Mùa hè đến Hàn Quốc ăn Mì lạnh

Thứ Năm, 03/05/2012 04:31

4,969 xem

0 Bình luận

(0)

1470

Trong một tô mì lạnh, ngoài vẻ đẹp hình thức với nhiều màu sắc như vàng của lòng đỏ trứng, đỏ của tương ớt, trắng của lê, xanh của đưa leo; lý thuyết âm dương của người Hàn cũng thể hiện khá rõ với các nguyên liệu hoà quyện bên trong như ớt nóng và đá lạnh.

Một lần đặt chân đến Hàn Quốc, ngoài thưởng thức những cảnh đẹp mê hồn như trong những bộ phim truyền hình, đắm mình trong không gian của những cung điện cổ xưa, choáng ngợp với những trung tâm mua sắm nhộn nhịp, bạn cũng đừng quên thưởng thức ẩm thực phong phú của Hàn. Mùa hè chính là mùa người Hàn Quốc thích nhất, bởi họ có trái cây chín mọng, có rong biển tươi xanh, có kim chi ngon giòn và có một món ăn đã trở thành thương hiệu của các món mì khi hè sang đó là naengmyeon.

Mì với đá

Trong tiếng Hàn “naeng” có nghĩa là lạnh còn “myeon” có nghĩa là mì. Khởi nguồn của món naengmyeon – mì lạnh là từ bắc Hàn mà ngày nay là Triều Tiên trong mùa đông. Từ từ món ăn này đã phổ biến rộng khắp bán đảo triều tiên và chuyển thành món ăn mùa hè. Nhiều người Hàn lớn tuổi vẫn thích ăn mì lạnh vào mùa đông như tổ tiên họ từng làm nhưng đa phần các nhà hàng mở bán mì lạnh khi hè sang với cờ phướn treo khắp nơi dán chữ “naengmyeon”.

Mì lạnh Naengmyeon - Hình ảnh Hàn Quốc

Món mì lạnh Hàn Quốc

Vào quán ăn, gọi một tô mì lạnh bạn sẽ được phục vụ bằng chiếc tô i-nốc to (to hơn tô phở 24h ở quê nhà Việt Nam một chút), trong lòng là một vắt mì màu nâu được quấn thành bó với nước dùng đổ vừa ngập 2/3 vắt mì. Trên đó là lát thịt heo, miếng trứng luộc, dưa leo thái sợi, miếng lê và tương ớt. Đặc biệt là lớp nước đá mát lạnh bên trên khiến cho món mì này mang nét đặc trưng đúng tên gọi.

Dùng chung với món naengmyeon là kim chi làm từ củ cải trắng cắt lát mỏng, lá của củ cải trắng cũng được sử dụng để làm dưa muối. Gia vị được phục vụ bên ngoài bao gồm giấm và mù tạc loãng để tùy vào khẩu vị của khách hàng mà họ sử dụng.

Trước khi ăn, chủ quán thường để kèm kéo cho bạn cắt mì bởi sợi mì lạnh khá dai. Điểm chung cho toàn bộ các loại naengmyeon đó chính là sợi mì đặc biệt mà không món mì nào khác có được. Dù được làm bằng nguyên liệu gì thì sợi mì lạnh vẫn cho ta thấy nét đặc trưng sợi nhỏ, dai, dài, không dính bết vào nhau. Khi thưởng thức naengmyeon, bạn sẽ nhận ra cái dai dai, man mát của sợi mì, húp một chút nước dùng có vị chua chua kim chi, ngòn ngọt nước luộc thịt, cay cay tương ớt và nhất là cảm giác lạnh mát của đá trong nước dùng. Kết thúc tô mì lạnh là miếng lê ngọt lịm vừa làm giảm vị cay của ớt đang làm tê lê đầu lưỡi vừa là để tráng miệng.

Kimchi củ cải trắng

Kim chi làm từ củ cải trắng

Cứ mỗi độ cuối tháng 5 đầu tháng 6, khi tiết trời trở nên ấm áp hơn, bước chân vào các quán ăn bình dân, đâu đâu người ta cũng có thể thấy bảng thực đợn được dán thêm món naengmyeon và hình tô mì thật hấp dẫn. Vừa đi xa về hay làm việc mệt nhọc trong khí trời oi bức, thưởng thức một tô mì lạnh mang đến cho mọi người sự sảng khoái.

Bí mật nơi gian bếp

Nước dùng để trộn cho món naengmyeon là hỗn hợp của nước kim chi và nước luộc thị (thường là thịt bò). Món naengmyeon có ngon hay không phụ thuộc khá nhiều ở cách chế biến nước dùng này. Mỗi cửa hàng đếu có cách chế biến và nêm nếm riêng của mình sao cho không quá chua vì nước kim chi hay quá nhạt vì thiếu gia vị. Điểm đặc biệt là nước dùng được gạn sạch váng mỡ làm cho người ăn hoàn toàn cảm thấy không béo. Khi chan vào tô mì lạnh nước dùng thường đi kèm với đá đập nhuyễn. Đây là loại đá có mùi thơm sẽ mang đến cho tô mì lạnh một hương vị đặc biệt chứ không phải mùi đá tủ lạnh ngai ngái thông thường.

Sợi mì là yếu tố quan trọng không kém. Theo truyền thống thì sợi mì được làm bằng tay nhưng ngày nay đa số đều được sản xuất bằng máy. Nguyên liệu chính là bột của cây hoàng tinh (cây dong). Sợi mì đựơc làm ra có màu nâu, sợi tròn và chỉ nhỏ bằng 1/2 hay 1/3 sợi miến mà người Việt Nam vẫn hay dùng. Mỗi vắt mì đựơc bỏ vào tô to khoảng một nắm tay và những sợi mì đựơc quấn lại với nhau thành một khối chặt.

Một món họ hàng của naengmyeon là milmyeon. Sự khác nhau của 2 món này chính là ở sợi mì. Sợi mì trong milmyeon đựơc làm từ bột kiều mạch hay bột mì có màu trắng. Mọi người thường cho rằng ăn milmyeon thì sợi mì có mang nhiều tinh bột hơn và mềm hơn.

Những biến thể của mì lạnh có thể nhắc đến đó là bibim naengmyeon. Đây là mì lạnh nhưng không chan nước dùng, mì chỉ được nhúng qua nước dùng cho ẩm và ăn khô. Khi ăn người ta trộn đều lên như món bibimbap thông thường (một món cơm trộn truyền thống của người Hàn) do đó mới có tên gọi như vậy. Bên canh bibim naengmyeon là hoe naengmyeon, món mì lạnh được bỏ kèm với cá sống trộn đều với ớt và tiêu. Yeolmu naengmyeon cũng là một dạng mì lạnh với củ cải lên men được trộn trong nước luộc thịt để lạnh.

Trong một tô mì lạnh, ngoài vẻ đẹp hình thức với nhiều màu sắc như vàng của lòng đỏ trứng, đỏ của tương ớt, trắng của lê, xanh của đưa leo; lý thuyết âm dương của người Hàn cũng thể hiện khá rõ với các nguyên liệu hoà quyện bên trong như ớt nóng và đá lạnh. Có dịp đến Hàn Quốc bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn đặc trưng có hương vị khó quên này nhé.

Sưu tầm

Danh mục bài viết Tư vấn thực đơn

Đang tải dữ liệu loading