Chè long nhãn hạt sen

Thứ Bảy, 29/01/2011 03:09

5,020 xem

0 Bình luận

(0)

4124

Mùa hè vừa có sen tươi vừa có nhãn lồng ngọt giòn, mọng nước, dày cùi, thơm lừng. Sự kết hợp tự nhiên hay hữu ý mà sen và nhãn lồng, hai thứ đặc sản cao quý lại “kết duyên” với nhau trong bát chè long nhãn hạt sen, tạo nên thứ hương vị mê đắm lòng người.

alt
Nguồn ảnh: vntravellive.com

Chè long nhãn hạt sen có thể nói là món ăn thể hiện nét duyên thầm của trời đất. Tháng 7 âm lịch, những rặng nhãn lồng mới vào vụ chín rộ. Nhãn Hưng Yên kén đất, kén người sành ăn nên chắt chiu được vị ngọt của đất và trời. Người ta đua nhau mua nhãn về để thưởng thức thứ hương vị hiếm hoi mỗi năm chỉ có một lần. Chưa hết, cùi nhãn còn được lấy ra, phơi khô làm long nhãn để nấu chè.

Nhãn lồng được sánh đôi với hoa sen tựa như câu nói: "Vương giả chi quả", "Vương hậu chi hoa" không còn gì hợp lẽ hơn. Hai tạo vật của đất trời ấy lại luôn chọn khoảnh khắc giao thời để tỏa hương, tỏa sắc. Khi nhãn lồng ngọt ngào, thấm vào lòng người bởi hương vị đồng quê đằm thắm ẩn trong lớp cùi trắng trong, ngào ngạt thì sen cũng được tôn lên hàng tứ quý của loài hoa thanh tao, cao quý.

Có những món chè phổ biến quanh năm ngày tháng, như đỗ đen, đỗ xanh, nhưng có những món chỉ xuất hiện vào một thời điểm. Chè long nhãn hạt sen phải chọn ngày nực nhất của mùa hè mới ban phát cho con người món ăn thơm mát, ngọt lành. Những bà nội trợ khéo léo chiều lòng cả gia đình bằng thứ chè long nhãn tuyệt diệu. Món chè này nấu toàn bằng thứ tươi ngon đúng mùa nên cả năm mới có dịp này là được thưởng thức. Cũng chính vì thế mà mùa hè qua đi, nỗi nhớ về món chè thơm mát này lại càng dai dẳng.

alt
Nguồn ảnh: dinhduong.com

Người Hà Nội xưa thì thường nấu chè sen với long nhãn, tức là nhãn khô. Sen nấu vừa chín, bắc ra, thả một vài nắm long nhãn vào. Long nhãn nở bung trong nước nóng, rất thơm, ăn ngọt ngọt, dai dai rất thú vị.

Tuy nhiên, ăn nhãn tươi có cái thú riêng, cùi nhãn dày, giòn, mát và sen thì rất bùi, giữ được vị chân chất, thoang thoảng của sen và nhãn mới vào mùa. Sen tươi mua về, luộc qua cho khỏi chát, khi chín, bắc ra để nguội. Nhãn cùi tách thật khéo, làm sao lấy được hạt ra mà phía đầu quả không bị nát, nhét thay vào đó là một hạt sen. Nước sen cho thêm đường, đun sôi lại và để nguội. Khi nước đã nguội hẳn cho nhãn bao sen vào, cất vào tủ lạnh.

Cách nấu chè rất đơn giản nhưng khâu chuẩn bị thật công phu. Chén chè chỉ vậy thôi mà dường như tất cả tinh túy được lắng lại trong hương vị ngọt ngào, nhãn và sen cứ quyện lấy nhau, ôm lấy nhau trong thứ nước màu trắng trong. Vị ngọt thanh của quả quí, vị bùi ngan ngát của hương sen cứ mãi vấn vương nơi đầu lưỡi chẳng muốn rời. Chè long nhãn cứ ý nhị, thấm dần vào lòng người Hà Nội.

Đây là một trong những món ăn mà xưa kia được lựa chọn để dâng lên vua chúa mỗi khi hè về. Và ngày nay, món ăn này đã được phục vụ rộng rãi cho tất cả những ai yêu món chè tinh tuý của đất Hà thành. Sự tinh túy thể hiện từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến cách tách long nhãn, tỉ mẩn, khéo léo bằng một con dao nhọn sao cho cùi nhãn không bị rách, bị nát. Như thế nó mới có thể ôm trọn lấy hạt sen, để hạt sen nằm e ấp trong cùi nhãn, quện hương vào nhau. Nước chè được nấu riêng thêm đường và một chút hoa nhài, hoa bưởi nhẹ nhàng và thanh cảnh.

alt
Nguồn ảnh: meraven.wordpress.com

Khi thưởng thức, những quả long nhãn bọc hạt sen sẽ được sắp xếp ngay ngắn trong bát. Khi ăn mới rót nước chè vào. Đắm mình trong vị chè Hà thành, bao mệt mỏi bỗng dưng tan biến. Qua lớp nước trong, ta nhìn rõ được hạt sen, cùi nhãn và điểm xuyết mấy cái hoa nhài, hoa bưởi trôi lập lờ đẹp tựa như bức tranh đa màu, hài hòa, mang lại cho ta cảm giác như được trở về chốn thiên nhiên thanh bình.

Danh mục bài viết Du lịch ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading