Nguồn gốc mâm ngũ quả

Thứ Sáu, 13/01/2012 10:49

6,625 xem

0 Bình luận

(0)

2990

Tết đến nhà nhà đều chuẩn bị một mâm ngũ quả thật đẹp để dâng lên tổ tiên, nhưng có thế bạn chưa biết tại sao lại có mâm ngũ quả, và mâm ngũ quả có ý nghĩa gì.

Cùng với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, mâm ngũ quả chiếm một vị trí quan trọng trong ngày Tết của người dân Việt bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài.

Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) - gọi là ngũ hành. Tục lệ chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này.

Từ xưa đến nay, không ai biết chính xác “ngũ quả” gồm những quả gì, nên tùy vào đặc trưng mỗi vùng miền, người ta sẽ chọn những quả ngon ngọt, màu sắc đẹp, to tròn để bày biện. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, con số 5 (ngũ) là con số chỉ trung tâm, là con số của sự sống. “Quả” là biểu tượng của sung túc, quả chứa nhiều hạt biểu thị cho tín ngưỡng phồn thực, cho ý nguyện sinh sôi nảy nở và duy trì nòi giống. Thế nên, ngoài sự hội tụ của hồn quả, hương cây, mâm ngũ quả còn thể hiện ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt.

Mâm ngũ quả của Bắc bộ.


Mâm ngũ quả của miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Trong đó, nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang… Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Nam hầu như không xuất hiện nải chuối vì sợ “chúi đầu, chúi mũi”, vất vả cả năm. Người ta cũng kỵ trái cam vì sợ phải “cam chịu”. Do đó mâm ngũ quả của miền Nam thường chỉ có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Phía dưới chân đế còn để thêm trái thơm với ý nghĩa “cầu thơm vừa đủ xài”.


Mâm ngũ quả đặc trưng của Nam bộ.

Ngày nay, chủng loại trái cây ngày phong phú nên việc lựa chọn trái cây cho mâm ngũ quả ngày Tết cũng trở nên đa dạng và “mở” hơn, không còn “ngũ” mà có thể thành “lục, thất, bát, cửu” quả. Tuy số lượng trái cây trên mâm ngũ quả có thay đổi và được chưng trên những đĩa sứ, thủy tinh bắt mắt nhưng người dân vẫn gọi là “mâm ngũ quả” như truyền thống từ xưa đến nay.

(Theo Vinamit)

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading