Trà đá Hà Nội

Thứ Sáu, 08/06/2012 08:27

4,181 xem

0 Bình luận

(0)

1142

Lũ trẻ giờ nó thế, đua nhau uống đủ các thứ mà chẳng hiểu có béo bổ gì không? Nào là trà đá, CocaCola, Fanta và cả nước lã nhạt phèo đóng chai mà có thời đắt hơn cả xăng ô tô. Thì ra chỉ có mấy chục năm thôi mà lối uống trà của người Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng vậy ư?

Trời Hà Nội sau đêm Noel bỗng trở chứng, tháng mười hai Tây rồi mà vẫn nóng như mùa hè. Dẫn cháu đi chơi phố, nó cứ đòi ông cho uống trà đá. Tôi không dám cho nó uống đành gọi ly nước ngọt. Khi đi chơi, mẹ con bé dặn: “Ông đừng cho cháu uống trà đá nhé. Uống là viêm họng liền ông ạ”. Tôi hỏi cháu: “Sao con lại thích uống trà đá?”, con bé thản nhiên trả lời: “Cháu tập thể dục ở trường xong là cả lũ thường kéo nhau ra quán uống trà đá ông ạ”. Nó lại hỏi: “Sao ông không uống trà đá mà chỉ uống trà đặc nóng? Bọn cháu không uống được trà đặc đâu ông ạ”. Lũ trẻ giờ nó thế, đua nhau uống đủ các thứ mà chẳng hiểu có béo bổ gì không? Nào là trà đá, CocaCola, Fanta và cả nước lã nhạt phèo đóng chai mà có thời đắt hơn cả xăng ô tô. Thì ra chỉ có mấy chục năm thôi mà lối uống trà của người Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng vậy ư?

Thuở còn đi học trạc tuổi con bé cháu tôi bây giờ, tôi sống với bố mẹ và ông bà nội. Ông nội tôi cũng đi làm nhưng không thấy ông trà Tàu thuốc lá bao giờ nhưng ông hút thuốc Lào. Bố tôi là công chức nhưng cũng chẳng thấy uống trà Tàu hay phì phèo thuốc lá. Thời ấy, bà tôi thường nấu nồi nước lá vối để trong bếp hay pha ấm nước nụ vối ủ trong giỏ. Lũ trẻ chúng tôi thì chỉ uống nước lọc. Thỉnh thoảng theo bà, theo mẹ ra chợ khát nước bà mua bát chè tươi san ra hai bát hai bà cháu uống cho đỡ khát. Ngoài chợ, bà cụ bán chè tươi kê cái chõng tre, úp dăm cái bát. Có khách uống thì lấy gáo vục trong cái hũ hãm chè có bọc bao tải chắt nước nóng hổi đong ra bát mời khách. Cái thuật hãm chè tươi cũng công phu lắm. Người ta phải vò chè, chần nước thật sôi xong mới hãm, mới ủ. Cũng có người thích uống nước mát thì đã có sẵn những chiếc cốc thủy tinh trong để chè tươi nguội, đậy nắp bằng những đĩa gỗ mỏng hình tròn cho bụi khỏi bay vào nước. Ai muốn uống trà xanh với đường kính thì gọi thêm thìa đường khuấy lên uống cho giải nhiệt. Thời ấy Hà Nội tuyệt không có trà đá. Nói đến trà đá thì phải hiểu được lịch sử của nước đá Hà Nội nó ra làm sao.

Trà đá không chỉ thu hút giới trẻ Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế

Nước đá có mặt ở Hà Nội từ bao giờ? Ai là người đem nước đá vào Việt Nam?

Thực ra, cho đến tận cuối thế kỉ XVIII nước đá mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước thời điểm này hầu hết người Việt không biết nước đá là gì. Nước mình ở vào xứ nhiệt đới, quanh năm nóng ẩm. Ngoài Bắc thì có mùa đông và dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ tuy chịu cái rét căm căm trong những ngày đông mưa phùn gió bấc nhưng tuyệt không bao giờ được thấy băng tuyết cả. Chỉ có số ít đồng bào sống trên núi cao như Sa Pa (Lào Cai) hay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) họa hoằn lắm mới thấy chút băng giá vào sáng sớm mùa đông hay cảnh tuyết rơi trăm năm mới có một lần. Khác với người Trung Hoa, vì sống ở xứ lạnh nên người Hoa không lạ gì với băng giá và món kem cũng đã ra đời từ xửa từ xưa.

Nhà máy nước đá ở đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường Trần Quang Khải. Năm ngoái ngồi uống bia với ba ông Dương Trung Quốc nhà Sử học và ông Tùng, ông Thông là hai người phụ trách hai tạp chí Kiến trúc và xây dựng. Từ trên tầng 2 của quán bia Tiệp, Trần Quang Khải, nhìn ra cửa kính tôi giật mình nhận ra cái tháp lọc nước của nhà máy nước đá cổ xưa vẫn còn đang yên vị trong khuôn viên của mảnh đất bên cạnh. Cái tháp làm mát nước và bay hơi các tạp chất là một khối bê tông vuông đặt trên bốn trụ có nhiều khe hở như những tấm cửa sổ lớn mở ra bốn bề không khí thoáng đãng bên sông Hồng đã là một trong những biểu trưng của nền công nghiệp Pháp ở Việt Nam cuối thế kỉ 18. Hồi ấy, hình tháp nước này được người ta in thành bưu ảnh đem bán khắp nơi. Ông chủ sáng lập ra hãng nước đá Đông Dương thời ấy (Hãng BGI, Brasseries Glaciers d’Indochine) là một kĩ sư công nghệ Pháp có tên là Victor La Rue, nguyên là sĩ quan Hàng hải phục vụ ở Đông Dương và giải ngũ tại Sài gòn năm 1875 sáng lập ra. Lúc đầu, hãng này chỉ sản xuất nước đá, sau mới tổ chức nấu bia Con hổ (bia La Rue) và bia 333. Nhìn cái tháp nước của nhà máy nước đá cổ kính ấy, tôi chợt nảy ra ý bàn với các vị Kiến trúc sư và Sử học: “Nên chăng vận động giữ lại cái tháp này như một di sản công nghiệp xưa của Hà Nội từ thế kỉ XVIII và biến khu này thành nơi thưởng lãm ẩm thực”. Các vị gật gù tán thưởng nhưng rồi không biết ý đồ ấy có thực hiện được hay không. Thời buổi mà Hà Nội mỗi mili mét đất là một tấc vàng thì cả khu chợ cổ như chợ Đồng Xuân, chợ cửa Nam hay biệt thự sang đẹp, di tích lịch sử người ta cũng dỡ bỏ là chuyện không có gì lạ ở cái đất Thăng Long ngàn năm văn hiến bây giờ. 

Thời tôi còn nhỏ, nước đá Hà Nội chủ yếu sản xuất từ nhà máy này, sau này, tôi còn thấy người ta sản xuất nước đá trong một vài nơi khác như một xưởng tư nhân ở cửa ga Hàng Cỏ và xưởng khác ở trong Ngõ Huế, Hà Nội…

Trong những năm 50, 60 của thế kỉ trước, hồi tôi còn nhỏ, nước đá là mặt hàng xa xỉ đối với nhiều người dân Hà Nội. Muốn mua được nước đá người ta phải ra các đại lí. Ở đấy họ chở về những cây đá lớn phủ bao tải để giữ lạnh. Mua từng cục đá về phải ủ trấu khô, đắp bao tải để giữ đá lâu tan. Trong những gia đình khá giả thì họ giữ trong những phích đá thủy tinh như những chiếc thùng kem que của trẻ em bán dạo trên hè phố, tàu điện. Chiếc phích đá này làm bằng thủy tinh hai lớp có tráng gương, miệng rộng bọc vỏ ngoài bằng sắt, có quai xách và nút phích là miếng lie rộng hơn gang tay. Ở nhà tôi, mỗi khi có khách quý đến chơi, bố tôi mua cục nước đá giữ trong phích và thường mời khách uống nước chanh tươi pha đường với đá trong những cốc pha lê trong vắt có viền vàng mà năm thì mười họa mới dùng đến.

Trong các gia đình giàu có như trong nhà một vài bác sỹ nổi tiếng hay các viên chức cao cấp người ta mới có cái tủ lạnh. Cái tủ lạnh ấy ở Hà Nội không nhiều và thường do hãng Ford của Hoa Kì sản xuất và chạy bằng điện, nén khí A mô ni ắc. Trong những nhà giàu này họ cũng không có tập quán uống trà đá mà chỉ uống nước mát thôi.

Chỉ sau khi giải phóng miền Nam 1975 và sau những đợt gửi công nhân ồ ạt đi hợp tác xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu cũ, cái tủ lạnh mới được đưa từ trong Nam ra hay đóng thùng gửi từ nước ngoài về. Từ đó, nước đá và thói quen uống nước lạnh mới trở nên phổ biến trong các gia đình thành thị của Hà Nội.

Thời ấy có người ví cái tủ lạnh như một trong những thước đo giá trị của sự hưởng thụ

“Ti vi, tủ lạnh Honda

Thiếu ba thứ đó không ra thằng người”…

 

Cái thói uống nước lạnh đồng hành với khả năng sản xuất ra nước đá, khả năng mua sắm tủ lạnh của mỗi gia đình và khả năng cung cấp tiêu thụ điện. Tuy vậy, cái thói quen uống nước lạnh và uống trà đá từ đâu mà ra? Dân Hà Nội đã biết dùng nước đá, nước lạnh từ cuối thế kỉ 18 nhưng cái thói quen uống trà đá thì có từ bao giờ?

Thuở xưa, người Hà Nội ít uống Trà tàu mà chỉ uống nụ vối, lá vối, chè hạt, chè tươi và nước lọc. Uống trà Tàu (Trà mạn, trà sen…) chỉ trong một số gia đình và cũng không phải là thứ uống thường xuyên. Sau này cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc mở rộng sản xuất khai hoang trồng trà mọc lên ở Lương Sơn, Hòa Bình và nhiều nông trường trồng chè xuất hiện ở nhiều vùng trung du khác như Thái Nguyên, Phú Thọ nên sản lượng trà cũng theo đó mà tăng lên.

Các anh bộ đội tập kết xa nhà thường tụ tập ngồi uống trà nóng hãm thật đặc trong nỗi đau đáu hướng về quê hương miền Nam đang trong “nước sôi lửa bỏng” và lối uống này dần dần lan rộng ra khắp nơi. Đặc biệt khi có chính sách tem phiếu, nhiều người không biết uống trà là gì nhưng khi được cấp tem phiếu có bán trà thì không mua cũng tiếc và rồi dần dần uống trà đã thành thói quen. Trong thời chiến tranh ác liệt cũng như thời kinh tế quan liêu bao cấp thiếu thốn trăm bề thì cái chén trà nó là người bạn tâm tình của bao con người đang gồng mình vượt khó.

Chỉ từ sau giải phóng miền Nam, lối uống trà đá mới được người Bắc vào Nam và người Nam ra Bắc xâm nhập vào đời sồng của cư dân Hà Nội.

Thuở ấy, trai Hà Nội vào Sài Gòn  ra kháo nhau “Con gái Sài Gòn lắm em chân dài cao ráo xinh ra phết nhưng chỉ mỗi cái tội hay bị sún răng bởi uống trà đá suốt ngày”. Dân Sài Gòn ra Hà Nội về ca ngợi “Con gái Hà Nội đẹp như tiên, nước da trắng tươi hồng nhưng phải cái tội nhiều em bộ răng vàng khè vì hồi nhỏ uống phải tê tra xy clin”.

Hồi tôi mới vào Sài Gòn thì ăn cơm, ăn phở xong cứ việc gọi trà đá miễn phí. Nay uống ly trà đá thì phải tính thêm tiền. Anh bạn tôi trong Sài Gòn ra Hà Nội hồi ấy ăn phở nóng xong gọi ly trà đá mà chỉ toàn chè chén nóng uống bỏng lưỡi. Nay thì gọi đâu cũng có.

 Các bà già bán nước đầu đường góc phố vẫn yên vị với chiếc ấm giỏ, mấy cái ghế thấp lùn lè tè, cái điếu cầy dựng một góc như một chứng nhân, một sưu tập hóa thạch của cuộc sống Thủ đô thời bao cấp nhưng chỉ đổi khác ở chỗ vừa có trà nóng hổi lại bán cả trà đá và đủ loại thuốc lá ngoại. Cái chén tống sứ cũng biến đâu cả rồi mà lại thay bằng cốc thủy tinh. Cốc thủy tinh dùng uống trà đá thì hợp, chứ rót trà nóng vào nó cứ ngang ngang không hợp. Góp ý mãi mà các bà cũng chẳng sửa, các bà cũng phải có chút đổi mới chứ?

Cháu tôi muốn uống trà đá kiểu Sài Gòn là quyền của nó. Hôm nay, mẹ nó dặn không cho cháu uống sợ viêm họng thì ông không dại gì mà trái ý.

Thiếu nữ Hà Nội và Sài Gòn giờ đây đều uống trà đá. Thuốc kháng sinh tê tra xy clin giờ không thấy nữa và chẳng hiểu sao các bộ răng của các em lại vừa trắng, vừa đẹp, lại vừa xinh. Có lẽ do các em biết uống trà đá đúng cách chăng?  

Vũ Thế Long

Ẩm Thực365 biên tập

Nguồn: Trung tâm đào tạo nấu ăn Quả Táo Vàng

Danh mục bài viết Văn hóa Trà

Đang tải dữ liệu loading