Tản mạn ăn sáng Sài Gòn

Thứ Bảy, 11/08/2012 08:41

5,369 xem

0 Bình luận

(0)

2009

Bữa sáng là bữa ăn chính trong ngày, và ăn sáng cũng thật đa dạng và phong phú với đủ loại. Từ sang trọng đến bình dân, và kéo dài từ sáng sớm - sớm, từ lúc trời còn tối đất cho đến tận giữa ngọ.

1. Ăn sáng Bình dân

Ăn sáng thật là một chuyện đáng nói. Này nhé những ai có công có chuyện phải dậy lúc bốn giờ rưỡi, trời còn tối hù, đường sá vắng hoe, đèn đường chưa tắt thì đã thấy hàng bánh ướt, bánh bao và bánh mì loay hoay đẩy xe, bày sạp. Ðây là thứ không cần nấu nướng gì nhiều nên đón khách rất sớm. Chủ hàng bánh ướt chỉ bỏ công pha hũ nước mắm, còn bánh ướt, bánh tôm, giò lụa và hành phi đã có mối mang đến. Xe bánh mì đặc biệt bao giờ cũng dậy sớm nhất và đi ngủ muộn nhất trong các hàng quà. Mặc trời nắng, trời mưa, mặc đêm khuya, trưa nắng, ở các ngã tư, góc phố khi nào cũng thường trực một xe bánh mì kiên nhẫn đón khách dưới cột đèn.

5 giờ rưỡi sáng, các hàng xôi đã nắm sẵn từng gói bốn ngàn, năm ngàn, bảy ngàn... đặt trên khay để người đi làm xa và học sinh đi học sớm chỉ ghé qua đưa tiền là cầm nắm xôi đi ngay. Ðây là hàng xôi vò, xôi bắp, xôi đậu xanh. Kế là xôi đậu đen, xôi gấc, xôi đậu phọng rắc đường và dừa nạo. Ðầu chợ là hàng xôi mặn kèm với thau chè chuối, chè bột báng, chè thưng...

Ðến 6 giờ sáng các hàng quà cần chế biến công phu đã rộn ràng lắm. Dãy phố bên tay phải là hai quán phở cách nhau ba căn nhà: một quán phở Bắc Hà của ông Bến Tre làm chủ, và một quán phở “chính gốc Lý Quốc Sư Hà Nội” do bà Phú Yên đứng bếp. Mỗi hàng đều cử một thanh niên xổ ra tuốt gần giữa đường để vẫy khách. Xe nào chạy qua lỡ chầm chậm sẽ bị níu tay lái kéo tuột vào cửa hàng, chưa kịp biết “ất, giáp” thì chiếc xe đã bị dắt đi và một chiếc thẻ xe nhét vào tay trám miệng. Tắc lưỡi thôi nhân thể cũng vào ăn một tô cho rồi.

Dãy phố bên tay trái là hàng hủ tíu Nam Vang do một ông Hà Nam Ninh đích thân nấu, thau xí quách đặt ngay sau lưng để chứng tỏ thùng nước lèo hầm từ xương thiệt, chứ vị ngọt hoàn toàn không phải do bột ngọt hay bột nêm. Hàng hủ tíu bò kho của một bà người Chăm bày trên chiếc sạp thấp trước hẻm, không đặc biệt lắm nhưng đông khách hơn trong tiệm vì giá rẻ, bò kho chan hủ tíu trong tô hay cho ra đĩa sâu lòng chấm ăn với bánh mì. Khách ngồi chật cả con hẻm chỉ chừa một lối đi nhỏ cho xe máy. Mỗi lần xe chạy qua, khách phải kéo ghế nhích qua xích lại tránh.

Ðến 7 - 8 giờ những món ăn sáng dành cho các bà nội trợ đủng đỉnh mới dọn hàng. Xách giỏ đi chợ, trước khi vào hàng thịt cá, mấy bà ghé vào hàng điểm tâm. Ðầu chợ chuyên mặt hàng bún “khô” với món bún nem nướng, bún chả giò, thêm gỏi cuốn, bánh tét, bánh ít. Cậu Lạng Sơn góc chợ bày bánh dầy đậu, bánh đúc lạc, bánh chưng, bánh giò nóng hổi ăn kèm chả quế...

Hàng bánh canh giò heo thêm nồi cháo trắng thịt bằm để những nhà có con nhỏ mua về cho tiện khỏi mất công nấu nướng. Hàng bún riêu cua xập xệ, lôi thôi mà toàn khách từ phương xa đến dựng đầy xe tay ga chật lối đi. Bánh cuốn kiểu Bắc thoăn thoắt tráng bột, cuộn thịt, cắt bánh ra đĩa với nước mắm mùi cà cuống nhân tạo... Nồi nước lèo bún mắm tỏa mùi mắm đặc trưng cạnh rổ rau thơm, rau đắng xanh ngắt... có khách hàng ruột là hai cô giáo người Mỹ thuê nhà gần đó. Hàng canh bún hơi nhem nhuốc với rổ rau muống luộc có ngọn thế mà dọn ra khoảng hai tiếng là đã nghiêng nồi. Chủ hàng bún bò Huế tiết kiệm rau sống, không để nguyên đĩa rau thơm mà ngắt ra từng lá rau, khách ăn xuýt xoa, sụt sịt vì cay và sặc sa tế. Hàng cháo lòng xúm xít khách ngồi vòng quanh nồi cháo thơm ơi là thơm. Hàng bánh xèo, bánh khọt với mấy cô chậm rãi nhón tay gói từng miếng bánh vào lá rau cải xanh hít hà. Bánh bèo tôm chấy, bột lọc nhỏ xíu nên khách đứng xếp hành thành ba lớp đợi sốt cả ruột, nước cốt dừa béo ngọt vừa giọng nên ai nấy ăn xong đều húp trọn hết nước. Bánh mặn, tằm bì và bánh ít trần bao giờ cũng bán chung một hàng...

Kể cả năm không hết món điểm tâm. Thực ra vì dễ ăn nên các món này có thể thời cả ngày, không nhất thiết điểm tâm và chỗ nào cũng xuất hiện. Từ khu bình dân hẻm nhỏ có món nào, cửa tiệm nhà hàng có đủ không thiếu món nào. Nhiều cửa hàng trở nên lừng danh với món ăn của mình.

Bánh cuốn thì có bánh cuốn Tây Hồ, Hải Nam... Hủ tíu Ty Lum... Mì Chú Tắc... Bánh mì thịt nguội Hòa Mã, bánh mì Lệ, bún ốc Kỳ Ðồng, bíp tết Hỏa Diệm Sơn.... Riêng món phở quốc hồn quốc túy thì nay vẫn còn phở Thanh Sơn, Tàu Bay, Tương Lai... Sạch sẽ, vệ sinh thì vào phở 2000, phở 24. Còn phụ nữ thì nên đến phở Ta của bà Mai. Theo lời quảng cáo thì phở ở đây ăn không những bổ mà còn khiến làn da mịn màng tươi đẹp. Vừa ngon miệng lại đỡ tốn mỹ phẩm thật là số một, chỉ có điều hơi mắc. Thì chủ nhân đã báo trước “phở biệt thự” mà lại!

Loại thức ăn sáng được ưa chuộng, thông dụng nhất là cơm tấm. Bởi vì bánh mì, bún, xôi... đều có thể ăn lai rai từ trưa đến tối thì cơm tấm dường như chỉ dành cho điểm tâm. Tấm là hạt gạo vỡ nhỏ khi xay nên thật ra nó chỉ là loại gạo thứ phẩm. Nhưng từ khi trở thành nguyên liệu chính trong món ăn Cơm Tấm quá ngon, ngày càng khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong hàng ngũ các món ăn điểm tâm thì gạo tấm trở nên có giá, thậm chí muốn kiếm mua cũng khó. Các máy xay xát gạo ngày càng cải tiến tân kỳ nên gạo khi xay ít ra tấm. Vì thế gọi cơm tấm do quen miệng chứ ngày nay các hàng cơm vẫn nấu gạo thường. Miễn cơm khô, nở xốp là được chứ rất khó kiếm được hàng nấu đúng gạo tấm như xưa. Cơm tấm chỉ trộn mỡ hành, đặt lên mặt sườn nướng, bì, chả trứng, trứng ốp-la với đồ chua là củ cải trắng và cà rốt, trộn nước mắm pha. Sau này thêm gà quay, trứng kho, bắp cải muối... Cải biên tới đó là chấm dứt, thêm nhiều thứ nữa e không phải cơm tấm điểm tâm nữa mà chắc là bữa cơm trưa bò lên.

Cơm vừa rẻ vừa chắc bụng, no luôn tới trưa nên buổi sáng đi qua các con đường thế nào cũng bắt gặp hàng cơm tấm rải rác đó đây. Chỉ một con đường dài khoảng ba trăm mét mà hơn chục hàng cơm vừa ngoài mặt tiền đường vừa len lỏi tận trong các hẻm. Hàng nào cũng bày bếp than quạt sườn, khói đưa mùi thơm lan tận xa. Người ăn tại chỗ, người đứng chờ xách hộp mang đến trường, đến cơ quan làm việc...

Ði vào phía Chợ Lớn dĩ nhiên toàn mì, mằn thắn, bánh bao... Dỉm sấm khá phổ biến nhiều năm nay. Các nhà hàng mênh mông dỉm sấm với giá trung bình từ hai mươi lăm đến bốn chục một phần. Ðủ mọi loại bánh bao, xíu mại, há cảo: xíu mại cua, bánh xếp hải sản sò điệp, bánh bao ca đê, xôi nếp trân châu, sườn hấp dầu xì... Những thức này thoạt tiên chỉ là điểm tâm, nhưng nay, cũng như bún, miến... của Việt Nam, dỉm sấm được bán suốt ngày ăn cả trưa lẫn tối đều được. Món Hoa thường rất béo ngấy hoặc nhiều thịt, ít khi kèm rau như món Việt nên nếu không có mấy ấm trà bửu lị, ô long, hoa cúc uống kèm cho bớt dầu mỡ thì thực khách không quen ngán lắm.Trước kia, quán ăn Tàu thường chiếm những căn nhà góc phố nhìn ra hai mặt đường. Ông chủ kiêm đầu bếp bụng phệ đứng bên nồi nước lèo bốc khói, khăn vắt trên vai, phổ ki đứng từ bàn khách xướng to tên món ăn vang sang sảng vọng đến tận bếp. Ăn sáng có hủ tíu, mì, hoành thánh nước điểm vài lá rau diếp và cọng hẹ..., không thể thiếu bánh bao. Trên bàn bao giờ cũng sẵn đĩa bánh tiêu và dầu cháo quẩy để xé ra chấm vào xíu mại hoặc ăn cùng với hủ tíu khô. Một ly xây chừng nhỏ xíu là đủ bộ. Có thể kể thêm hình ảnh vài người dân lao động ngồi chồm hổm trên chiếc ghế gỗ - ghế của loại quán ăn Tàu này không bao giờ có lưng tựa - để ăn uống từ thời Hồ Biểu Chánh kéo đến sát trước 75. Nay thì những góc phố ấy đều nhường cho những cửa hàng fast food của KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza hut, Pizza inn... Những cửa hàng này cùng với một số cửa hàng ăn nhanh Việt Nam Bamizon, King Baguette... thu hút nhiều giới trẻ, nhất là học sinh trung học bởi trang trí mới lạ, bắt mắt.
        

2. Ăn sáng hạng sang

Quả là bây giờ không phải điểm tâm chỉ là cần no bụng buổi sáng. Giới văn phòng, kinh doanh thích một không gian sạch sẽ, đẹp đẽ. Ở đó họ có thể mở laptop check mail, đọc tờ báo tin tức buổi sáng, gặp gỡ người quen. Hay chỉ là thưởng thức căn phòng máy lạnh yên tĩnh, nhạc êm đềm nhè nhẹ, một mảnh sân mát xanh nắng sáng trong chiếc quán quen thuộc là mở đầu cho ngày làm việc. Vì thế đa số các cà phê sang đều mở thêm điểm tâm buổi sáng và cơm trưa văn phòng vào buổi trưa. Quán sang trọng dù món ăn không xuất sắc, chắc chắn không dở và dĩ nhiên bày biện đẹp mắt. Bún thang, bún mọc, xôi dùng với giò chả... Các quán khu trung tâm thành phố dọc Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàn Thuyên... do có nhiều khách ngoại quốc nên thực đơn điểm tâm có mì Ý, sandwich cá ngừ, bánh crêpe, bánh mì với trứng hay mứt...

Ðiểm tâm nơi nào cũng có cái thú riêng.

Nhìn chung, chuyện ăn cũng lắm công phu.

(Theo Yume)

Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền

Đang tải dữ liệu loading