Bánh răng bừa

Thứ Tư, 16/02/2011 02:12

1,721 xem

0 Bình luận

(0)

2318

Văn Giang - Phụng Công còn có một đặc sản tiêu biểu, một món quà quê mà ai thử qua cũng phải tấm tắc khen đó là bánh tẻ.

Từ Hà Nội xuôi dọc theo đê sông Hồng khoảng 15 km, qua làng Bát Tràng ta đến với thị trấn Văn Giang của tỉnh Hưng Yên-Vùng đất của phủ Khoái Châu xưa.

Trước khi lên thị trấn Văn Giang, các cụm làng ở đây thuộc xã Phụng Công cuộc sống nay đã đổi thay. Cái tên Văn Giang gắn liền với vùng trồng quất cảnh nổi tiếng cung cấp cho Hà Nội mỗi dịp tết, còn xã Phụng Công với cây hoa trà đã trở thành một trong những cái nôi trồng cây Bonsai của miền Bắc.

Văn Giang - Phụng Công còn có một đặc sản tiêu biểu, một món quà quê mà ai thử qua cũng phải tấm tắc khen đó là bánh tẻ. Bánh tẻ hay còn gọi là bánh răng bừa, được làm từ gạo tám. Gạo làm bánh được chọn rất kỹ lưỡng. Chọn được gạo rồi người ta mới đem xay, phải xay bột nước mới nhuyễn và dẻo.

Sau đó đem bột cho vào nồi quấy chín 50% rồi lại cho vào máy đánh nhuyễn thêm cho mẻ bột vừa sánh, vừa dẻo lại dai tấm bánh. Khâu làm bột này quyết định chất lượng bánh có ngon hay không nên nó là cả một tâm huyết và cũng là bí truyền của nghề làm bánh tẻ Văn Giang.

Bánh tẻ Văn Giang được gói bằng lá dong, chọn loại lá nhỏ, rửa sạch phơi ráo nước, gói xong cái bánh chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay, trông bé bé mà lại xinh xắn. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn, loại nạc vai, băm với mộc nhĩ, hành.

Bánh gói xong rồi là bánh sống, muốn ăn phải nấu chín bằng cách đồ giống như đồ xôi hoặc luộc chín. Vì cái bánh nhỏ và dài giống như cái răng bừa nên dân gian gọi là bánh răng bừa để phân biệt với bánh tẻ của vùng khác.

Trước đây, khi vùng bãi ven sông Hồng còn trồng nhiều cây đay, cây chuối thì người ta buộc bánh bằng sợi đay hay dây chuối khô tước nhỏ. Nhưng nay buộc bằng dây ny-lon cho nhanh và tiện. Bánh răng bừa Văn Giang khi bóc ra rất ráo, không dính tay, khi ăn có thể chấm với tương ớt, nước mắm ngon hay tương... tùy ý thích và khẩu vị từng người. Một màu xanh mướt của bánh khi ta bóc ra, màu xanh của lá dong như màu mạ non của cánh đồng lúa quê hương hiện ra trước mắt.

Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh, khi ta ăn được vài ba miếng đã hết cái bánh tạo nên cảm giác thèm thuồng lại phải bóc tiếp mà ăn. Có thể ăn no nhưng không chán loại bánh này.

Món quà quê mộc mạc mà đằm sâu tinh túy đất trời... Chỉ một lần thưởng thức chắc sẽ nhớ mãi.

Danh mục bài viết Miền Bắc

Đang tải dữ liệu loading