Rượu Phú Lễ

Thứ Ba, 21/06/2011 04:18

3,608 xem

0 Bình luận

(0)

3095

Năm 1826, vua Minh Mạng sắc phong và cho thành lập đình Phú Lễ, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phú Lễ từ đó sở hữu hai di sản văn hóa lớn, một là ngôi đình thuộc loại cổ và lớn nhất Nam Bộ với mái ngói rêu phong kỳ bí, hai là thứ rượu nếp Phú Lễ danh bất hư truyền.


Trên vai của những người Việt dũng cảm “một thuở mang gươm đi mở cõi” xuôi vào đất phương Nam, họ không quên mang theo hành trang là thứ men rượu gạo nghìn đời của nền văn minh lúa nước sông Hồng rực rỡ.

Người Việt làm rượu gạo ở khắp nơi họ sinh sống, duy chỉ một vài nơi rượu làm ra ngon hơn hẳn. Có nhiều cách giải thích khác nhau như do khác biệt về nguồn nước hay loại gạo, nhưng chắc chắn một điều, chính lối sống và tâm hồn của cư dân nơi đó đã hun đúc nên một thứ nước cay nồng đậm đà bản sắc của người địa phương.Nếu rượu Làng Vân thanh tao thiên về cánh văn, rượu Bầu Đá nồng nàn của cánh võ, thì rượu Phú Lễ mang nét hào sảng phóng khoáng của người miền Tây Nam Bộ, thích hợp cho chốn thương trường, các buổi họp mặt bạn bè và giao lưu quốc tế.

Mỗi quốc gia có một con sông nổi tiếng chảy qua, có một loại rượu được xem là quốc tửu. Người Hàn Quốc đi xa trở về, lòng bừng lên hạnh phúc khi nhìn thấy lại hình ảnh dòng sông Hàn và được nếm lại vị êm nhẹ của thứ rượu Sochu danh tiếng. Nếu đến Pháp, bạn sẽ được chủ nhà giới thiệu tham quan tháp Eiffel, dạo chơi trên dòng sông Seine và thử thứ rượu vang Bordeaux quý phái. Tuyết trắng và cái lạnh lẽo của mùa đông Phương Bắc trên những cánh rừng taiga, trên dòng sông Volga dường như bị xua tan bởi cái vị thơm nồng của rượu Vodka và tấm lòng của những người Nga đôn hậu. Người Nhật thường đãi khách quốc tế và tạo niềm vui sum họp gia đình trong dịp năm mới bằng lâng lâng vị rượu Sakê của dân tộc mình. Còn hơn một tỷ người Trung Hoa thì rất đỗi tự hào về sự vĩ đại của dòng Dưong Tử, sự vĩ đại của dòng Hoàng Hà và cả sự vĩ đại của dòng rượu Mao Đài trứ danh.

Cũng là một dòng sông nổi tiếng, sông Mekông chảy qua nước Việt là cuộc sống của hơn 18 triệu dân vùng đất chín rồng. Trên vùng đất ấy, trên châu thổ phù sa của con sông ấy, rượu Phú Lễ đã ra đời, tự tin sánh vai với các loại rượu trứ danh khác trên thế giới như một niềm tin, một giấc mơ quốc tửu cho người Việt.

Gần đây Phú Lễ được nhiều người biết đến hơn khi tỉnh Bến Tre đầu tư vào một dự án 77 triệu đồng để phục hồi danh giá của rượu Phú Lễ vốn có tiếng từ thời Tây, lại dần dần lụi tàn chất lượng vào thời lương thực thiếu thốn sau năm 1975. Công trình kéo dài 18 tháng để chuẩn hóa công thức làm hồ men và thời gian kháp rượu. Ông Nguyễn Văn Chí, mọi người quen gọi là Ba Chí, cho biết tới nay, có khoảng 100 hộ nấu rượu, có khả năng sản xuất mỗi ngày 5.000 lít rượu.

Nhiều ý kiến cho rằng rượu Phú Lễ ngon tùy thuộc vào 4 yếu tố:

Một là: men; hai là, nước giếng của vùng này. Bởi vậy khi người con gái lấy chồng sang xứ khác vẫn không nấu được loại rượu giống y như ngày còn ở với mẹ. Ba là, nếp trồng trên chính vùng đất này. Một số nhà kháp thử bằng nếp khác, rượu đã không ngon bằng. Và bốn là, do những cái tỉn ủ cơm để lâu hằng trăm năm, chăng?

Rượu Phú Lễ có thể xếp vào hàng danh đế ngang hàng với làng Vân, Kim Long, Bàu Đá và Gò Đen.

Tổng hợp Ngọc Bích
amthuc365.vn

Danh mục bài viết Các loại rượu dân tộc

Đang tải dữ liệu loading