Rượu Và Đột Quỵ

Thứ Tư, 17/12/2008 02:30

1,709 xem

0 Bình luận

(0)

1164

Sự liên quan giữa rượu và bệnh tim mạch có nhiều ý kiến trái ngược nhau đã được các nhà lâm sàng học đặc biệt chú ý. Nhiều người đã sử dụng rượu một cách thích thú, an toàn trong nhiều năm, và rượu chiếm một vị trí quan trọng trong nhiều nghi thức muôn thuở và tôn giáo.

Người ta thấy, việc sử dụng rượu ở mức trung bình có thể cải thiện sức khỏe một cách thật sự. Tuy nhiên, một phần những người nghiện rượu nặng cấp hay mạn tính gặp phải những biến chứng nặng do lạm dụng rượu như: Tăng huyết áp ác tính, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Vậy, sự liên quan giữa rượu và bệnh lý tim mạch như thế nào? Hằng ngày cần uống rượu với một liều lượng như thế nào có lợi cho sức khỏe là câu hỏi cần phải đặt ra cho mỗi chúng ta?

Rượu và đột quỵ

Rượu làm gia tăng hoặc giảm nguy cơ đột quỵ phụ thuộc vào mức độ uống rượu và thể đột quỵ. Phân tích 19 công trình nghiên cứu kiểm chứng và 16 nghiên cứu cắt ngang đã xác định:

* Nghiện rượu nặng sử dụng nhiều hơn 60g/ngày tăng nguy cơ đột quỵ.
* Sử dụng mức độ trung bình 12-24g/ngày giảm nguy cơ đột quỵ.
* Sử dụng rượu ít hơn 12g/ngày thì nguy cơ đột quỵ thấp nhất, và giảm nguy cơ nhồi máu não.


Cũng có xu hướng dẫn đến giảm nguy cơ xuất huyết não khi sử dụng lượng rượu ít. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn chưa thống nhất, song có thể có liên quan tuyến tính giữa dung nạp rượu và xuất huyết não. Nghiên cứu sức khỏe dinh dưỡng xác định rằng sự cai rượu đã giảm hơn một nửa nguy cơ của xuất huyết dưới màng nhện.

Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận sự tương quan giữa sử dụng rượu và nguy cơ đột quỵ: Sử dụng rượu mức độ trung bình làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch được xác định bằng chụp mạch. Tổng số người say cấp do rượu có thể gây ra đột quỵ lấp mạch có nguồn gốc từ tim hoặc các động mạch lớn.

Rượu và tăng huyết áp

Nhiều nam giới bị tăng huyết áp sẽ giảm được nguy cơ bị bệnh tim bằng cách uống 1 hoặc 2 cốc rượu nhỏ mỗi ngày. Qua khảo sát 11.711 nam giới cho thấy những người uống 1-2 cốc bia, rượu hay vài chén rượu nhỏ đều giảm nguy cơ bị bệnh tim, thậm chí còn giảm cả huyết áp. Trong khi đó, những người uống ít hơn 1 cốc mỗi ngày không giảm được nguy cơ bị bệnh tim hơn những người không uống rượu. Còn uống hơn 3 cốc mỗi ngày sẽ làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch.

Theo nghiên cứu của Joline Beulens, Trường y tế công cộng tại Đại học Harvard cho rằng: Uống nhiều rượu chắc chắn sẽ làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ông cho thấy không nhất thiết phải bỏ hẳn rượu mà có thể uống trong giới hạn cho phép. Cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: Những người uống các loại rượu có độ cồn cao, rượu nặng sẽ có biến chứng tăng huyết áp nhiều hơn so với những người uống các loại rượu có độ cồn thấp.

Rượu và bệnh mạch vành

Tác dụng bảo vệ tim mạch khi uống rượu vừa phải đã được biết đến từ lâu. Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa những người uống rượu bị bệnh mạch vành. Uống rượu vừa phải thì tỷ lệ bệnh mạch vành sẽ giảm, còn nếu uống nhiều rượu quá thì nguy cơ bệnh mạch vành sẽ gia tăng.

Theo một nghiên cứu mới được công bố ở Mỹ thì ngoài việc ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn và có một lối sống khoa học, uống rượu vừa phải có thể giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim, ít nhất là ở nam giới. Nghiên cứu theo dõi trên 9.000 nam giới khỏe mạnh cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm mạnh ở nhóm uống rượu vừa phải từ 5g đến dưới 30g/ngày, nhất là nhóm uống từ 15-29,9g/ngày. "10g rượu tương đương với 330ml bia hoặc 100ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh".

Rượu và rối loạn nhịp tim

Những người nghiện rượu nặng, sau những đợt uống nhiều rượu, có thể bị rối loạn nhịp tim, đặc biệt là ngoại tâm thu nhĩ. Người ta thường gọi hội chứng "ngày nghỉ", nhằm để chỉ những rối loạn nhịp tim ở những người có trái tim bình thường sau những đợt uống nhiều rượu trong những ngày nghỉ lễ hoặc hội hè. Ở những người dưới 65 tuổi uống nhiều rượu sẽ là một nguyên nhân chính, chiếm đến 63% các trường hợp rối loạn nhịp tim thể rung nhĩ.

Rượu và suy tim

Rượu có thể gây suy tim, cũng có thể liên hệ di truyền. Uống rượu nhiều sau 5 năm có thể làm tim phì đại, nhất là phì đại tâm thất trái dẫn đến suy tim. Một nguyên nhân nữa thúc đẩy quá trình này là do trong khẩu phần ăn của những người nghiện rượu thường thiếu vitamin B1, và sự thiếu hụt này là nguyên nhân dẫn đến suy tim.

Rượu và bệnh mạch máu ngoại vi

Với các mạch máu ngoại vi như: động mạch đùi, cánh tay... thì rượu sẽ làm giảm bớt nhiều khả năng mắc bệnh nếu uống một lượng vừa phải. Một nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ người uống rượu một lượng vừa phải mỗi ngày thì khả năng bị bệnh động mạch ngoại biên giảm hơn so với người không uống hay chỉ uống dưới 1 lần trong một tuần.

Rượu và sự sảng khoái

Những người uống rượu với mức độ vừa phải (15-29,9g/ngày) thì sẽ giảm 40-70% nguy cơ mắc bệnh động mạch vành so với những người không uống hoặc uống quá nhiều rượu. Một nghiên cứu khác cho thấy, ở người lớn tuổi nếu uống rượu điều độ, nhất là với các loại rượu vang đỏ thì ít có khả năng bị bệnh Parkinson và thoái hóa não (bệnh Alhzeimer). Ở những người bình thường, nam giới có thể uống dưới 3 cốc rượu/ngày và dưới 2 cốc rượu/ngày với nữ giới. Thực tế ít người có thể tự chủ dừng lại ở mức độ cho phép và rượu cũng là nguyên nhân gây ra bao thảm cảnh cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cho cả xã hội. Làm thế nào có thể dung hòa được giữa sức khỏe và sự sảng khoái, đó là bài toán nan giải, vì thật sự tồn tại của mỗi con người khó thể tách rời hai phạm trù nói trên.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng (Theo SK&ĐS)

Danh mục bài viết Đồ uống & Sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading