Bao giờ hết Tết?

Thứ Năm, 26/01/2012 12:31

2,594 xem

0 Bình luận

(0)

4002

Ở địa phương tôi,“ngày đưa ông Vải” ( đón ông Vải vào chiều ngày 30) được gọi là hết tết.

Khi còn là thiên thần nhỏ của ba mẹ, tôi thường hỏi mẹ: “bao giờ thì hết tết hả mẹ’’ và giờ khi tôi cũng đã có một thiên thần nhỏ bé đáng yêu cũng hỏi tôi câu hỏi mà ngày xưa tôi thường hỏi mẹ như thế. Vâng, Tết có từ bao giờ cũng chẳng ai biết, chỉ biết rằng 12 tháng trong năm trôi qua rồi sẽ đến tết. Và cũng như lũ trẻ con thường hỏi: “bao giờ thì hết tết”. Trong ca dao đã có câu:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,

Cái già xồng xộc nó thì tới nơi”.

Vâng, tùy từng địa phương và tục lệ từng vùng có những nghi lễ và cách thức đón tết khác nhau. Nhưng nhìn chung người Việt mình chơi xuân đến mùng 8 – 10 là bắt đầu quay trở lại với guồng quay của công việc. Chúng tôi thường trêu nhau rằng lúc đó là hết tết. Xong với lũ trẻ con thì tết còn dài dài và dường như rất mong có tết, có tết để được đi chơi, được diện quần áo mới.

Ở địa phương tôi, “ngày đưa ông Vải” ( đón ông Vải vào chiều ngày 30) được gọi là hết tết. Khi con cháu tụ tập quây quần, cùng dâng mâm cơm cúng tổ tiên, hóa vàng mã, hạ lộc cũng là lúc được gọi là “hết tết’’. Tùy từng nhà mà việc đưa ông Vải (vong linh ông bà, tổ tiên) được đưa vào những ngày khác nhau. Có thể là ngày mùng 5, mùng 7 hay mùng 9 thậm chí là Rằm tháng  giêng. Vì thế mâm cỗ cúng ngày đưa ông Vải cũng  giống như những mâm cỗ cúng khác. Bạn có thể tham khảo mâm cỗ cúng ở địa phương tôi nhé, “mâm cỗ ngày hết tết”

  1. Gà luộc hầu như không thể thiếu trong mâm cỗ cúng

Nước luộc gà

Cứ mỗi 1 lít nước cho vào 20 g hành tím lột vỏ, nướng sơ cho củ hành se vỏ, rửa sạch lại và cho vào nồi cùng nước lạnh, 1 muỗng cà phê muối. Hành sẽ làm thơm nước luộc gà. Bạn nên cho gà vào lúc nước còn nguội để da gà không bị nứt vỡ. Sau đó luộc gà trong nước sôi lăn tăn không sủi bọt.

Tạo màu vàng hấp dẫn

- Nếu dùng gà đông lạnh, bạn phải để rã đông từ từ rồi mới luộc, nếu không luộc sẽ rất lâu chín, khó biết khi nào được và lúc chín, thịt thường ở dạng xơ tưa ra vì nước đá khi tiếp xúc với nước sôi sẽ tan nhanh, xé rách luôn thớ thịt.

- Để tạo cho gà có màu vàng óng, trông ngon mắt, tránh tình trạng luộc xong da bị sậm, xỉn màu thì khi gà vừa chín tới, bạn cần vớt ra khỏi nước sôi và ngâm ngay vào thau nước sạch, lạnh càng tốt. Ngâm đến khi nào thịt gà nguội hẳn mới nhấc ra để giữ màu da không bị sậm xuống. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng mỡ gà đã thắng quét một lớp lên da, da gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn.

Luộc gà hồng đào

- Chuẩn bị: Bạn cần chọn gà giống nhỏ và còn tơ. Chặt gà làm hai theo chiều dọc. Chuẩn bị nồi nước luộc gà vừa đủ ngập gà khi bỏ vào, 1 đĩa sứ nặng đủ bỏ lọt qua miệng nồi dùng để dằn gà. Lá chanh hoặc lá cam thật non, có sắc xanh tơ lạt, rửa sạch, cắt dạng sợi mỏng, muối tiêu, chanh.

- Để nước sôi già, thả gà vào, dùng đũa nhận gà chìm dưới mặt nước sôi, canh đồng hồ đúng hai phút là tắt bếp, dùng đĩa sứ dằn cho gà không nổi lên mặt nước sôi, để gà ngâm nước nóng trong nồi qua 5 phút thì vớt ra, để dốc đứng cho gà ráo nước và nguội bớt là chặt ngang thành miếng nhỏ. Thịt gà luộc hồng đào dọn ra ăn phải còn nóng ấm. Sắp thịt gà ra đĩa, rắc lá chanh lên. Chấm muối tiêu với vài giọt chanh. Có người thích chấm món gà luộc hồng đào với nước mắm nguyên chất chỉ cho vào vài giọt chanh và ớt tươi xé nhỏ.

2. Xôi nếp

Trước tiên, bạn hãy chọn loại gạo nếp cái hoa vàng đều hạt, trắng thơm. Đỗ xanh hạt vừa phải, tán vỡ đôi, vỡ ba. Ngâm riêng gạo và đỗ  ít nhất 5 giờ cho mềm. Đãi sạch vỏ đỗ, chờ khô nước rồi trộn đều với gạo nếp, thêm một chút muối.

Khi cho nước vào nồi, nên cho vừa phải. Nếu đổ nhiều quá, nước sẽ bốc hơi hoặc trào mạnh, khiến phần xôi phía dưới bị nát, bịt kín lỗ thông hơi, và phần xôi phía trên sẽ không chín đều. Bạn cũng nên dùng khăn sạch, làm ẩm, trùm bên ngoài chõ để giữ nhiệt, giúp xôi không bị mất nước, chín đều.
 
Khi đồ xôi cách thủy, bạn nên cho một chiếc đìa sành nhỏ vào nồi để theo dõi lượng nước bên trong còn nhiều hay ít. Nếu đang đun mà nghe tiếng "lạch cạch" nghĩa là lượng nước dùng đồ xôi vừa cạn. Bạn cần tắt bếp để nồi không bị cháy, hoặc cho thêm nước đun tiếp nếu xôi chưa thật chín.

Trung bình, bạn cần đun từ 30 đến 40 phút để gạo đỗ chín mềm, đều. Nên đun vừa lửa, lấy đũa đảo nhẹ trong lúc đồ. Khi xôi chín, có thể trộn thêm vài thìa dầu ăn để tạo độ bóng, xôi sẽ mềm và thơm hơn.

 3. Món xào, bạn có thể tham khảo một số món xào cho mâm cỗ cúng

3.1. Món xào mâm cỗ cúng: Bò xào tỏi tây  (xem chi tiết)

3.2. Món xào mâm cỗ cúng: Thịt lợn xào sả ớt (xem chi tiết)

3.3. Món xào mâm cỗ cúng: Miến xào cua bể (xem chi tiết)

3.4. Món xào mâm cỗ cúng: Củ đậu xào tôm (xem chi tiết)

Tùy từng địa phương, gia đình mà có những mâm cỗ cúng khác nhau. Nhưng nhìn chung, thịt gà, xôi nếp, 1 món xào là không thể thiếu trong mâm cỗ cúng của người Việt.

Vân Khánh - Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền

Đang tải dữ liệu loading