Say cùng rượu dừa Bến Tre

Thứ Bảy, 29/01/2011 02:56

3,102 xem

0 Bình luận

(0)

2237

Góp mặt trong hội làng danh tửu Việt, cùng ba “đệ nhất danh tửu - mỹ tửu”, rượu dừa Bến Tre như một nét duyên thầm con gái. Nhẹ nhàng, ngọt ngào chẳng thể làm ai say, nếu có chăng thì chất men nồng của nó đưa lòng người phiêu phiêu “lửng lơ như giếng giữa trời”…

alt
Nguồn ảnh: tintuconline
Nước Việt Nam ta có nền văn minh lúa nước, nên rượu Việt truyền thống gần như đều được làm ra từ gạo, ngô sắn… Mỗi nơi cho ta một loại rượu, từ hương thơm đến vị ngọt cay, chất men say cùng cảm giác khi uống một hớp rượu hoàn toàn khác nhau không trùng lặp. Những bước chân ham vui thích khám phá và tìm cảm giác lạ của bao khách du lịch phương xa tìm đến một lần rồi bị giữ lại nỗi nhớ để lại tìm về, phải chăng chính là bởi chất men say gắn liền với từng miền đất.

Chấm bút trên bản đồ tranh “tửu Việt”, sẽ chẳng chần chừ định vị Bến Tre, điểm đến của những “lưỡi” sành rượu và “chân” du lịch. Về Bến Tre, sẽ chẳng lạ lẫm và dễ dàng bắt gặp hình ảnh người trai tựa mạn thuyền, tay cầm bầu rượu dừa, thỉnh thoảng nhâm nhi vài ngụm nhỏ, phóng tầm mắt ra xa hút lấy những rừng dừa chạy tít tắp. Sóng nước sông Tiền chở nặng phù sa, thứ phù sa đỏ của đồng bằng sông Cửu Long vỗ ì oạp vào mạn thuyền, hít một hơi thật dài, thật sâu làn gió mát từ xa thổi về mang theo vị tanh tanh của bùn, nghe lan tỏa chất thanh thanh, dìu dìu nơi đầu lưỡi, như một cách trút bỏ mọi ồn ào, tất bật lo toan trong cuộc sống.

alt
Nguồn ảnh: vov news
Để có được bầu rượu dừa bình dị, ngọt ngào, chất phác, hiền hòa như người dân quanh năm gắn bó với mảnh đất của ba dải cù lao cũng phải khá cẩn thận và khéo léo. Trái dừa được chọn phải là dừa già, cơm dày, béo mỡ màng và thơm ngai ngái. Hình dáng bên ngoài của quả cũng quan trọng. Thông thường, những quả có đường kính từ 16cm- 18cm, cân nặng từ 1,2kg đến 1,4kg mới được chọn. Lớp sùi bên ngoài được mài nhẵn cho trơn láng để tạo độ bóng đẹp, ấn tượng như một bình rượu bầu. Nếp cái được chọn là loại căng tròn, hạt mẩy, trộn với men cổ truyền chuyên dùng cho rượu nếp. Sau đó người ta khoét một lỗ nhỏ trên đầu quả dừa, tiêm hỗn hợp nếp cái, men vào theo một tỷ lệ nhất định, hàn kín và ủ từ 15 đến 20 ngày là có thể dùng được.

Rượu có màu trắng ngà, vân vẩn đục với những chấm xác dừa lửng lơ. Rượu có vị mát với hương thơm đặc trưng của trái dừa bản xứ, vừa nồng nàn vừa thanh tao, dịu nhẹ. Điều làm nên sự khác biệt có một không hai của rượu dừa chính là nguồn nước chưng cất thành rượu. Một nguồn nước tinh khiết được thiên nhiên chắt lọc, lắng đọng và ở nơi chỉ có nắng, có gió, có mây... nơi mà thanh tịnh, trong sạch “bỏ quên sự đời” vô thường đầy bụi bặm. Tạo hóa cũng hết sức công bằng khi ban cho thế giới con người là dòng sữa mẹ tinh khiết nuôi lớn những “mầm non” còn thế giới thiên nhiên là dòng nước dừa ngọt mát những đêm trăng rằm, nô đùa đuổi bắt bóng quả dưới sân, im lìm đứng bóng những trưa hè oi ả, xào xạc chở gió ru ngủ một vùng quê.

alt
Nguồn ảnh: quannngon
Trong những ngày se se dùng rượu dừa hâm nóng sẽ tốt và ấm hơn còn những ngày oi nồng, một chút mát lạnh sẽ làm rượu càng thêm ngon. Nói là rượu nhưng không hẳn dành cho nam giới bởi người phụ nữ khi đã mê thì cũng dễ say với rượu dừa. Nồng độ rượu rất nhẹ nhưng cũng đủ làm đôi má người con gái phơn phớt hồng nét duyên thầm không son phấn.

Nếu như “Vân Hương mỹ tửu” có vị ngọt thơm của hương lúa nếp ủ nắng gió miền đất trung du, rượu Bàu đá được ví như “Võ” dùng đãi những vị tướng lĩnh, người có khí chất hào sảng, rượu Phú Lễ ví như “Lãng tử”, dùng đãi bạn tri giao, thì rượu dừa Bến Tre lại đại diện cho những người nông dân bình dị mộc mạc, thấm đượm câu hát ngọt ngào của những thiếu nữ đôi mươi áo bà ba, đội nón trắng chèo xuồng trên những rạch dừa típ tắp, hay bữa tiệc đơn sơ trên mạn thuyền với vài con cá nướng để trên lá chuối lai rai vài cút cho hết buổi tối sau một ngày làm việc vất vả.

alt
Nguồn ảnh: tathy
Những ai đã từng thưởng thức rượu dừa mới đầu sẽ có sự ngần ngại ngay đầu lưỡi vì rượu không hẳn là rượu, cay thâm thúy đó nhưng cũng ngọt ngào ngay đó. Nhưng đã uống rồi thì sẽ cạn hết bình, để rồi say ngà ngà theo cách rất riêng. Say bởi cảm giác ngất ngây trước một sự đam mê, quyến rũ của quê hương. Sự hòa quyện nồng nàn của hương men, hương nếp, hương sữa dừa cho ra một thứ đặc sản uống không biết say không biết chán: “Rượu rót tỉnh say, rượu đầy vơi/ Trần gian ảo ảnh kiếp luân hồi/ Bụi hồng vương vấn tình sương khói/ Cạn chén tương phùng nợ trúc mai…”
 

Danh mục bài viết Du lịch ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading