Ăn trong hội hè, lễ tết của người Việt xưa và nay

Thứ Năm, 12/07/2012 03:23

4,688 xem

0 Bình luận

(0)

4040

Có thể nói các dịp hội hè, lễ tết là lúc cái tục lệ ăn uống cổ truyền lại có dịp tái hiện. Người Việt xưa có câu “Đói ba tháng hè, no ba ngày tết”. Hay lại có câu “Số cô không giàu thì nghèo/Đêm 30 tết thịt treo trong nhà…”.

Những dịp lễ tết, hội hè là lúc người ta thực thi việc nấu nướng những món ăn truyền thống mà tổ tiên truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác.

Mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà thể hiện tấm lòng của con cháu đối với người đã khuất. Mâm cỗ tết thường theo lệ của từng làng mà làm khác nhau. Có làng làm cỗ ba tầng bẩy món với những món đặc sắc của làng ấy. Mâm cỗ trong hội làng diễn ra ngoài đình cũng tuân thủ theo những quy định riêng có từ nhiều thế hệ.

Mâm cỗ truyền thống của người Việt

Ngoài lễ tết, cái cỗ đám cưới cũng thể hiện tính truyền thống và hiện đại. Từ chỗ tự nấu cỗ mời họ hàng, bè bạn chung vui trong nhà theo lối truyền thống cho đến cải tiến chỉ làm sơ sài bằng nước trà, bánh ngọt, rồi lại bùng lên lối cỗ bàn xa xỉ như trong đám cưới thời hiện đại ở cả nông thôn và thành thị mà dù có muốn vận động giản dị cũng không thể nào thay đổi được.

Cỗ cưới ngày nay ở thành thị khác hẳn cỗ cưới xưa. Người ta bày vẽ ra các kiểu nghi lễ cầu kì, tốn kém, rườm rà. Đồ ăn thức uống thừa mứa và thông thường được khoán trắng cho các đầu bếp chuyên nghiệp. Thực đơn cỗ cưới hay các tiệc tùng đông người ngày nay thường na ná như nhau, quanh đi quẩn lại vẫn nem rán, tôm hấp, thịt gà, nộm, bát canh mọc, đĩa thịt bò xào, cơm tẻ, xôi hoặc bánh chưng…

Tuy nhiên tôi nghe nói ở một số vùng quê như ở Thái Bình, trong đám cưới người ta có thể bổ sung nhiều món ăn mới từ các bữa tiệc kiểu thành thị do đầu bếp chuyên nghiệp nấu nhưng bao giờ cũng phải có món thịt mèo và trứng vịt lộn. Lại có vùng trong thực đơn đám cưới bao giờ cũng phải có món chuột đồng luộc, để ráo nước dùng thớt gỗ ép cho chặt rồi thái rắc lá chanh. Thật khổ cho thực khách hai họ nơi xa đến mà e ngại món đặc sản địa phương này.

Trong những lễ hội lớn, thậm chí lễ hội quốc gia ngày nay, nhiều tục lệ ẩm thực cổ truyền đã được phục hồi. Người ta đã tổ chức các cuộc thi thổi cơm, thi giã bánh dày, gói bánh chưng là những tục lệ có từ thời các vua Hùng hàng ngàn năm trước.

Thi nấu cơm - nét đẹp truyền thống dần được khôi phục

Người ta còn thi lợn to, lợn béo, thậm chí trảm lợn giữa chốn đông người, dân chúng xúm đông xúm đỏ xem trảm lợn, bôi máu lợn vào tiền lấy may. Sau hội thi chọi trâu thì trâu thắng, trâu thua đều bị xẻ thịt đem bán với giá cao ngất ngưởng và ăn nhậu say bét say be ngay trong các quán mọc lên như nấm quanh trường đấu.

Trong thời hiện đại, cùng với tăng trưởng ồ ạt về kinh tế, đổi mới về tư duy, tâm linh, việc ăn uống trong các lễ hội ở Việt Nam sau mở cửa đã có nhiều biến đổi lạ lùng. Nhiều phong tục cổ truyền, trong đó có các tục lệ liên quan đến ẩm thực tưởng chừng bị chôn vùi trong những cuộc cách mạng về văn hóa, tư tưởng ở thế kỉ trước nay lại được phục hồi. Nhiều biến thái quái dị chạy theo các mốt, các kỉ lục ngoại lai lại xuất hiện. Từ chỗ người ta làm những chiếc bánh chưng, bánh dày khổng lồ nặng hàng tấn, những bát phở khùng đủ cho trăm nghìn người ăn, những nồi lẩu đúc bằng đồng to nhất thế giới, cho đến rước về giỗ tổ cả chai rượu Votka chứa trong bình kim loại khổng lồ hàng nghìn lít, to như quả tên lửa khiến cả thiên hạ ngỡ ngàng và bị dư luận chê bai chỉ trích.

Rõ ràng là Văn hóa Ẩm thực Việt Nam hôm nay đang đứng trước những thử thách lớn lao. Làm thế nào để giữ gìn được truyền thống quý báu, giữ được cái giá trị khoa học và trường tồn trong nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của người Việt?

Làm thế nào để ẩm thực Việt hòa nhập được với nhân loại nhưng không bị hòa tan bởi các luồng xâm lăng văn hóa xa rời với bản sắc ẩm thực Việt vốn trải qua nghìn năm chắt lọc mới tạo dựng được?

Làm thế nào để người Việt giữ gìn được những tập quán ẩm thực lành mạnh, không xa hoa lãng phí, văn minh lịch sự?

Xét về mọi phương diện, ẩm thực Việt có quyền bình đẳng, sánh vai với mọi nền văn hóa ẩm thực đặc sắc khác trên toàn cầu. Gìn giữ phát huy được cái giá trị ấy tùy thuộc vào mọi thế hệ người Việt chúng ta hôm nay và mai sau.

Amthuc365.vn
Nguồn: Trung tâm đào tạo nấu ăn Quả Táo Vàng

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading