Lẩu Kem

Thứ Năm, 09/09/2010 02:31

11,036 xem

0 Bình luận

(0)

1931

Ở Hà Nội gần đây, mặt hàng kem không chỉ còn là hỗn hợp của đường, sữa, bột, bày bán trong những tủ kem bình dân nơi góc phố mà còn là món ăn được chế biến rất công phu, sáng tạo với đầy đủ hương vị, màu sắc tại các nhà hàng, quán café sang trọng.

Và trong số đó có những món kem vẫn bán rất chạy không chỉ vào những ngày hè nóng nực mà cả trong tiết thu mát mẻ hay mùa đông lạnh giá, như lẩu kem, pizza và buffe kem.

Nhắc đến lẩu, người ta nghĩ ngay đến cảnh cả nhóm bạn hay gia đình quây quần quanh một nồi “tả pí lù” nghi ngút khói với đủ loại rau, thịt, tôm, cá, mồ hôi tuốt ra trên trán… Nhưng ít ai biết rằng ở Hà thành đã có một loại lẩu cũng bốc khói nghi ngút nhưng ăn vào mát lạnh, với "món nhúng" là những viên kem ngọt ngào, đầy màu sắc.

 

Lẩu kem xuất hiện tại Hà Nội chưa lâu nhưng đã rất "ăn" khách.

Lẩu kem xuất hiện từ tháng 11 năm ngoái tại Hà Nội và bắt đầu được nhiều người biết đến vào mùa hè nóng nực năm nay. Theo chị Nguyễn Thanh Hằng, một trong những quản lý của nhà hàng Bud Café trên phố Phan Chu Trinh (Hà Nội), Bud Café là điểm đầu tiên bán lẩu kem tại Hà thành. Trước đó, chuỗi cửa hàng Bud Café tại TP HCM đã kinh doanh mặt hàng này và khá hút khách.
Chị Hằng cho biết, loại kem dành cho món lẩu này là kem thành phẩm nhập khẩu 100% từ Mỹ, từ thương hiệu Bud's Ice Cream of San Francisco, một thương hiệu kem cao cấp của nước này. Theo bình chọn của tạp chí Time thì đây là "một trong những loại kem ngon nhất thế giới".
Năm 2007, một công ty của Việt Nam là Công ty CP thực phẩm Bắc Mỹ đã trở thành đơn vị sở hữu độc quyền thương hiệu này tại Việt Nam, thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Và từ đó, chuỗi nhà hàng kem Bud ra đời, là nơi duy nhất bán kem Mỹ nhập khẩu 100% tại Việt Nam, nhưng mãi đến năm ngoái mới xuất hiện món lẩu kem.

Cách bày trí lẩu kem cũng hệt như lẩu thông thường, ở giữa có chiếc nồi đựng nước dùng, được bắc trên một chiếc bếp thắp lửa bằng cồn khô hoặc nến. Nước dùng, hay còn gọi là nước sốt, gồm hai loại là socola và dâu tây. Xung quanh nồi nước dùng là các khay đựng “đồ nhúng” như các loại kem, hoa quả, dâu tươi, bánh quế đầy màu sắc. Ngoài ra còn có những bát đựng “gia vị” nhỏ để nêm thêm cho nước dùng, là các chén nho khô, đậu phộng giã, dừa nạo hay vụn chocolate…

 

Bích Vân, sinh viên ĐH Ngoại thương, một thực khách đang thưởng thức món lẩu kem cùng với bạn bè tại Bud Café trên phố Phan Chu Trinh cho hay: “Điều làm em thích nhất khi đi ăn lẩu kem là nồi nước dùng cũng sôi sùng sục như nồi lẩu thông thường, khi nhúng kem vào ăn thì cảm giác đầu tiên là nóng hổi, phải thổi xì xụp một lúc, sau đó lại mát lạnh, ngọt lịm.
Cùng ăn một nồi lẩu mà người kêu “nóng quá”, người xuýt xoa “lạnh quá”. Bên cạnh đó, một đặc thù nữa của nước sốt khi nguội là nếu rưới lên kem nó sẽ đông đặc lại ngay, vì thế chúng em có thể trang trí nhiều hình thù dễ thương cho món kem để tặng nhau hoặc chụp ảnh kỷ niệm, rất vui”.

Chị Thanh Hằng nhớ lại, Noel năm ngoái, món lẩu kem mới chỉ ra mắt tại Hà Nội được hơn một tháng, tiết trời lại lạnh, nhà hàng cứ nghĩ khách sẽ không đông. “Thế mà sau đó khách ngồi kín cả hai tầng, nhà hàng còn phải kê thêm ghế nhựa ngoài hành lang cho khách”.

Ngoài món lẩu kem, pizza và buffe kem cũng là món được khá nhiều người thích thú, đôi khi họ còn dùng thay bữa chính. Anh Trịnh Minh Thinh, quản lý nhà hàng Ice Cream ở phố Núi Trúc, cho biết, ăn buffe kem cũng như các loại buffe mặn khác, với một suất ăn khách hàng có thể thoải mái chọn các món kem mình thích và ăn bao nhiêu cũng được.
Ở nhà hàng có khoảng gần 60 món kem các loại, từ kem hoa quả, kem sữa chua, kem tươi chua đến kem cay với ớt hay gừng, quế, kem mặn (kem caramen – muối ăn)… Với những vị kem này, khách hàng có thể tự pha chế cho mình những món riêng yêu thích, và những người kén ăn nhất cũng có thể tìm được vị phù hợp cho mình.
Theo anh Thinh, khách tới ăn buffe kem thường không bỏ qua món kem chiên và pizza kem. Kem chiên được làm khá cầu kỳ, kem bọc trong một lớp bánh sandwich gấp lại hình tam giác, sau đó bỏ vào tủ lạnh cho đông đặc. Khi khách cần dùng, miếng sandwich sẽ được tráng sơ lớp bột mịn (hỗn hợp bơ, sữa, trứng gà…) rồi đem chiên trong dầu nóng. Sau khoảng vài phút, khi lớp vỏ vừa chín vàng thì kem được vớt ra ngay.
Lúc này, nhìn qua phía ngoài còn nóng bốc khói nhưng bên trong viên kem vẫn lạnh toát. Còn pizza kem hút khách vì có thể ăn thay món mặn khi phần đế bánh không khác gì pizza Italy nhưng lại được phủ lên một lớp kem tươi và trang trí bằng những viên kem lạnh ngắt, những lát dâu tươi đỏ mọng…
Theo Báo Đất Việt

Danh mục bài viết Root

Đang tải dữ liệu loading