Diện mạo văn hóa Phở

Thứ Năm, 14/10/2010 08:00

1,397 xem

0 Bình luận

(0)

2481

Ngay lúc ra đời, phở lập tức được Tản Đà (Đánh bạc), rồi Nguyễn Công Hoan (Nhớ và ghi về Hà nội) đưa vào tác phẩm. 

Phở gà

Thời đầu thế kỷ 20, phở bước vào tiểu thuyết Việt  với tác phẩm “Anh hàng phở lấy vợ cô đầu”. Khoảng 30 năm sau, đời sống văn hoá phở được thi vị hóa bằng bài “Phú phở” của thi sĩ lừng danh thế kỷ 20 - Tú Mỡ. Chỉ trong 39 câu, Tú Mỡ đã tài tình khắc họa chân dung trung thực cùng toàn bộ tinh hoa về phở,  để rồi ông đưa ra câu kết luận khiến ai chưa ăn phở bỗng thấy “nhột”, lập tức phải xem lại:

…Sống trên đời, phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay, ắt phải cúng kèm
Ai ơi nếm thử kẻo thèm!

(Tú Mỡ 1937)

Rồi phở đoàng hoàng bước lên văn đàn Việt qua hàng loạt ký  sự, tuỳ bút để đời về phở của hầu hết các cây bút lừng danh thế kỷ 20: “Phở  bò, món quà căn bản”; “Phở Gà” của Vũ Bằng (trước 1939); “Phở” của Nguyễn Tuân (1957) ; “Hàng quà rong; Phụ thêm vào phở” của Thạch Lam; “ Những bước thăng trầm của phở” của Lý Khắc Cung; “ Phở” của Tô Hoài; “Trăm năm chuyện Thăng Long Hà nội” của Siêu Hải … Phở trở thành một đề tài đầy ma lực, cám dỗ, có sức hút linh diệu như chính hương vị của nó với giới văn nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Phở bò tái

Hào quang của phở Việt còn thu hút các nhà làm phim Hàn Quốc và hãng phim VIFA khai thác dựng bộ phim truyền hình dài tập “Mùi ngò gai”. Xoay quanh phở, biết bao cảnh đời éo le cùng các số phận trớ trêu làm say mê hàng triệu khán giả truyền hình suốt mấy tháng trời.

Chính phở là món ăn được chọn làm đại diện ẩm thực Việt tham dự hội chợ Mạc-xây tại Pháp (từ cuối thập niên 20 thế kỷ trước) nhằm giới thiệu và vinh danh cho toàn xứ Đông Dương. Rồi phở trở thành chủ đề “Cuộc thi bàn tay vàng nấu phở” trong dịp lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long ở Hà Nội.

Ở Sài Gòn trong những năm gần đây,  Tiến sĩ Nguyễn Nhã tâm huyết với phở qua làn điệu ca trù khoan nhặt, huyền ảo “ Mười thương món phở”. Như những đệ tử sành phở chân truyền, ông chỉ tâm huyết với loại phở truyền thống :

“Dĩ nhiên phải phở quốc truyền/ Giữ được cốt cách tự nhiên ban đầu”

Phở đi vào họa phẩm của giới nghệ sĩ tạo hình, lay động tâm hồn họ một cách tự nhiên khiến họ cầm bút mà đỉnh cao chính là bức tranh “Phở gánh” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cây đại thụ làng mỹ thuật Việt Nam cận đại.

Văn học truyền khẩu còn nhân cách hóa phở thành cô “bồ nhí nhõng nhẽo” trong mắt nhân gian. Cũng có lẽ bởi phở kề cận với đời sống Việt mọi lúc mọi nơi, chỉ đứng sau cơm theo đúng cả  “nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Chả thế mà bảng hiệu “cơm – phở” nhan nhản khắp đó đây trên mọi nẻo đường. Giới mày râu thường hay ví von: Cơm như “bà vợ” hiền hậu, trung thành tận tụy,  còn Phở là “cô bồ trẻ” õng ẹo,  luôn mới lạ và đầy hương vị hấp dẫn. Chẳng biết câu ngạn ngữ : “Thuỷ chung với cơm, sắt son cùng phở” hay “Sáng chở Cơm đi ăn phở, tối chở Phở đi ăn cơm" thật đời thường đã ra đời tự bao giờ?

Để cho đầy đủ các gam màu về bức “chân dung phở”,  hy vọng rồi đây sẽ có một nhạc sĩ tài hoa cảm nhận và thăng hoa để cho ra đời một ca khúc mượt mà về phở, âu cũng là nét chấm phá cuối cùng hoàn thiện diện mạo văn hóa phở cho đủ cả: Cầm-Kỳ-Thi-Họa, kịch nghệ, phim ảnh.

T.Q.Dũng

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading