Nhãn lồng

Thứ Tư, 16/02/2011 02:12

1,078 xem

0 Bình luận

(0)

4828

Hỡi cô tát nước bên sông

Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây

Câu hát dân gian ấy vừa như tả thực mà cũng như tả tình. Thật tài tình và tinh tế khi dùng chữ “lồng” vừa để chỉ một hành động vừa để chỉ một loại quả đặc sản của đất Hưng Yên: Nhãn lồng.

Tương truyền, không biết từ bao giờ, một cây nhãn mọc ngay trước cửa chùa Hiến. Ăn thử thấy ngọt, mát lại thơm nồng, khác hẳn các giống nhãn khác, nên người ta cho rằng đây là quà tặng của thần Phật. Chính vì vậy, trước đây quả của cây nhãn này chỉ được phép hái để dâng Đức Phật, cúng Thành hoàng và để tiến vua chúa. Sau này, nhận thấy đây là một sản vật có giá trị kinh tế, người Hưng Yên mới nhân giống, trồng ở nhiều nơi trong tỉnh. Thiên nhiên đã không phụ công người, những gốc nhãn được nhân giống từ cây nhãn tổ ấy khi đơm hoa kết trái cho quả ngon ngọt lạ thường và chỉ có nhãn Phố Hiến mới được coi là vua của loài nhãn. Nhà bác học Lê Quý Đôn mô tả về nhãn lồng Hưng Yên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho...”.

Ngày nay, nhãn được trồng nhiều ở ven đê từ Đằng Châu, Xích Đằng đến cửa sông Luộc. Được mùa nhãn cả tỉnh ước thu từ 150 đến 200 tỷ đồng. Hiện nay vùng thị xã Hưng Yên và vùng phụ cận có nhiều gia đình lập trang trại trồng nhãn, dưới vườn người ta nuôi ong mật. Mật ong lấy được từ hoa nhãn cũng là loại thuốc quý và là một sản vật rất ngon và bổ.

Thiên nhiên đã ưu dãi nên nơi đây đã trở thành một vùng đất bạt ngàn nhãn và ong mật. Khách về Hưng Yên thường đến thăm cây nhãn Tổ trước cổng chùa Hiến, một di tích lịch sử với kiến trúc đặc trưng thời Trần. Và đến nay, chùa Hiến, nhãn lồng được xem như là biểu tượng của đất Hưng Yên.

Danh mục bài viết Miền Bắc

Đang tải dữ liệu loading