Chè 5 cực niềm tự hào của Suối Giàng

Chủ nhật, 12/02/2012 09:23

1,788 xem

0 Bình luận

(0)

3388

Tiếng thơm truyền xa, chè “5 cực” của anh Tùng (Văn Chấn, Yên Bái) được nhiều du khách nước ngoài mến mộ mua về làm quà. Có người cầu kỳ còn không quản khó nhọc đem cả nước suối nguồn của Suối Giàng về pha để giữ được nguyên cái hương vị trân quí có

Ai đã từng có dịp lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Ngay từ những năm 60, đã có cuộc thống kê có tới gần 40.000 cây chè San cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết.


Chè cổ thụ ở đây nhiều đến nỗi viện sĩ K. M. Djemmukhatze thuộc viện sinh hóa A. Ba Cu, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ 20 này phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là Tổ Quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới” (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng).

Hương chè thơm thoảng, vấn vít trong từng ngọn gió, ngưng trên từng lá cây, ngọn cỏ. Vậy mà khi thưởng thức, người sành trà cứ không khỏi phân vân: Vị chè độc đáo lắm, tuyệt vời lắm, nhấp một ngụm nhỏ hàng giờ sau dư vị ngọt ngào vẫn không tan trên đầu lưỡi, nhưng sao hương thơm còn rất khiêm nhường? 

Một người con của Suối Giàng đã thành công trong việc khơi dậy mùi hương độc đáo tiềm ẩn của chè Shan tuyết Suối Giàng. Đó là anh Lê Quang Tùng, với loại chè “5 cực” đã trở thành thương hiệu và niềm tự hào của chè Shan Suối Giàng.

Mô tả ảnh.

Anh Lê Quang Tùng kiểm tra chất lượng lá chè.

Từ năm 2006 anh Lê Quang Tùng đã mầy mò nghiên cứu để trả lời một câu hỏi: Tại sao chè Shan tuyết Suối Giàng kém hương? Tại chất lượng chè, hay do kỹ thuật? Thế rồi anh tự tay đi thu hái những búp chè một tôm và tự tay sao theo phương pháp thủ công. Nhiều mẻ cứ ngỡ sẽ được thành phẩm như ý, nhưng rồi khi uống thử lại vô cùng thất vọng, bởi vị thì ngon lắm, nhưng vẫn thiếu mùi hương như ý. Không ít lần anh nhụt chí, thế rồi được sự động viên của người vợ, anh khăn gói lên đường sang Côn Minh, Trung Quốc tìm mọi cách học hỏi bạn cách làm chè, đặc biệt là loại chè Phổ Nhĩ nổi tiếng.

Anh thực sự thành công từ năm 2008, khi tìm ra bí quyết khơi dậy mùi hương cho chè Suối Giàng. Cả một sợi dây liên hoàn có quan hệ mật thiết từ khâu thu hái, đến phương pháp chế biến được tìm ra như một cái duyên và cái tên “5 cực” ra đời từ đó. Đó là: “Cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực sạch và cực đắt”.

Ngay từ sáng sớm, khi núi ngàn còn chìm đắm trong sương, đó là lúc thu hái chè, mà chỉ hái đúng “một tôm”. Chè Shan mọc rải rác khắp một vùng núi cao rộng lớn, nên việc thu hái vô cùng gian khổ, lại còn không được làm chè dập nát. Đây là thời điểm hương vị chè được tích tụ cao nhất trong mỗi búp chè, bởi khi mặt trời lên, quá trình quang hợp bắt đầu, chè nhiều vị chát mà kém hương. Chưa bao giờ anh  thấm thía lời của một người bạn Trung Quốc khi nói về thời điểm hái chè như lúc này: “Hái sớm ba ngày thì chè là báu vật, hái muộn ba ngày chè chỉ còn là thực vật”. 

Mất bao công sức anh mới tìm ra loại than cây sến có đủ nhiệt lượng theo yêu cầu, bởi duy trì nhiệt độ trong trong từng thời điểm là khâu khó nhất, góp phần quyết định đến việc chè có dậy hương hay không. Từng mẻ chè được anh sao chế bằng cả cái tài, cái tâm, cái giác quan nhạy bén của người nhiều năm làm chè và khát khao cháy bỏng của mình.

Khó mà nói hết niềm vui khi tìm ra bí quyết làm cho chè Suối Giàng dậy hương thật khó mà tả nổi. Từng búp chè thơm dịu, thả vào ấm tạo nên những âm thanh vui tai, nâng chén trà lên, khứu giác đã chạm vào một mùi hương thầm kín, cao sang không lẫn với bất cứ loại chè ngon nào, dịch vị chợt ứa ra ngọt trên đầu lưỡi. Chiêu từng ngụm nhỏ, khách thưởng trà không nén được sự trầm trồ thán phục. Dư vị đọng mãi không tan, tinh thần thư thái lạ lùng. Sau này anh Tùng còn ứng dụng phương pháp hút chân không để bảo quản chè được nguyên hương theo thời gian.

Bây giờ thì chè "5 cực' không đủ cung cấp cho khách sành điệu, bởi một năm dù cố đến đâu anh Tùng cũng chỉ xuất ra được 100 kg, với giá thành 1,6 triệu đồng một kg, chưa phải đã xứng đáng với công sức và chất lượng tuyệt hảo của chè. Bởi anh không muốn vì cái lợi trước mắt mà đánh mất đi cái tâm của người công nhân chân chính và thương hiệu anh phải trải bao tâm sức mới có được. Một truyền mười, chè “5 cực” của anh được nhiều du khách nước ngoài mến mộ mua về làm quà, có người cầu kỳ còn không quản khó nhọc đem cả nước suối nguồn của Suối Giàng về pha để giữ được nguyên cái hương vị trân quí có một không hai.

Còn người viết bài này, khi được tận mắt chứng kiến anh Lê Quang Tùng nâng niu, cẩn trọng pha trà “5 cực” mời trong bầu không khí trong lành của Suối Giàng, được tận hưởng hương vị chè giữa quê hương của loại chè quí, mới thấm hơn lời bình về thú thưởng trà của cổ nhân: “Uống chén thứ nhất thấy thân thể mềm mại trở lại, uống chén thứ hai thấy quá khứ hiện về hết, uống chén thứ ba thấy có thể thông cảm được với các vị tiền bối, uống chén thứ tư thấy gió thổi lất phất ở hai bên nách, cho nên không thể uống chén thứ năm được nữa”. ( Lê Quí Đôn - Vân đài loại ngữ).

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading