Tự bạch của một ma men chính hiệu (phần 2)

Thứ Tư, 06/07/2011 03:24

3,853 xem

0 Bình luận

(0)

4904

Chà chà, nếp ơi, rượu nếp ơi, tôi đã một lần nếm thử một chai rượu nếp do Trần Mạnh Hảo đưa từ quê lên, mở chai rượu ra cứ thơm phưng phức một mùi nếp rượu. Lại một lần trong một buổi chiều tôi được say êm say ngọt ở nhà một lão ngư ở xã Giao Hải bởi một thứ rượu đùng đục sanh sánh có phảng phất hương thơm của nếp.

Ở Nam Định tôi thường uống rượu Kim Sơn và rượu Vọc ở xã Vụ Bản huyện Bình Lục nay thuộc tỉnh Hà Nam, nơi ấy có đền thờ thái sư Trần Thủ Độ, đất ấy xưa kia có dinh thự và thuộc ấp của ông, là quê hương của cử nhân Trần Duy Vỹ, thầy dạy của nhà thơ Nguyễn Khuyến, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra cô Tư Hồng, một người “danh tiếng lẫy lừng băm sáu tỉnh” ở buổi đầu của thời kỳ Pháp thuộc. Làng Vọc cũng là nơi có nghề làm đậu phụ, đậu Vọc bán ở tất cả các chợ của Nam Định và có lẽ đó là thứ đậu có tiếng duy nhất mà dân thành phố biết tới.

Ông Gia, một người quê làng Vọc, chuyên làm đậu phụ ở chợ Hàng Ngân. Ai đã từng ăn đậu phụ của ông này rồi thì khó có thể ăn đậu phụ của người khác được nữa, ông kể với tôi rằng hồi Pháp thuộc dân làng ông có nhiều người bị đi tù, có người bị Tây đoan đánh đến rơi cả quai hàm ra, thế mà hễ cứ Tây ra khỏi làng là người ta lại nấu rượu. Ông Gia bảo rằng chỉ có làng ông mới nấu được rượu ngon từ gạo tẻ, còn rượu Kim Sơn, rượu Kim Lao thì phải nấu bằng gạo nếp, cũng theo lời ông Gia, rượu ngon nấu cầu kỳ như ngày xưa giá thành phải đến hai mươi nhăm ngàn đồng một lít. Tôi thường mua rượu Vọc với giá tám ngàn đồng một lít, thế mà cũng thấy đã được lắm rồi.

Người ta bảo rằng rượu sắn uống nhức đầu, không phải vậy tất cả là do men. Rượu sắn từ các hàng quen trong vắt và ngon đáo để, còn như lên chơi ở các vùng dân tộc thì khỏi phải nói. Ở các huyện ven biển như: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng người ta đều có chung một quan niệm rằng đã nấu rượu là phải từ gạo nếp.

Vượt qua sông Ninh Cơ là một vùng đất mới, gợi cho ta nhớ tới đồng bằng sông Cửu Long, với những kênh rạch chằng chịt tưởng như lúc nào cũng đỏ quạch phù sa. Anh Nhưng, Phó phòng Văn thể huyện Xuân Trường dẫn tôi về chơi nhà anh ở xã Xuân Tiến đúng vào kỳ ở đây đang gặt rộ trong khi đó ở các huyện quanh thành phố Nam Định tôi thấy người ta đã gặt vãn. Anh Nhưng bảo: ” Lúa ở đây xanh dài hơn ở các nơi khác”.

Quê ngoại tôi ở Vụ Bản đồng chiêm trũng, hồi bé đi sơ tán ở nhà ông cậu của mẹ tôi, vào mỗi vụ gặt tôi thường thấy ông ngồi tuốt lúa nếp. Lúa tẻ thì ngập ở sân còn lúa nếp thì đem vào trong nhà, mỗi người có một đôi đũa mà tuốt lấy từng bông. Ở nơi chiêm khê mùa thối, hạt lúa vốn đã ít, lại có chân ruộng như thế nào mới trồng được lúa nếp là quý lắm, chỉ được dùng vào các dịp lễ, tết thôi. Ít ai nghĩ đến đem ra nấu rượu. Ở cái huyện bờ ruộng xôi, ruộng mật này lúa ra nhiều hạt đã đành mà cho đến từng hạt gạo hình như cũng ngon hơn, béo ngậy hơn so với nơi khác:Tám Xuân Đài, nếp Xuân Phương, Xuân Bắc…

Một bà già bảo tôi: “Nhà tôi có mấy miếng chân ruộng thấp, không cấy lúa tẻ được, tôi cấy ít nếp rặt để có cái nấu rượu cho ông cháu!”

Chà chà, nếp ơi, rượu nếp ơi, tôi đã một lần nếm thử một chai rượu nếp do Trần Mạnh Hảo đưa từ quê lên, mở chai rượu ra cứ thơm phưng phức một mùi nếp rượu. Lại một lần trong một buổi chiều tôi được say êm say ngọt ở nhà một lão ngư ở xã Giao Hải bởi một thứ rượu đùng đục sanh sánh có phảng phất hương thơm của nếp.

Rượu gạo tẻ, dẫu có nấu ngon như rượu Vọc thì cũng chỉ hơn Vodka của Nga một tí. Rượu Vọc, một lần đi chơi thăm Vịnh Hạ Long tôi có mang theo, gặp hai anh bạn người Mỹ, tôi mời mỗi người một chén, họ sướng mê đi và khen ngon hơn Sakê của Nhật nhiều.

Rượu Kiên Lao là một thứ rượu trong vắt, khi uống vào chỉ thấy se se đầu lưỡi và trong cái hương rượu cực kỳ tinh khiết chỉ có người sành điệu lắm mới nhận biết được rằng nó chỉ có thể nấu được từ gạo nếp, một thứ nếp đầu râu hay là nếp cái. Đổ vài giọt rượu xuống nền ta chỉ thấy mấy vệt mờ mờ hệt như khi ta chót đánh đổ mấy giọt xăng. Để một chén rượu qua đêm, rượu chỉ cạn đi không hề nhạt, rượu lỡ có rây ra quần áo, đến mấy ngày sau vẫn có mùi thơm chứ không hề chua.

Có người bảo rượu Kiên Lao ngon vì do cái nước của làng ấy. Cũng men ấy, gạo ấy đem sang làng khác nấu không được. Ở làng ấy vẫn có tục con gái đi lấy chồng làng khác thì không được truyền nghề… Những chuyện như vậy vẫn thường gắn với các làng nghề nổi tiếng và chưa hẳn là đã có thực. Nhưng có một lúc nào đó rảnh rỗi bạn nên về thăm làng Kiên Lao xưa, nay thuộc hai xã Xuân Tiến và Xuân Kiên, đến chợ Kiên Lao ngồi vào trong một cái quán nhỏ ven sông, nhờ người soạn cho món gỏi cá, hoặc vài thanh đậu phụ Thuỷ Nhai, bạn nâng lên một chén rượu Kiên Lao vừa nhâm nhi vừa ngắm cảnh sông nước, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng cuộc đời này còn bao điều kỳ thú mà bạn chưa từng biết đến

Danh mục bài viết Tản mạn về rượu

Đang tải dữ liệu loading