Vân hương mĩ tửu

Thứ Ba, 21/06/2011 11:22

2,233 xem

0 Bình luận

(0)

2441

Như cuốn dư địa chí Bắc Giang ghi lại, vào năm Chính Hòa thứ 24(1703) thành hoàng của làng Vân được vua Lê phong là thượng đẳng thần. Một đoàn bô lão làng Vân về kinh đô rước sắc đã đem theo 3 bình rượu quý tiến vua. Nhà vua cùng triều thần uống thử thấy rượu thơm ngon liền sắc phong ngay danh hiệu “Vân hương mỹ tửu”.

Đây là nghề cổ truyền với bí quyết và kĩ thuật nấu đặc biệt, rượu Vân được coi là rượu ngon nhất đất Bắc. Ngày truớc rượu Vân được nấu bằng nếp cái hoa vàng theo kĩ thuật ủ, cất thủ công. Rượu Vân sở dĩ ngon hơn rượu của các vùng khác là nhờ được cất bằng nguồn nước mạch trời ban cho làng. Nước mạch trong vắt , không có mùi vị pha tạp mà chỉ duy nhất làng Vân mới có. Bởi vậy rượu cất ra có vị thơm của gạo, có vị ngon tinh khiết của nước mạch. Nếp cái hoa vàng là tinh hoa của trời đất, lại được trời phú cho cái hương, cái vị. Trời đem cái mưa xuống để đất lọc lấy mà cho thứ nước múc lên từ giếng làng Vân cùng hòa vào men ủ trong cơm gạo nấu bằng than hay đun bằng rơm rạ. Mùi ruộng đồng, mùi thơm thảo của trời đất và mùi mồ hôi của người kết tụ trong cái hương cái vị ấy là rượu Vân.

Khi rót từ vò vào chén, rượu lăn tăn sủi bọt đều khắp mặt chén, mãi không tan, nhấp mềm đầu môi, vị ngọt ngon đọng mãi ở lưỡi, uống một vài chén say lâng lâng mà không nhức đầu. Chính vì vậy, ngày xưa rượu Vân đã là loại rượu dâng tiến vua. Bởi vậy, người làng có câu “Vân hương ta là làng có tiếng, thủa tiền triều rượu tiến dâng vua, ấy là nghề tổ để cho, làm ăn buôn bán ấm no muôn đời”.

 Thời Pháp thuộc nhà buôn Pháp đã thuê dân làng Vân nấu ruợu. Cửa hàng đó đặt tại làng Vân mỗi ngày xuất đi hàng vạn chai, bán khắp đất nước. Có thời gian chủ hãng đã xuất sang chính quốc với chiếc nhãn in hình ông lão đầu râu bạc trắng, da dẻ hồng hào, cốt cách thần tiên, một tay chống gậy trúc, một tay trỏ vào con số 45 độ cạnh đó là hàng chữ nho “ Vân hương mỹ tỉu” và thứ rượu này được người Pháp đánh giá rất cao. Cái chữ “mỹ” để nói về rượu không chỉ hàm chứa cái đẹp mà còn cả cái sắc, cái hương, cái đạo trong ấy, bởi rượu là tinh hoa của cả trời đất, lại liên quan đến hành vi con người khi chưng cất, khi mua bán, khi tặng cho nhau và cả lễ nghĩa văn hóa khi thưởng rượu.

Sau này vào những năm kháng chiến chống mỹ, với chính sách tiết kiệm lương thực hạn chế nấu rượu, rượu làng Vân không còn đựợc nấu bằng gạo nữa. Tuy nhiên người  dân làng Vân vẫn phát huy kĩ thuật nấu rượu gia truyền, thay thế gạo bằng ngô, khoai lang làm nguyên liệu nấu rượu. Với kinh nghiệm gia truyền trong kĩ thuật ủ men, chưng cất, rượu sắn nước trong hơn hẳn rượu nấu từ khoai lang, ngô, lại không nồng ngái, ít độc tố, uống cũng mềm môi và khó ai có thể nhận ra đó là rượu nấu từ sắn lát khô. Bấy giờ dân quanh vùng nhiều nơi khác cũng bắt chước làng Vân nấu rượu bằng sắn lát khô nhưng bằng tay nghề cổ truyền, cộng với kinh nghịêm bí quyết riêng, rượu Vân vẫn là thứ rượu ngon nhất và người làng Vân có quyền tự hào là nơi nấu rượu sắn đầu tiên.

Ngày nay khi được nhà nước khuyến khích bảo tồn và giữ gìn nghề cổ truyền, rượu làng Vân ngày càng được hòan thiện về công nghệ và nâng cao về chất lượng. Bữa liên hoan, ngày giỗ tết ở nhiều địa phương không thể thiếu chai rượu làng Vân. Đối với những người nghiền thịt chó  “quốc hồn , quốc túy” rượu làng Vân làm cho bữa nhậu thêm vui vẻ, nồng đượm.

Danh mục bài viết Các loại rượu dân tộc

Đang tải dữ liệu loading