Đặc sản miền Tây
Cá kèo miền Tây
“Hồi còn trẻ, bà ngoại bây mê vọng cổ dữ lắm. Mỗi lần có đoàn về, người đông, phải ngồi hạng ghế cá kèo cả buổi mà cấm có kêu ca gì!”
Cả nhà tôi cười vui theo những hoài niệm của ông ngoại, chỉ có đứa cháu nhỏ cứ ngơ ngác cắc cớ thắc mắc chuyện: “Ngồi hạng ghế cá kèo là sao hả ông?”, để rồi ông ngoại ôn tồn giải thích: con cá kèo có dáng bơi rất đặc biệt: thân mình chìm dưới nước, duy chỉ có cái đầu nhỏng đứng như đang bơi đứng, bởi vậy ngồi hạng ghế cá kèo là cách nói vui khi đi nghe ca, đi coi kịch mà phải đứng vì không có ghế ngồi.
Ngoại kể lại, những năm trước đây, miệt Sóc Trăng quê tôi cá kèo có ngoài tự nhiên nhiều lắm. Vào mùa nước nổi, những bãi bồi nước lợ, nơi có hang ổ của con cá kèo trú ngụ ngập trắng xoá, cá kèo lúc nhúc nổi đầu cũng là lúc mùa đánh bắt bước vào thời điểm rộ nhất. Con cá kèo gắn liền với từng bữa cơm của người dân quê tôi, gắn liền cả những kỷ niệm quê nhà trong lòng người tha hương viễn xứ…
Bây giờ, vì nhiều lý do, cá kèo ngoài tự nhiên đã trở nên khan hiếm. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách, người ta có những trảng đầm thả nuôi cá kèo với quy mô rộng lớn ở khắp các tỉnh miền Tây. Con cá kèo lại theo chân những thương lái tới từng chợ lớn chợ nhỏ, và được xếp vào hàng các món đặc sản khi giá luôn cao ngất ngưởng.

Thị dân ưa chuộng cá kèo, bởi thịt chúng rất thơm, dễ dàng chế ra nhiều món ngon, từ chiên, kho, cho tới nướng, lẩu… mà lại được tiếng “lành” và sạch. Với những người sành ăn, cá kèo phải được để nguyên con nguyên ruột, không cần làm mất đi chất nhớt ngoài da… thì mùi vị của cá khi thưởng thức mới được coi là đúng điệu.
Thật khó mà liệt kê hết được những món ngon được đóng góp từ con cá kèo nước lợ miền Tây trong bản đồ ẩm thực Việt. Cá kèo kho tộ là món ăn “bắt cơm”số một, chỉ cần nêm nếm chút gia vị gồm: đường, tiêu, nước mắm, bột ngọt… và chút xíu nước vào cái tộ nhỏ, nấu cho sôi lên rồi nhanh tay thả mớ cá kèo tươi sống vào kho liu riu trên bếp lửa nhỏ, nhớ nêm theo một mớ rau răm – thứ rau sinh ra cùng mùi thơm đặc biệt hoà quyện với vị của con cá kèo.

Với tôi, không gì thú vị cho bằng chiều cuối tuần, khi vừa tan sở, lại được cùng bạn bè ngồi nhâm nhi những món cá kèo mang đậm hương vị quê nhà nơi một góc quán nhỏ. Chỉ cần vài loại rau nhút, rau muống và đặc biệt không thể thiếu mớ rau đắng có vị ngọt hậu, những con cá kèo còn nhảy lách chách được nhanh tay thả vào nồi nước lẩu ùng ục sôi trên bếp… là đã có món lẩu cá kèo ngon tuyệt chờ sẵn.
Nhẩn nha thưởng thức vị con cá kèo dai dai thơm ngọt, cùng chút nhân nhẩn đắng của mật cá… chấm cùng chén mắm ớt đậm đà, kết hợp thêm vị chua thanh đặc trưng từ món lá giang nấu kèm trong nồi lẩu, người ăn thưởng thức đủ hương vị ngọt, bùi, đắng, cay… từ những dư vị món lẩu cá kèo mang lại.
Để rồi, người tha hương bất chợt nhận ra: mình đã “phải lòng” con cá kèo từ lâu lắc...
Cá lăng là loại cá da trơn, sống nơi tầng đáy môi trường nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long. Cá thường xuất hiện nhiều trong mùa lũ. Nếu có dịp đến vùng tứ giác Long Xuyên (An Giang) từ cầu Tha La, đến đập Trà Sư… vào mùa này, chúng ta sẽ bắt gặp từng đoàn xuồng, ghe nhộn nhịp của ngư dân với những phương tiện như giăng lưới, vãi chài… để đánh bắt. Và thú vị hơn là những “cần thủ” với đầy đủ đồ nghề đi câu cá lăng.


Cá Lăng là đặc sản miền Tây mùa nước nổi
Cá lăng có giá trị kinh tế cao vì thịt thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng, Omega 3… nên được các bà nôi trợ rất ưa thích, chế biến thành những món ngon như hấp chanh, nướng sả, chiên tươi, nấu cháo (đầu cá), làm chả, kho khô, nấu canh chua lá giang…

Cá lăng hấp chuối

Cá lăng nướng ăn kèm bún tươi, rau sống

Tổng hợp, Đinh Huyền
Amthuc365.vn
Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền
Bình luận