng này xác nhận đang bị điều tra nhưng thề thốt rằng không biết các gia vị sử dụng có chứa ma túy.

Tân Hoa Xã cho biết bột hoa anh túc nghiền nhỏ chứa thuốc phiện có thể dễ dàng mua tại các chợ ở phía Tây Trung Quốc với giá khoảng 60 USD/kg. Các chất này thường được trộn lẫn với nước chấm nên khó phát hiện, trừ khi được đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích. Theo truyền thông Trung Quốc, nguồn cung chưa được xác định chính xác song miền Tây Trung Quốc tiếp giáp với Tam Giác Vàng nên có khả năng nó đến từ khu vực trên.

Hành vi dùng cây thuốc phiện làm gia vị là vi phạm Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, có thể bị xử lý hình sự hoặc phạt hành chính. Tuy nhiên, các đầu bếp trong một số nhà hàng Trung Quốc vẫn chuộng sử dụng bột cây thuốc phiện cho vào các món xúp, nước dùng và hải sản để tăng mùi vị.

Ông La Vân Ba, chuyên gia an toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc Trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết cây thuốc phiện chứa morphine và codeine; nếu dùng làm thuốc phải được theo dõi chặt chẽ vì gây nghiện và gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe một khi lạm dụng.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ bê bối như trên ở Trung Quốc. Theo tờ Dương Thành Buối Tối, trong đợt thanh tra 70 nhà hàng vào cuối năm 2015, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm TP Quảng Châu phát hiện 2 nhà hàng cho thuốc phiện vào thức ăn. Do chỉ sử dụng một lượng nhỏ nên 2 nhà hàng chỉ bị phạt 50.000 nhân dân tệ.

Trong khi đó, vào tháng 8-2015, khi lấy mẫu nước tiểu những người đã đi cai nghiện để xét nghiệm xem có bị tái nghiện hay không, cảnh sát TP Vũ Hán phát hiện một người đàn ông họ Quách dương tính với chất ma túy. Thế nhưng, ông này một mực kêu oan. Sau khi điều tra, cảnh sát hiểu được cớ sự, đó là do một ông chủ tiệm mì dùng vỏ cây thuốc phiện chế biến nhằm tăng mùi thơm và "hại lây" khách hàng.

TP Thượng Hải cũng chứng kiến một loạt vụ việc tương tự. Hồi tháng 5-2015, một chủ nhà hàng bị kết án 10 tháng tù vì cho thêm morphine vào xúp để tăng hương vị. Trong khi đó, theo trang paper.cn, một người đàn ông họ Khâu bị bắt hồi tháng 7-2014 vì mua cây thuốc phiện để thêm vào các món ăn chế biến từ tôm cua trong chuỗi nhà hàng của mình. Chưa hết, vào năm 2010, 3 nhà hàng lẩu bị đóng cửa vì bỏ thuốc phiện vào đồ ăn.

Bất chấp chính quyền Bắc Kinh liên tục cam kết cải thiện khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng trong nước vẫn đối mặt không ít vụ bê bối chấn động, từ sữa bột trẻ em nhiễm độc cho đến thịt, trái cây làm giả. Không những thế, theo hãng tin AP, thực phẩm bẩn Trung Quốc còn vượt ra ngoài biên giới sau khi một công ty ở Thượng Hải bị phát hiện cung cấp thịt gà quá đát, không bảo đảm vệ sinh cho các đối tác nước ngoài - bao gồm KFC, Starbucks và MacDonald’s… - vào năm 2014.

Danh mục bài viết Sự kiện ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading